Ra Bắc, vào Nam
Hơn nửa đời người, tôi loay hoay đi về giữa 2 miền Nam-Bắc. Miền Bắc là quê hương, là nơi tôi cất tiếng khóc chào đời. Còn miền Nam là nơi tôi học tập và trưởng thành.
Tôi có đủ nét tính cách đặc trưng của những miền đất gắn bó với cuộc đời mình. Và tôi luôn thấy mình may mắn bởi cái hành trình sống pha trộn giữa 2 miền đất.
Cha tôi là một quân nhân. Cuộc đời quân ngũ của ông ở đâu thì đưa theo cả gia đình đi cùng. Đó là lý do tôi đã chia nhỏ mấy chục năm tuổi của mình cho những miền đất khác nhau. Có những năm, tôi được đón Tết cùng cha ở đơn vị. Cha cùng với đồng đội tự gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, trang trí bàn thờ Tết.
Mùa xuân phương Nam có những cành mai vàng rực rỡ. Đó là những mùa xuân như những chồi non biêng biếc mãi xanh trong ký ức của tôi. Những năm tháng trong quân ngũ, tôi biết cha chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà, nỗi nhớ xứ Bắc. Cha tôi trồng một cây mai và một cây đào ở lối đi bên ngõ nhà, đối xứng nhau. Mỗi độ giáp Tết, cha dành một ngày, tỉ mẩn ngắt từng chiếc lá để hoa nở đúng dịp.
Trên đất bazan, sắc vàng, sắc thắm của hai loài hoa như nhuộm nắng xuân thêm rực rỡ. Cây đào cha tôi mang từ quê vào là đào bích được chiết từ vườn nhà ông bà tôi. Còn cây mai, cha đem về từ một lần vào núi lấy lá dong gói bánh. Nhìn 2 cây cùng lớn lên, được cha chăm chút cẩn thận, tôi như đọc được tình cảm của một người đã đi gần trọn cuộc đời cùng tình cảm được chia đều cho 2 miền Nam-Bắc.
Thỉnh thoảng, cha về quê chơi, xong được ít hôm lại thấy ông bảo muốn về Nam. Con người ta là như vậy, luôn phải phân mảnh tình cảm của mình theo hành trình sống đôi khi không định trước.
Tôi luôn rất hào hứng với những gì xưa cũ. Quá khứ luôn là thứ khiến trí tưởng tượng của tôi bay bổng. Với tôi, chẳng có gì bí ẩn hơn những câu chuyện đã lặng ngủ trong lớp lớp tháng năm. Một lần, từ trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, trước thành quách lăng mộ rêu phong, tôi đã hình dung về một đời sống tự hàng ngàn năm trước.
Từ cái khoảng không gian trập trùng đồi núi ấy, con người đã mất bao lâu để làm cuộc di cư xuống đồng bằng? Và trải qua nhiều ngàn năm nữa để mảnh đất hình chữ S mở rộng dần về phương Nam. Trên hành trình mở rộng đất đai cương vực luôn mang theo những con người với những nét tính cách và cả nếp sinh hoạt, văn hóa khác nhau, góp phần làm đa dạng, phong phú thêm mỗi vùng đất.
Chiếc bánh chưng Lang Liêu dâng cúng trời đất, tổ tiên trong truyền thuyết, khi vào đến miền Trung, miền Nam thì thành bánh tét. Dẫu có khác nhau về hình dạng, nhưng vẫn cùng chung nguyên liệu. Vẫn hương vị của gạo nếp, đậu xanh, thịt heo ướp hạt tiêu ấm thơm hương vị ngày Tết sum vầy. Vẫn tròn đầy ý nghĩa gói ghém trong lớp lá dong xanh về sự đoàn viên, quấn túm của đất trời, của lòng người.
