Ra đường động chút ẩu đả, vì sao?

Khi xảy ra va chạm giao thông, nhiều người không cần biết đúng sai, sẵn sàng lao vào ẩu đả, thậm chí giết người. Rất nhiều người đã phải trả giá rất đắt khi vướng vòng lao lý, song thời gian qua hiện tượng này lại có dấu hiệu gia tăng.

Vậy, đâu là nguyên nhân và phải làm gì để dẹp bỏ thói ứng xử côn đồ? Báo Giao thông trao đổi với thượng tá, chuyên gia Tội phạm học, TS Đào Trung Hiếu xung quanh vấn đề này.

TS Đào Trung Hiếu.

TS Đào Trung Hiếu.

"Chưa đánh được người mặt đỏ như vang…"

Liên tiếp những ngày qua, công an tại nhiều địa phương triệu tập, bắt giữ, khởi tố hàng loạt đối tượng hành hung người khác, hủy hoại tài sản do va chạm giao thông. Ông nhìn nhận thế nào về thực trạng này?

Chỉ trong nửa đầu tháng 12/2024, báo chí liên tục đưa tin về các vụ việc liên quan đến lối hành xử côn đồ mà nguyên nhân xuất phát từ các vụ va chạm giao thông trên đường.

Điển hình trong số đó là 2 vụ việc gây bức xúc dư luận cùng xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Phước và đều được camera hành trình ghi lại.

Vụ thứ nhất, ngày 16/12, Phạm Tiến Thành (SN 1985, trú Bình Phước) điều khiển xe bán tải chặn đầu một xe tải khác khi đang lưu thông trên đường. Tiếp đó, đối tượng hùng hổ cầm gậy bóng chày uy hiếp tài xế xe tải. Thành còn sử dụng bình xịt hơi cay rồi xịt thị uy về phía đối phương.

Vụ thứ 2, ngày 15/12, Bùi Văn Hoàng Anh (SN 1989, ngụ Bình Dương) đi ô tô cùng bạn để xem câu cá, sau đó có chiếc xe tải chạy qua mặt. Sẵn có hơi men trong người, Hoàng Anh hùng hổ lao vào hành hung tài xế xe tải dù lúc đó, bên ghế phụ của xe nạn nhân có một phụ nữ đang bế con nhỏ.

Những vụ việc trên cho thấy tính chất manh động, côn đồ của các đối tượng. Lẽ ra, tất cả đều có thể giải quyết ổn thỏa và đã không trở thành vụ án hình sự.

"Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người mặt vàng như nghệ", rất tiếc nhiều người không thấm, dù đã xảy ra rất nhiều vụ tương tự.

Theo ông, vì sao thói hành xử côn đồ sau va chạm giao thông lại gia tăng thời gian qua?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi côn đồ khi va chạm giao thông. Ví dụ như nhiều người thường có tính khí nóng nảy, dễ bị kích động và phản ứng bạo lực khi xảy ra mâu thuẫn, nhất là trong tình huống căng thẳng như va chạm giao thông.

Bên cạnh đó, việc không kiểm soát được cơn giận và cảm xúc tiêu cực dẫn đến hành vi bột phát, gây tổn thương cho người khác.

Ứng xử kém, dễ bị kích động

Có vụ việc đối tượng đánh người trung niên, người yếu thế dù rất nhiều người dân can ngăn, như vụ án xảy ra tại khu vực gần Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) do lời nhắc nhở đỗ xe ô tô cho gọn gàng. Vậy, các vụ việc này còn có nguyên nhân nào khác?

Nguyên nhân của tình trạng hành xử côn đồ, bất chấp pháp luật sau các vụ va chạm xe trên đường là do sự thiếu hiểu biết về pháp luật.

Đối tượng Phạm Tiến Thành (SN 1985, trú Bình Phước) chặn đầu một xe tải khác khi đang lưu thông trên đường, cầm gậy bóng chày uy hiếp tài xế xe tải. Hiện Thành đã bị công an bắt giữ.

