Ra chợ mua hải sản: Đừng để mất tiền vì những chiêu trò 'nhìn thì tươi, ăn thì tiếc'
Đằng sau vẻ ngoài tươi ngon của hải sản ngoài chợ là nhiều chiêu trò gian lận như trộn đồ chết, cân nước, tráo hàng… khiến người mua dễ mất tiền oan.
Dưới lớp vỏ “tươi rói” của tôm, cua, ốc, cá là không ít mánh khóe mua bán tinh vi mà nếu không cảnh giác, người tiêu dùng rất dễ trở thành “con mồi” của tiểu thương. Những chiêu như trộn lẫn hải sản chết vào hàng sống, cân luôn cả phần nước, chỉnh cân thiếu hay đánh tráo hàng bằng túi đen đều diễn ra phổ biến tại các khu chợ truyền thống. Tuy không phải là thủ đoạn mới, nhưng nhiều người vẫn vô tình sập bẫy vì quá tin vào mắt thường và thói quen đi chợ lâu năm.
Trộn lẫn hải sản chết vào hàng sống
Đây là chiêu phổ biến nhất, thường áp dụng với các loại dễ chết như tôm, cua, ghẹ. Người bán thường trộn vài con đã chết vào lô hàng sống rồi nhanh tay đong bán theo mẹt hoặc rổ, khiến người mua khó phát hiện. Tôm chết dễ bị bở thịt sau khi luộc, còn cua chết lâu có thể gây nguy hiểm vì thịt đã phân hủy.
Cách phòng tránh: Quan sát kỹ khi người bán lựa hàng, ưu tiên chọn tôm có thân trong, căng bóng, búng mạnh khi đụng vào. Với cua, kiểm tra càng và chân – nếu linh hoạt và phản ứng nhanh là cua còn khỏe.
Cân “cả nước” để tăng trọng lượng
Nhiều loại như nghêu, sò, ốc thường được ngâm nước để giữ tươi. Tuy nhiên, một số người bán lợi dụng điều này, cân luôn cả phần nước chưa ráo, khiến mỗi kg có thể bị “đội” lên 100–200 gram – tương đương 10–20% trọng lượng thật.
Cách phòng tránh: Yêu cầu để ráo nước trước khi cân hoặc đề nghị người bán đổ hải sản ra rổ cho nước chảy bớt, rồi mới cân tính tiền.

Ảnh minh họa
Cân thiếu tinh vi
Đây là chiêu “kinh điển” ở các chợ vỉa hè, chợ tạm hoặc điểm bán di động. Một số người bán tinh vi chỉnh kim lệch, dùng quả cân nhẹ hơn hoặc can thiệp vào cân điện tử. Nhìn qua tưởng rẻ nhưng thực tế là bạn đang bị “móc túi” không hay.
Cách phòng tránh: Ưu tiên mua tại các điểm bán cố định, chợ lớn, siêu thị hoặc cửa hàng uy tín có bảng giá rõ ràng và cân đối chứng.
Đánh tráo hàng bằng túi đen
Túi nylon màu đen dày được nhiều tiểu thương sử dụng không chỉ để chống rách mà còn để che mắt người mua. Khi đã cho hàng vào túi kín, người bán dễ dàng tráo hàng, thay bằng mớ hải sản đã chọn sẵn, chất lượng kém hơn hoặc để lâu.
Cách phòng tránh: Không rời mắt khỏi hàng đã chọn cho đến khi tận tay nhận túi. Tránh mua ở nơi đông đúc nếu không thể giám sát kỹ lưỡng quá trình đóng hàng.
Mẹo nhỏ khi mua hải sản ngoài chợ
Ưu tiên mua buổi sáng sớm, khi hải sản mới nhập về, ít bị trộn lẫn.
Hạn chế mua tại các điểm bán lưu động, nhất là nơi không có bảng giá niêm yết.
Nên kiểm tra kỹ màu sắc, độ linh hoạt của hải sản trước khi chọn mua.
Dù chọn mua ở đâu, điều quan trọng là người tiêu dùng cần tỉnh táo, quan sát kỹ lưỡng và không vội tin vào vẻ ngoài “tươi rói” để tránh bị lừa gạt một cách tinh vi.