Rắn thần Naga - biểu tượng độc đáo trong kiến trúc chùa Khmer

Đối với đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ, rắn là con vật linh thiêng, là biểu tượng của sự che chở, bảo vệ. Bởi vậy loài vật này không chỉ xuất hiện trong những Phật thoại mà còn xuất hiện rất nhiều trong các kiến trúc, điêu khắc chùa Phật giáo Nam tông. Tại tỉnh Bình Phước, biểu tượng rắn cũng được sử dụng khá phổ biến trong kiến trúc xây dựng.

Chùa Sóc Lớn tại xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh hiện là công trình kiến trúc tôn giáo có nhiều biểu tượng rắn thần Naga nhất trong số các chùa Khmer ở Bình Phước. Theo những tài liệu Phật giáo còn lại đến ngày nay, rắn có mối quan hệ rất đặc biệt với Phật giáo. Tương truyền, khi đức Phật ngồi thiền định dưới gốc cây bồ đề thì một cơn mưa to, gió lớn kéo đến. Lúc ấy mãng xà vương Naga Mucalinda từ ổ chui ra, uốn mình quấn quanh đức Phật bảy vòng rồi nâng ngài lên khỏi dòng nước đang chảy xiết. Sau đó rắn Naga dùng bảy chiếc đầu của mình làm thành một chiếc tán che chở cho đức Phật. Sau này, Naga được coi là biểu tượng của sự bảo vệ, che chở mọi người khỏi tai họa. Cũng chính bởi điều này, biểu tượng rắn được sử dụng khá phổ biến. “Chùa Sóc Lớn tại Lộc Khánh rất tự hào khi kiến trúc chùa có nhiều biểu tượng rắn Naga trấn giữ, không chỉ hiện diện trang trọng trước cổng chùa, biểu tượng Naga còn được thiết kế tại khu vực chánh điện, nóc giảng đường Sala... Với các biểu tượng ấy, đồng bào, phật tử rất yên tâm khi thực hiện phật sự, vì họ tin đã được thần Naga che chở” - sư Lâm Chha Ni, chùa Sóc Lớn chia sẻ.

Biểu tượng rắn vô cùng uy nghi tại chùa Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh

Biểu tượng rắn vô cùng uy nghi tại chùa Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh

Tại các ngôi chùa Phật giáo Nam tông, rắn trở thành một biểu tượng không thể thiếu trong các họa tiết, hoa văn trang trí. Đó là hình ảnh một con rắn mang bành lớn, thường xuất hiện với một đầu hay nhiều đầu được biểu hiện rất phong phú dưới các hình dạng khác nhau, phổ biến nhất vẫn là biểu tượng rắn án ngữ ngay các lối vào chánh điện với dụng ý trấn áp và bảo vệ. Dù hình tượng được các nghệ nhân dân gian sáng tạo có phần hung tợn, tuy nhiên phần cổ, rắn thần thường được thể hiện bằng dải uốn cong đều đặn, làm dịu bớt tính dữ của phần đầu rắn bên trên... “Rắn thần Naga xuất hiện ở đền, chùa mang ý nghĩa bảo hộ đức Phật, bảo vệ không gian yên tĩnh, thanh sạch chốn chùa chiền. Đồng thời, rắn còn biểu trưng cho sự thịnh vượng, sinh thành, phát triển, nâng đỡ và ổn định thế giới” - sư Thạch Danh, chùa Serey Odom, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh cho biết thêm.

Những vị trí quan trọng trong chùa Serey Odom, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh đều có biểu tượng rắn trấn giữ

Những vị trí quan trọng trong chùa Serey Odom, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh đều có biểu tượng rắn trấn giữ

Đồng bào Khmer tin rằng rắn thần Naga còn là linh hồn của thiên nhiên, bảo vệ các nguồn nước như sông, suối, mạch ngầm, giúp mùa màng tốt tươi. Ngoài ra, Naga còn biểu trưng cho sự thịnh vượng, kết nối giữa cõi nhân gian và thiên giới. Ông Lâm Lơi, Trưởng ban hộ tự chùa Serey Odom chia sẻ: “2025 là năm rắn, vì thế đồng bào Khmer rất hạnh phúc khi trong ngôi chùa của địa phương có biểu tượng rắn thần Naga. Chúng tôi tin tưởng tấm lòng từ bi hỉ xả của đức Phật đã thuần hóa được rắn - linh vật năm Ất Tỵ”.

Ngôi chùa trở nên uy nghi, bình an hơn với sự bảo vệ của rắn thần Naga

Ngôi chùa trở nên uy nghi, bình an hơn với sự bảo vệ của rắn thần Naga

Năm 2025, rắn sẽ thay rồng đảm nhiệm vị trí là linh vật của năm. Dù còn có những quan niệm khác nhau về 2 khía cạnh thiện - ác của loài vật năm Ất Tỵ, đồng bào Khmer Bình Phước vẫn kỳ vọng: Cánh đồng, thửa ruộng của đồng bào đều rất cần những hạt giống tốt. Để hạt giống ấy trổ hoa, kết hạt, cần có những người bảo vệ trung thành và loài rắn được xem như đối trọng xứng đáng trước các tác nhân phá hoại những hạt giống no ấm đó của đồng bào.

Hưng Cát - Ngọc Thuận

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/168361/ran-than-naga-bieu-tuong-doc-dao-trong-kien-truc-chua-khmer
Zalo