Quyết tâm xử lý gian lận thương mại, hàng giả
Trong báo cáo 5 tháng đầu năm 2025 vừa được Ban Chỉ đạo 389 quốc gia công bố mới đây, cả nước có hơn 34.000 vụ vi phạm liên quan buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả bị các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý. Trong đó, có hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại.

Cơ quan chức năng khám xét trụ sở một công ty sản xuất, buôn bán hàng giả quy mô lớn, thu giữ khoảng 100 tấn thực phẩm chức năng và trang thiết bị y tế giả. (Ảnh: Công an Hà Nội)
Đáng báo động, có tới 1.100 vụ liên quan hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thuốc y tế, thực phẩm chức năng, sữa... Những vụ việc này không chỉ gây bức xúc trong dư luận xã hội mà còn đe dọa trực tiếp sức khỏe cộng đồng, nhất là với phụ nữ, người già và trẻ nhỏ.
Trước tính nghiêm trọng của tình hình, ngày 14/5 vừa qua, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp chủ trì hội nghị toàn quốc đánh giá công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tại đây, Thủ tướng thẳng thắn đặt nghi vấn, liệu có phải do “không còn ý chí chiến đấu” hay tồn tại tiêu cực trong nội bộ các cơ quan chức năng khi để những vụ việc quy mô lớn kéo dài mà không bị phát hiện kịp thời?
Ngay sau hội nghị, Thủ tướng đã ban hành Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 phát động đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ ngày 15/5 đến 15/6/2025 với mục tiêu “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.
Tiếp đó, Chỉ thị số 13/CTTTg ngày 17/5 và Công điện số 72/ CĐ-TTg ngày 24/5 được Thủ tướng Chính phủ ban hành với yêu cầu tăng cường phối hợp liên ngành, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và khẳng định nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Điều này thể hiện ý chí mạnh mẽ và hành động quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ trong việc thiết lập lại trật tự, kỷ cương và tính nghiêm minh của pháp luật; khẳng định không khoan nhượng với các hành vi vi phạm bằng hành động cụ thể, tiến tới chấm dứt nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vốn đã tồn tại dai dẳng nhiều năm.
Chính sự quyết liệt từ người đứng đầu Chính phủ đòi hỏi cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương phải xem đây là cuộc chiến không lùi bước và cần vào cuộc đồng bộ, quyết liệt.
Trong đó, các bộ, ngành và địa phương cần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng; từng cán bộ thực thi phải nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong công việc, từng địa phương phải xác định không được là “điểm trũng” cho buôn lậu, hàng giả hoành hành. Bên cạnh đó, nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý liên quan, rà soát và sửa đổi các văn bản như: Luật Thương mại, Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược,… sao cho phù hợp tình hình mới.
Các đơn vị liên quan cần tăng cường chế tài xử phạt, hình sự hóa các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả liên quan trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng nhằm tạo sức răn đe mạnh mẽ. Trong quá trình thực thi, nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành giữa các lực lượng công an, hải quan, quản lý thị trường và bộ đội biên phòng bằng việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống dữ liệu liên thông để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm từ cửa khẩu đến nội địa, đặc biệt trên môi trường mạng.
Các cơ quan báo chí, truyền thông cần thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 72/CĐ-TTg ngày 24/5. Thông qua các bài viết, phóng sự, điều tra, nâng cao nhận thức của người dân, tạo thêm áp lực công khai với các đối tượng vi phạm,…
Quan trọng hơn, người dân cần đề cao cảnh giác, nâng cao nhận thức, quyết tâm không tiếp tay cho các hành vi vi phạm, tiêu thụ hàng lậu, hàng giả,…
Có thực hiện tốt những giải pháp đồng bộ và quyết liệt nêu trên, chúng ta mới giữ được thị trường thương mại minh bạch, an toàn, tiến tới triệt tiêu nguồn gốc phát sinh các hành vi vi phạm; củng cố uy tín của hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế.