Quyết tâm hành động

Với tỷ lệ tán thành cao, 467/469 tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, đạt 96,09%, tại Kỳ họp thứ Bảy vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia (gọi tắt là Nghị quyết - PV).

Trong bối cảnh đặc biệt, khi dịch Covid-19 đang diễn ra và gây tác động tiêu cực đến đời sống người dân, kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, tăng trưởng giảm thấp, sản xuất kinh doanh thu hẹp, an sinh xã hội, việc làm, sinh kế của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề thì việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 với nhiều chính sách đặc biệt, đặc thù, thể hiện rất rõ tinh thần "ứng vạn biến" của Quốc hội.

Sau 2 năm thực hiện cho thấy, hầu hết chính sách, biện pháp được ban hành tại Nghị quyết số 43 là kịp thời, hợp lòng dân, đáp ứng yêu cầu trước tình hình cấp bách, được nhân dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng. Một số chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả kịp thời. Trong đó, chính sách tín dụng qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội; miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất đã góp phần hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, vượt qua khó khăn, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh…

Những kết quả này một lần nữa khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, sự vào cuộc kịp thời của Quốc hội và sự quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của mỗi người dân, doanh nghiệp trong việc “đồng sức đồng lòng” để vượt khó.

Nói như thế, không có nghĩa là quá trình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 không có những tồn tại, hạn chế. Vẫn còn tình trạng chuẩn bị đầu tư một số dự án chậm. Một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra. Trong đó, chính sách hỗ trợ người dân, người lao động tại một số địa phương triển khai còn chậm, lúng túng. Chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch. Tiến độ hoàn thành một số dự án còn chậm so với yêu cầu tại nghị quyết của Quốc hội, một số dự án dự kiến tăng tổng mức đầu tư, dẫn đến khả năng phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án… Có lẽ, đây là “những điều nuối tiếc cho những điểm chưa trọn vẹn” như cách nói của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai khi nhận định về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15.

“Những điều nuối tiếc cho những điểm chưa trọn vẹn” có cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Việc đánh giá khách quan, toàn diện những mặt được và chưa được trong triển khai thực hiện nghị quyết là rất cần thiết. Trên cơ sở đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho chặng đường tiếp theo để thực hiện các chính sách bảo đảm kịp thời nhất, hiệu quả nhất.

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả trong thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, có giải pháp giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư; khẩn trương thực hiện điều chuyển vốn từ dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án có khả năng giải ngân để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo yêu cầu.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cơ quan liên quan nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và khẩn trương có giải pháp đồng bộ để khắc phục những tồn tại, hạn chế. Các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Tăng cường kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; giải quyết kịp thời các trường hợp khiếu nại, tố cáo bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; quan tâm đến công tác giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho người dân trong diện phải thu hồi đất. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, kịp thời phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn vi phạm trong triển khai thực hiện các dự án, nhất là các vấn đề liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…

Nghị quyết của Quốc hội đã rõ trách nhiệm đối với từng chủ thể. Vẫn biết rằng, việc thực hiện sẽ gặp những khó khăn, thách thức, nhưng vì đòi hỏi của thực tiễn trong phát triển kinh tế - xã hội, vì nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp, hơn bao giờ hết rất cần quyết tâm hành động của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương trong triển khai những chính sách quan trọng này. Có như vậy, việc triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội sẽ không còn "những điều nuối tiếc".

Lê Hùng

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/quyet-tam-hanh-dong-i377641/
Zalo