Rán mỡ lợn thêm thứ này vào để nhiều tháng không hỏng

Vài mẹo nhỏ nhưng cực kỳ hiệu quả khi rán mỡ lợn sẽ giúp bạn bảo quản trong thời gian dài mà không lo bị hỏng.

Mỡ lợn từ xưa tới nay vẫn được coi là một thực phẩm giàu dinh dưỡng, cung cấp rất nhiều năng lượng cho cơ thể. Trong mỡ lợn có các loại như axit béo bão hòa, protein, các loại vitamin A, D, đặc biệt là cholesterol cần thiết cho cấu trúc tế bào, nhất là tế bào thần kinh.

Làm thế nào để bảo quản mỡ lợn sau khi rán được lâu, không bị mốc hỏng trong thời gian dài là điều nhiều bà nội trợ quan tâm.

Rán mỡ lợn thêm thứ này vào để cả năm không hỏng

Một mẹo nhỏ nhưng cực kỳ hiệu quả để giữ mỡ lợn không bị hỏng trong thời gian dài là thêm vào một chút muối và gừng khi rán. Đây là hai nguyên liệu dễ tìm và rẻ tiền nhưng lại có khả năng bảo quản mỡ lợn rất tốt.

Gừng chứa gingerol và shogaol, hai hợp chất có khả năng kháng khuẩn, chống ôxy hóa mạnh mẽ. Khi được rán cùng với mỡ lợn, gừng sẽ giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, nấm mốc, đồng thời giảm thiểu quá trình oxy hóa của mỡ.

Muối, ngoài việc tăng cường vị đậm đà cho mỡ, còn có khả năng hút ẩm và tạo môi trường không thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

Mỡ lợn rán với muối và gừng xong, bạn để nguội hẳn rồi rót vào âu đựng có nắp kín, cất trong ngăn mát tủ lạnh dùng dần.

Muối và gừng có tác dụng kháng khuẩn, rán mỡ lợn thêm thứ này vào để cả năm không hỏng. (Ảnh: Taste)

Muối và gừng có tác dụng kháng khuẩn, rán mỡ lợn thêm thứ này vào để cả năm không hỏng. (Ảnh: Taste)

Cách rán mỡ lợn thơm ngon để lâu không hỏng

Trước tiên, để có được lọ mỡ lợn rán ngon và lâu hỏng, bạn cần chọn loại mỡ lợn tươi, không có mùi lạ và có màu trắng hồng. Bạn nên chọn mỡ phần gáy hoặc mỡ từ phần bụng của con lợn, bởi đây là hai phần có chất lượng mỡ tốt nhất.

Rửa sạch bụi bẩn và tạp chất trên mỡ rồi thái miếng vừa phải. Không nên cắt quá to vì sẽ khó rán kỹ và không ra hết nước mỡ.

Cho mỡ vào chảo sạch, thêm một bát nước và đập dập một củ gừng tươi cho vào cùng. Bạn đừng lo bị bắn mỡ khi cho nước vì nước sẽ bay hơi hết trong khi rán. Việc cho nước vào từ đầu giúp mỡ trắng và không bị bắn, lại giảm nguy cơ cháy khét. Còn gừng sẽ giúp giảm mùi ngậy của mỡ, giúp mỡ thơm và để được lâu hơn.

Đun chảo mỡ ở lửa lớn, khi nước trong chảo mỡ sôi thì hớt sạch bọt rồi thêm vào chút muối để khử trùng, tăng thời gian bảo quản. Đảo đều để mỡ lợn tan chảy từ từ. Khi mỡ bắt đầu ra nước, bạn có thể hạ lửa nhỏ để tránh mỡ bị cháy.

Rán cho đến khi các miếng mỡ trở nên giòn và vàng. Lúc này nước mỡ trong chảo cũng đã trở nên trong suốt, không còn bọt và cặn, cần tắt bếp (chú ý không rán quá kỹ, tóp mỡ bị cháy, mỡ sẽ không có màu trắng ngon mắt, mùi cũng khét hơn).

Sau khi rán xong, bạn dùng rây hoặc vải sạch để lọc bỏ cặn và miếng tóp mỡ ra khỏi nước mỡ. Đợi nước mỡ nguội bớt, sau đó đổ vào hũ thủy tinh sạch và khô. Lưu ý không nên đổ mỡ quá đầy, nên để lại một khoảng trống để mỡ có thể co lại khi nguội. Khi mỡ nguội hoàn toàn, bạn đậy kín nắp hũ và bảo quản trong tủ lạnh để kéo dài thời gian sử dụng.

Bảo quản mỡ lợn ở trong lọ thủy tinh có nắp đậy kín. (Ảnh: Stellanspice)

Bảo quản mỡ lợn ở trong lọ thủy tinh có nắp đậy kín. (Ảnh: Stellanspice)

Lưu ý khi sử dụng mỡ lợn đã rán

- Khi lấy mỡ ra sử dụng, bạn nên dùng thìa sạch, khô để tránh làm mỡ bị nhiễm khuẩn.

- Nếu thấy mỡ có mùi lạ hoặc đổi màu, bạn nên ngừng sử dụng để đảm bảo an toàn sức khỏe.

- Để mỡ lợn giữ được chất lượng tốt nhất, bạn nên sử dụng trong vòng 6-12 tháng sau khi rán, với điều kiện bảo quản tốt.

- Không nên sử dụng mỡ lợn quá thường xuyên, chỉ sử dụng ở mức độ vừa phải. Việc lạm dụng mỡ lợn có thể gây ra tình trạng thừa cân, béo phì dễ dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tăng lipid máu, tăng huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch và đột quỵ.

NGUYỆT ÁNH (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/ran-mo-lon-them-thu-nay-vao-de-nhieu-thang-khong-hong-ar891859.html
Zalo