Ra Bắc ăn miếng bánh chưng cùng củ hành muối chua hăng nồng, vào Nam ăn miếng bánh tét cùng củ kiệu chua ngọt đậm đà cay xé lưỡi. Dẫu ra Bắc hay vào Nam, vẫn thân thương vồn vã câu chúc lời chào khi Tết đến, xuân về. Dẫu âm thổ vùng miền khác nhau nhưng đều chắt ra từ tình cảm mến thương vô cùng và đời đời nhân hậu của người Việt chúng ta. Người Việt có một triết lý sống giản dị nhưng thâm sâu vô cùng, đó là quan niệm lá rụng về cội. Dẫu tha phương cầu thực xứ nào, ngày Tết cũng lo thu xếp để trở về bên gia đình.
Ngày trước, tam tứ đại đồng đường cùng chung sống dưới một mái nhà. Giờ không gian có rộng mở hơn đôi chút, nhưng lòng người vẫn hướng về quê hương nguồn cội. “Con người có tổ có tông/Như cây có cội như sông có nguồn”, bao đời người ta nhắc nhau câu ca ấy.
Trong hành trình ra Bắc vào Nam, tôi đã gặp nhiều người, nhiều việc khiến tôi để tâm và suy ngẫm để đối sánh với chính mình. Trên những chuyến xe di chuyển ngược xuôi, tôi thường chú ý đến những đứa trẻ. Có những em bé chỉ mới vài tháng tuổi, có những bạn đã trưởng thành. Những đứa trẻ có giọng nói không giống với cha mẹ. Bởi các con được sinh ra ở một nơi hoàn hoàn khác với cha mẹ mình.
Một lần ngược lên miền núi phía Bắc, cùng chuyến xe với tôi hôm ấy có một gia đình trẻ. Vợ chồng tầm ngoài ba mươi và 2 đứa con đang ở độ tuổi học sinh tiểu học. Đám trẻ phát âm giọng Sài Gòn rất chuẩn. Quãng đường di chuyển khá xa, đủ để chúng tôi bắt chuyện làm quen. Mỗi người một lý do, không ai giống ai, để ở lại bắt đầu một hành trình mới trên một miền đất khác, không phải quê hương mình. Nhưng chúng tôi đều giống nhau ở một điểm, đó là luôn mong muốn con cái mình biết đến quê hương nguồn cội.
Đó là lý do trên những chuyến đi, không khi nào vắng mặt những đứa trẻ. Tiếng nói cười ríu rít, những câu hỏi ngây ngô của chúng làm cho chặng hành trình như được rút ngắn và rất nhiều sự ấm áp được nhen lên.
Tôi có nhiều bạn bè gốc Bắc sống xa quê. Xa quê có vô vàn nỗi nhớ. Nhớ người thân, nhớ bạn bè, nhớ kỷ niệm ấu thơ, nhớ món quê, nhớ một màu hoa xuân, nhớ cả thời tiết bốn mùa khác biệt.
Có người mỗi năm, dù bận bịu đến đâu cũng phải trở về Bắc để xúng xính áo khăn thưởng nốt cái rét vào dịp Tết. Người thì tìm đặt mua những món ăn quê, như là một cách để được sống lại những tháng ngày đã trôi qua.
Người ta có rất nhiều lý do để nhớ thương một điều gì đó. Và với tôi, nhớ thương làm cho cuộc đời dịu lại, mềm đi, lắng sâu trước bộn bề áo cơm vất vả. Từ cha mẹ tôi, từ tôi, như cái cây bị bứng khỏi chốn quê nhà, đem trồng lên mảnh đất mới, dẫu khác biệt hoàn toàn về không gian, đất đai, thổ nhưỡng, khí trời, song vẫn sinh trưởng, vẫn ra lá đơm hoa đúng mùa. Đó là sự thích nghi, là mến thương dành cho đất, cho miền quê mới.
Trời se se lạnh. Lại thấy cha tôi loanh quanh đầu ngõ với cây mai, cây đào. Chắc ông lại lo hoa nở không đúng ngày nếu lỡ quên không ngắt lá. Tôi chưa thấy ông quên bao giờ, nhưng năm nào ông cũng lo vậy. Trên nền đất bazan son đỏ, tôi như đã thấy màu hoa nhuộm thắm quyện vào màu đất, màu nắng trong hương xuân đượm nồng.