Ra đề khi không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa: Gỡ khó cho giáo viên

Làm sao để ra được đề kiểm tra chất lượng khi không dùng văn bản đã học trong SGK làm ngữ liệu vẫn là khó khăn không nhỏ đối với giáo viên...

Học sinh Trường THPT Ban Mai, Hà Nội trong giờ học Ngữ văn. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường THPT Ban Mai, Hà Nội trong giờ học Ngữ văn. Ảnh: NTCC

Sau 2 năm học, đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn theo Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 của Bộ GD&ĐT đã tạo những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, làm sao để ra được đề kiểm tra chất lượng khi không dùng văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu vẫn là khó khăn không nhỏ đối với giáo viên.

Khó nhất là chọn dữ liệu tin cậy, chất lượng

Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Công văn 3175, các trường học trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh triển khai thuận lợi việc không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa trong đề kiểm tra. Chia sẻ điều này, thầy Nguyễn Phương Bắc - giáo viên Trường THCS Lâm Thao, Lương Tài (Bắc Ninh) nhận thấy, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh với môn Ngữ văn có nhiều chuyển biến tích cực.

Trong đó, yêu cầu ra đề kiểm tra không sử dụng ngữ liệu có trong sách giáo khoa giúp phát huy phẩm chất, năng lực học sinh theo tinh thần đổi mới của Bộ GD&ĐT, tránh được hiện tượng dạy Ngữ văn kiểu đọc chép, học sinh học thuộc lòng phổ biến từ trước đến nay. Đề kiểm tra có cách ra mở, phát huy được năng lực văn chương và phân hóa học sinh theo năng lực.

Yếu tố quan trọng nhất để ra được đề kiểm tra môn Ngữ văn theo yêu cầu mới là nguồn ngữ liệu có chất lượng. Khó khăn của việc này là hiện nay các nguồn ngữ liệu sách điện tử trên Internet phong phú nhưng khó tìm và nhiều nguồn chưa được kiểm duyệt; một số nguồn khác không thể tùy tiện sử dụng vì có thể vi phạm bản quyền.

Giải pháp khắc phục là giáo viên thông qua các kênh thông tin, hội nhóm cùng tìm và chọn lọc tạo thành kho tư liệu có kiểm duyệt để sử dụng lâu dài và là cơ sở để có những bộ đề chất lượng. Các bộ đề kiểm tra sau khi được biên soạn sẽ cho học sinh thực hành trên lớp vào giờ ôn tập.

Sau kiểm tra, giáo viên có hướng dẫn lại để rèn kỹ năng giúp trò có cơ hội tiếp cận với nhiều kênh thông tin, được tự khám phá, phát hiện và vận dụng kỹ năng đọc hiểu các thể loại văn học theo đặc trưng. Các bộ đề chưa đạt yêu cầu tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện.

Trường THPT Trần Quang Khải, Khoái Châu (Hưng Yên) triển khai yêu cầu không sử dụng ngữ liệu trong đề kiểm tra định kỳ Ngữ văn từ năm học 2022 - 2023 cho học sinh khối 10; năm học 2023 - 2024 là lớp 11.

Cô Nguyễn Thị Giang Hương - giáo viên nhà trường cho biết, tổ chuyên môn họp bàn, đi đến thống nhất từ cấu trúc đề, lựa chọn văn bản đọc hiểu, văn bản viết phù hợp với thời điểm kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ của lớp 10, 11. Ngữ liệu được lựa chọn phải đảm bảo tính chính thống, nhà xuất bản rõ ràng…

Tổ chuyên môn giao cho các nhóm và từng giáo viên kiểm định chặt chẽ nội dung, không sử dụng văn bản có nội dung vi phạm chủ quyền biển đảo, truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt Nam đưa vào đề kiểm tra.

Kết quả bước đầu thu được trong hai năm học rất khả quan. Học sinh đã ứng dụng phương pháp, cách thức đọc hiểu, viết bài theo từng đặc trưng thể loại vào làm bài kiểm tra khá thành công; có nhiều bài làm tốt, được thầy cô đánh giá cao.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn. Giáo viên vừa phải tiếp cận, nghiên cứu văn bản mới trong chương trình; vừa tìm đọc, lựa chọn ngữ liệu ngoài văn bản phù hợp với yêu cầu kiểm tra, đánh giá. Để chọn lựa văn bản không hề đơn giản. Có văn bản dễ hiểu, nhưng cũng có văn bản không phải ai đọc xong cũng có thể cảm thụ, nhất là những văn bản của văn học đương đại.

“Muốn làm được, giáo viên phải cẩn trọng, nghiêm túc khi chọn lựa các ngữ liệu để bảo đảm tính giáo dục. Xây dựng được một đề Ngữ văn đáp ứng yêu cầu về kiến thức học thuật, vừa sức với học sinh không phải dễ dàng. Đây là thách thức với không ít giáo viên, buộc mỗi thầy cô phải đầu tư về chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá của môn Ngữ văn hiện nay”, cô Nguyễn Thị Giang Hương cho hay.

 Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Bảo đảm chất lượng theo yêu cầu mới

Cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của ngữ liệu, nên kinh nghiệm của cô Xa Thị Quí - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Mường Chiềng, Đà Bắc (Hòa Bình) trong ra đề Ngữ văn theo yêu cầu mới là lựa chọn được ngữ liệu bảo đảm chất lượng, mang đặc trưng các thể loại học sinh đã được học, bảo đảm yêu cần đạt của chương trình; đồng thời giúp người học có độ sâu trong cảm thụ văn chương nhằm hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực.

Đề cũng phải bảo đảm thời gian hợp lý với nội dung bài kiểm tra để học sinh có điều kiện làm bài tốt nhất. Ngoài ra, giáo viên cần tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo nội dung của môn học.

Trong khi đó, cách làm của thầy Nguyễn Phương Bắc là tìm và sử dụng các ngữ liệu có nguồn gốc rõ ràng, bám sát nội dung chủ đề kiểm tra. Ngữ liệu phải chọn lọc, có dung lượng phù hợp, có thể lược bỏ những phần không cần thiết. Hệ thống câu hỏi trong đề phải khai thác triệt để phần kiến thức trong ngữ liệu. Các câu hỏi cần được sắp xếp theo mức độ tăng dần của tư duy.

Ngoài ra, ngữ liệu cần có phần chú thích cho các từ ngữ khó để thuận tiện cho học sinh đọc hiểu, tránh sử dụng ngữ liệu có từ ngữ nhạy cảm, hoặc từ ngữ, hình ảnh phản cảm. Phần viết có thể sử dụng ngữ liệu hoặc không sử dụng, song cần bảo đảm tính vừa sức. Vì vậy có thể yêu cầu học sinh viết đoạn hoặc bài văn, nhưng chú ý phần hướng dẫn chấm phải cụ thể để khi chấm không vận dụng máy móc.

Cô Lê Hải Châu - Tổ phó Tổ Ngữ văn, Trường THPT Ban Mai, Hà Đông (Hà Nội) thì nhấn mạnh, giáo viên ra đề trước hết cần dựa vào yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT môn Ngữ văn 2018.

Về ngữ liệu, ngoài yêu cầu về tiêu chí lựa chọn trong chương trình, cần bảo đảm đủ dung lượng, độ dài của các ngữ liệu không quá 1.300 chữ; chứa đựng các yếu tố tiêu biểu cho loại/thể loại cần đánh giá. Có thể cắt bớt chi tiết không phù hợp. Tuy nhiên, khi cắt chú ý tính chỉnh thể của văn bản, tránh gây “nát” văn bản. Nếu ngữ liệu là đoạn trích (văn xuôi, kịch bản), cần có tóm tắt bối cảnh của đoạn trích…

Đề thi hoàn toàn dựa vào ngữ liệu mới, do đó chỉ có thể dạy cách đọc hiểu, viết các kiểu văn bản để khi làm bài thi, các em không lúng túng trước yêu cầu đọc hiểu và viết với ngữ liệu mới. Dạy cho học sinh cách thức (cách đọc, cách viết...) chính là cung cấp cho các em chiếc cần câu và cách câu cá chứ không phải cung cấp cá có sẵn. - PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình GDPT Ngữ văn 2018

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ra-de-khi-khong-dung-ngu-lieu-trong-sach-giao-khoa-go-kho-cho-giao-vien-post694982.html
Zalo