Đối tượng Phạm Tiến Thành (SN 1985, trú Bình Phước) chặn đầu một xe tải khác khi đang lưu thông trên đường, cầm gậy bóng chày uy hiếp tài xế xe tải. Hiện Thành đã bị công an bắt giữ.

Một số người không hiểu rõ hoặc coi thường pháp luật nên có suy nghĩ giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực thay vì các biện pháp hòa giải hợp pháp. Họ tin rằng sử dụng vũ lực sẽ khẳng định "quyền lực" và giúp họ "giành phần thắng" trong xung đột.

Cùng đó, văn hóa ứng xử kém và tâm lý bầy đàn cũng tạo nên các vụ xung đột trên đường. Một số người mang tâm lý đám đông, khi thấy người khác hành hung, họ dễ hùa theo hoặc kích động lẫn nhau để thể hiện bản thân.

Đáng chú ý, văn hóa ứng xử kém, thiếu tôn trọng người khác trong giao tiếp và sinh hoạt công cộng cũng dễ dẫn đến những hành vi bạo lực bột phát. Ngoài ra, những người lớn lên trong môi trường bạo lực hoặc thường xuyên chứng kiến các hành vi bạo lực dễ hình thành suy nghĩ dùng vũ lực để giải quyết vấn đề.

Các phương tiện truyền thông, phim ảnh chứa nhiều cảnh bạo lực cũng có thể góp phần tạo ra tâm lý coi bạo lực là "chuyện bình thường".

Xét về góc độ tâm lý, ông lý giải nguyên nhân sâu xa vì sao nhiều người thường chọn lối hành xử côn đồ để giải quyết các vụ va chạm xe?

Nhiều đối tượng côn đồ khi hành hung người khác do va chạm giao thông thường có trong mình tâm lý tự ái và sĩ diện cao. Với những người có lòng tự ái cao, khi bị va chạm nhẹ hoặc nghe được lời nói thiếu kiềm chế từ phía đối phương, họ sẽ cảm thấy bị xúc phạm và phản ứng bạo lực để bảo vệ cái tôi.

Cũng có trường hợp mang tâm lý muốn khẳng định sức mạnh và quyền lực. Khi xảy ra va chạm, họ muốn thể hiện bản thân, chứng tỏ sức mạnh và muốn "không dễ bị bắt nạt" trước mặt người khác.

Trong tình huống xung đột căng thẳng, một số người không kịp suy nghĩ thấu đáo, dễ mất kiểm soát, dẫn đến hành vi bạo lực mang tính bột phát, không lường trước hậu quả.

Thực tế cho thấy, trong một số vụ va chạm xe trên đường, nhiều người thay vì tìm hiểu nguyên nhân và xử lý tình huống bình tĩnh, họ lại có xu hướng đổ lỗi hoàn toàn cho đối phương và cho rằng mình là nạn nhân, từ đó "hợp thức hóa" hành vi bạo lực.

Điều đáng ngại nhất là họ không sợ hậu quả pháp lý. Những đối tượng này thường hành xử côn đồ vì không sợ hoặc không nghĩ đến hậu quả, tin rằng hành vi của mình sẽ không bị trừng phạt nghiêm khắc.

"Một sự nhịn là chín sự lành"

Theo ông, trong các vụ việc liên quan đến xung đột khi tham gia giao thông trên đường, các bên liên quan cần làm gì để không sa vào cách giải quyết bạo lực, sau đó là hậu quả đáng tiếc?

Trước hết, các tài xế nếu xảy ra va chạm xe khi tham gia giao thông, nên giữ bình tĩnh và kiểm soát cảm xúc.

Khi không may xảy ra va chạm, hãy hít thở sâu và giữ bình tĩnh, tránh to tiếng hoặc có lời nói khiêu khích. Nếu có thể, mỗi bên cần phải nhường nhịn để tránh đẩy tình huống lên cao trào.

