Rà soát việc nhân viên y tế tư vấn, bán sữa cho người bệnh

Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định pháp luật trong khám bệnh, chữa bệnh.

Ngày 20/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã có công văn gửi giám đốc các bệnh viện thuộc Bộ Y tế và lãnh đạo sở y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định pháp luật trong khám bệnh, chữa bệnh; yêu cầu các đơn vị, địa phương báo cáo tình hình triển khai thực hiện, kết quả xử lý vi phạm (nếu có) về Bộ Y tế trước ngày 24/4.

Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo các bệnh viện và sở y tế chỉ đạo rà soát, kiểm tra, đối chiếu danh mục thuốc và các thuốc được sử dụng trong cơ sở khám chữa bệnh với các thuốc giả đã được cơ quan chức năng điều tra, phát hiện, xử lý thời gian gần đây, có biện pháp xử lý theo quy định (nếu vi phạm).

Cùng với đó, rà soát, kiểm tra việc kê đơn thuốc có các sản phẩm không phải là thuốc như sữa, thực phẩm chức năng… để kịp thời chấn chỉnh, có biện pháp xử lý theo quy định (nếu có vi phạm).

Cơ quan chức năng vừa phát hiện hai doanh nghiệp sản xuất sữa giả quy mô lớn. (Ảnh: nhandan.vn)

Cơ quan chức năng vừa phát hiện hai doanh nghiệp sản xuất sữa giả quy mô lớn. (Ảnh: nhandan.vn)

Tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh nếu phát hiện hành vi trong khám bệnh, chữa bệnh: Kê đơn, chỉ định sử dụng thuốc đối với các thuốc chưa được cấp phép lưu hành theo quy định của pháp luật về dược trong khám bệnh, chữa bệnh; kê đơn thuốc, chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, thiết bị y tế, gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám bệnh chữa bệnh khác hoặc có hành vi khác nhằm trục lợi; người hành nghề bán thuốc dưới mọi hình thức; Lợi dụng việc kê đơn thuốc để trục lợi; quảng cáo thuốc khi chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung hoặc không đúng với nội dung đã được xác nhận.

Khẩn trương triển khai các giải pháp bảo đảm việc kê đơn, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả. Quản lý, giám sát việc kê đơn, sử dụng thuốc đối với người hành nghề phù hợp với chẩn đoán, tình trạng bệnh, tính cần thiết, đúng mục đích, an toàn, hợp lý và hiệu quả. Tăng cường hoạt động dược lâm sàng trong tư vấn, giám sát kê đơn; giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) và triển khai hoạt động quản lý tương tác thuốc theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đối với hoạt động tiêu thụ sản phẩm không phải là thuốc như sữa, thực phẩm chức năng… trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế cũng đề nghị kiểm tra, rà soát việc nhân viên y tế tư vấn, giới thiệu, bán các sản phẩm sữa (đặc biệt các sản phẩm sữa giả đã được cơ quan điều tra, phát hiện), thực phẩm chức năng… cho người bệnh, người nhà.

Rà soát, bảo đảm hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện thực hiện theo đúng quy định tại Điều 67 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 và Thông tư số 18 ngày 12/11/2020 của Bộ Y tế quy định về hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện.

Cùng với đó, kiểm tra, giám sát việc thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm không phải là thuốc có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người; quảng cáo vượt quá phạm vi hành nghề hoặc vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, lợi dụng kiến thức y học để quảng cáo gian dối về khám bệnh, chữa bệnh.

Xử lý nghiêm, tuyệt đối không bao che, dung túng các hành vi vi phạm; đồng thời tăng cường quán triệt, phổ biến các quy định của pháp luật, thông tin kịp thời để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà và người dân trong việc tham gia phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm.

Bình Nguyên

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/ra-soat-viec-nhan-vien-y-te-tu-van-ban-sua-cho-nguoi-benh-2098479.html
Zalo