Ra mắt mô hình đại học ứng dụng Phần Lan tại Việt Nam
Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ra mắt chương trình cử nhân quốc tế 'Finland Metropolia Vietnam'.

Lễ ra mắt chương trình đào tạo đại học “Finland Metropolia Vietnam” – kết quả hợp tác giữa Trường Đại học FPT và Đại học Khoa học Ứng dụng Metropolia (Phần Lan), đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Phần Lan. Ảnh: VA
Đây là kết quả hợp tác giữa Trường Đại học FPT và Đại học Khoa học Ứng dụng Metropolia (Phần Lan).
Trong năm đầu tiên triển khai, chương trình tuyển sinh 100 chỉ tiêu ngành Công nghệ Thông tin tại Hà Nội. Nhằm hỗ trợ và khuyến khích các tân sinh viên tài năng, 100% sinh viên theo học sẽ có học bổng với nhiều suất học bổng giá trị với mức hỗ trợ lên tới trên 50% học phí toàn bộ giai đoạn học chuyên ngành. Điều này sẽ tạo điều kiện để sinh viên có thể học một chương trình đẳng cấp quốc tế với một mức học phí rất hợp lý. Học bổng được xét dựa trên thành tích học tập, đóng góp cộng đồng và tiềm năng phát triển của từng cá nhân.
Sinh viên học tại Việt Nam sẽ nhận được bằng đại học trực tiếp từ Đại học Metropolia Phần Lan với chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh hoàn toàn giống về nội dung và phương pháp đào tạo như chương trình tại Phần Lan. Đội ngũ giảng viên đều đạt trình độ giảng viên quốc tế của Metropolia Phần Lan.
Ngoài ra, chương trình cũng áp dụng mô hình đào thực tiễn gắn liền với doanh nghiệp và chuẩn đầu ra toàn cầu. Đây là chương trình kết hợp thế mạnh công nghệ của hệ sinh thái Tập đoàn FPT và triết lý giáo dục ứng dụng đổi mới – sáng tạo hàng đầu từ Phần Lan.
TS. Hoàng Việt Hà - Viện trưởng Viện Đại học Quốc tế FPT, Tập đoàn FPT chia sẻ: “Không dừng lại ở lý thuyết, sinh viên được học tập và thực hành trong hệ sinh thái công nghệ của Tập đoàn FPT – nơi hội tụ hạ tầng số, các dự án thực tế và mạng lưới doanh nghiệp trải khắp toàn cầu. Bên cạnh đó, các cơ hội học trao đổi, thực tập, làm việc tại Phần Lan và châu Âu cũng được tích hợp ngay trong chương trình – giúp sinh viên vừa học, vừa tích lũy trải nghiệm quốc tế thực tế”.