Bên cạnh đó, cần tránh việc tranh cãi gay gắt hoặc có thái độ thách thức đối phương. Bởi, điều này chỉ làm tình hình xấu đi và dễ kích động bạo lực. Trong tình huống căng thẳng, hãy gọi điện báo công an hoặc lực lượng chức năng khác để can thiệp và giải quyết.

Người liên quan vụ va chạm cũng có thể sử dụng điện thoại hoặc camera hành trình để ghi lại diễn biến sự việc. Những bằng chứng này sẽ giúp bảo vệ cho họ trước pháp luật.

Đặc biệt, nếu là người ngoài cuộc, tránh hùa theo hoặc kích động xung đột. Thay vào đó, điều cần làm là khuyên can hoặc gọi sự hỗ trợ từ lực lượng chức năng.

Mỗi cá nhân cũng cần ý thức xây dựng một môi trường giao thông văn minh, tôn trọng và nhường nhịn nhau. Giáo dục ý thức này từ nhà trường và gia đình để tạo thói quen ứng xử lành mạnh.

Hành vi côn đồ khi xảy ra va chạm giao thông thường bắt nguồn từ sự nóng nảy, thiếu hiểu biết pháp luật và văn hóa ứng xử kém. Để giảm thiểu tình trạng này, mỗi cá nhân cần rèn luyện khả năng kiềm chế cảm xúc, hiểu rõ pháp luật và nâng cao ý thức cộng đồng khi tham gia giao thông.

Cảm ơn ông!

Trả giá vì cách hành xử bằng bạo lực

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, sau các vụ hành hung người khác, hủy hoại tài sản chỉ vì va chạm xe trên đường, không ít trường hợp đã bị tòa án các cấp xét xử và tuyên những bản án nghiêm khắc.

Đầu tháng 5/2024, TAND tỉnh Thanh Hóa tuyên phạt 3 bị cáo: Lê Văn Định (SN 1978), Lê Văn Ba (SN 1973) và Nguyễn Bá Dương (SN 1976, cùng trú huyện Nông Cống) các mức án lần lượt là 9 năm 6 tháng, 8 năm 6 tháng và 8 năm tù về tội Giết người.

Ngày 21/8/2023, Định lái xe ô tô tải chở 2 bị cáo còn lại lưu thông trên quốc lộ 1A. Khi đến khu vực gần cây xăng dầu ở thôn Đông Nam, xã Hoằng Quỳ của huyện Hoằng Hóa, xe này va chạm với xe máy do anh Nguyễn Danh Sơn điều khiển. Tai nạn chỉ ở mức độ nhẹ, nhưng Định vẫn chặn xe của nạn nhân, sau đó rủ Ba và Dương hành hung anh Sơn. Khi nạn nhân bất tỉnh, các đối tượng vẫn đánh đập. Hậu quả, anh Sơn bị tổn hại 75% sức khỏe.

Trung tuần tháng 3/2024, TAND tỉnh Phú Yên khi xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt Lê Chí Đạt (SN 1995, trú huyện Sơn Hòa, Phú Yên) bản án 9 năm tù về tội Giết người.

Ngày 21/5/2023, Đạt chạy xe máy va chạm với ô tô do ông Lê Minh H (SN 1970) điều khiển di chuyển hướng ngược lại. Cú tông khiến Đạt bị văng lên nắp capo ô tô và ngã xuống đường.

Khi ông H xuống xe, hai bên xảy ra tranh cãi. Trong lúc xô xát, Đạt giật hung khí từ tay ông H và đánh vào đầu khiến ông H ngã ra đường, chấn thương sọ não rồi bất tỉnh. Chưa dừng lại, Đạt còn dùng chân đạp vào cổ và mặt nạn nhân. Ông H tử vong tại bệnh viện sau đó.

Hoàng Lam (thực hiện)

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ra-duong-dong-chut-au-da-vi-sao-192241219232820534.htm
Zalo