Ra mắt bộ sách 'Nghề thủ công truyền thống Champa'
Bộ sách Nghề thủ công truyền thống Champa của PGS.TS Trương Văn Món cung cấp nhiều kiến thức về nghề này, đề xuất hướng bảo tồn và phát huy di sản gốm Champa.
Sáng 4-1, PGS.TS Trương Văn Món cùng các cộng sự đã có buổi ra mắt giới thiệu bộ sách Nghề thủ công truyền thống Champa (gồm 3 tập) tại trường Đại học KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM.
Đây là tác phẩm thuộc dự án "Nghiên cứu, sưu tầm, xuất bản và lưu giữ những giá trị văn hóa - lịch sử của người Chăm Việt Nam" do PGS.TS. Trương Văn Món làm chủ nhiệm đề tài.
Nghề thủ công truyền thống Champa là bộ sách có giá trị khoa học, không chỉ cung cấp kiến thức hàn lâm liên quan đến nghề thủ công truyền thống mà còn trình bày rất kỹ về việc thực hành nghề thủ công truyền thống Champa hiện nay.
Bộ sách trình bày từ nghệ thuật làm gốm, nghệ thuật dệt, hoa văn, màu sắc, trang phục cho đến nghề đan lát, mây tre, nghề làm vũ khí săn bắt, công cụ sản xuất và nhạc cụ của Champa, qua đó bộ sách đề xuất bảo tồn và phát huy di sản gốm Champa ở Việt Nam.
Chia sẻ với PLO, PGS.TS. Trương Văn Món cho biết việc nghiên cứu bộ sách là cả một quá trình tích lũy.
"Trong 3 tập sách này tôi thực hiện từng phần từ năm 1998 đến nay. Trải qua ngần ấy thời gian tích lũy rồi làm các dự án, đến nay mới có thể ra mắt bạn đọc" - PGS.TS Trương Văn Món chia sẻ.
Theo PGS.TS Trương Văn Món, việc thực hiện bộ 3 sách đều có mức độ khó khác nhau.
"Như ở tập I - Từ gốm Sa Huỳnh đến gốm Champa, tôi kết nối được gốm Sa huỳnh với gốm Chăm Pa và đây không phải là điều đơn giản.
Tập II - Nghệ thuật dệt, hoa văn, màu sắc và trang phục của người Chăm thì phải làm sao sưu tầm hoa văn cổ cho đầy đủ trong bối cảnh đương đại hiện nay khi xu hướng này đã dần mất đi.
Tập III của bộ sách nói về nghề đan lát mây tre, làm công cụ săn bắt, sản xuất, phương tiện vận chuyển và nhạc cụ dù đơn giản nhưng sưu tầm lại những câu chuyện liên quan đến các nghề này cũng là câu chuyện nan giải" - PGS.TS Trương Văn Món cho hay.
Tham dự buổi ra mắt Nghề thủ công truyền thống Champa, TS Phan Văn Dốp, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ cho rằng qua bộ sách này, người đọc sẽ thấy được nhiều khía cạnh về khoa học trong lĩnh vực nghề thủ công và đây là công trình góp phần lớn lao trong việc bảo tồn văn hóa.
PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn học dân tộc – Hội Dân tộc học cho rằng với tập I của bộ sách nói về nghề gốm, PGS.TS Phan Văn Món đã tập hợp được rất nhiều kiến thức để chúng ta thấy được sự kết nối từ quá khứ đến hiện đại.
"Đặc biệt ở tập III cũng cho thấy sự tâm huyết, mong muốn bảo tồn đặc biệt là tinh thần dân tộc. Tuy nhiên có những điều bị tác động bởi yếu tố hiện đại, khoa học công nghệ… thì chúng ta sẽ nhìn nhận nó ở góc độ như thế nào?
Chúng ta sẽ bảo tồn hay khai thác nó để phục vụ về bảo tàng, du lịch. Mong những người tiếp cận sách sẽ tìm thấy được sự kết nối về văn hóa cũng như hiểu nhiều hơn về nội dung mà bộ sách chia sẻ" - PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân nói.
PGS.TS Trần Nam Tiến, Khoa Quan hệ quốc tế (Đại học KH-XH&NV TP.HCM) nhận xét bộ sách Nghề thủ công truyền thống Champa là bộ sách tiếp nối của bộ sách trước đó.
Theo PGS.TS Trần Nam Tiến, nghề thủ công truyền thống của người Chăm bên cạnh giá trị vật thể thì điều lớn hơn là giá trị phi vật thể của các làng nghề thủ công.
"Tôi nghĩ 3 tập của bộ sách không phải là sự kết thúc mà chính là khởi đầu lớn hơn nữa để PGS.TS Trương Văn Món nghiên cứu sâu về giá trị của các làng nghề thủ công này" - PGS TS Trần Nam Tiến bày tỏ.
Trước đó, PGS.TS Trương Văn Món và cộng sự đã cho ra mắt bộ sách Văn hóa - Lịch sử Champa (4 tập) khi kết thúc dự án giai đoạn 1 hồi tháng 4-2024. Bộ sách Nghề thủ công truyền thống Champa là giai đoạn đoạn 2 của dự án.