Quyết tâm 'gỡ vướng' cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Chiều 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố, triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo.

Cùng dự hội nghị tại các điểm cầu có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; lãnh đạo các bộ, ngành, một số địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp (DN) đầu tư 154 dự án năng lượng tái tạo.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Chính phủ (Ảnh: TTXVN)

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Chính phủ (Ảnh: TTXVN)

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu 63 tỉnh, thành phố (Ảnh chụp màn hình).

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu 63 tỉnh, thành phố (Ảnh chụp màn hình).

Các đồng chí: Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa; Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tham dự hội nghị tại điểm cầu Chính phủ.

Đồng chí Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa và các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Chính phủ (Ảnh: TTXVN).

Đồng chí Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa và các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Chính phủ (Ảnh: TTXVN).

Tại điểm cầu Thanh Hóa có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh tham dự hội nghị.

Tại điểm cầu Thanh Hóa có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh tham dự hội nghị.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, ngày 7/12/2024, Chính phủ đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo.

Đến hết năm 2023, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo cả nước là 21.664 MW; chiếm khoảng 27%; sản lượng điện phát của nguồn điện gió, mặt trời mặt đất, mặt trời mái nhà khoảng 27.317 triệu kWh, chiếm tỷ trọng 12,75% hệ thống điện. Việc phát triển điện năng lượng tái tạo đã góp phần thực hiện định hướng trong quy hoạch điện VIII, cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và bảo đảm an ninh năng lượng.

Tuy nhiên quá trình phát triển năng lượng tái tạo cũng đã phát sinh một số sai phạm, vướng mắc như việc hưởng cơ chế giá khuyến khích không đúng đối tượng tại Nghị quyết 115 của Chính phủ; chồng lấn các quy hoạch khoáng sản, quy hoạch thủy lợi, quy hoạch đất quốc phòng, trình tự thủ tục hồ sơ về đất đai...

Nghị quyết đã đề ra 6 nhóm giải pháp và các quan điểm, nguyên tắc, thẩm quyền để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Trong đó, chỉ rõ cho phép bổ sung quy hoạch để triển khai thực hiện trong trường hợp dự án không có nội dung vi phạm các quy định liên quan đến an ninh quốc phòng, quy hoạch các công trình, dự án trọng điểm quốc gia.

Đối với các dự án có sai phạm về quy trình, thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng công trình thì cho phép hoàn thiện theo quy định của pháp luật. Đối với dự án vi phạm các quy hoạch về khoáng sản, thủy lợi, quốc phòng... thì thực hiện đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội giữa thực hiện quy hoạch với thực hiện dự án để điều chỉnh quy hoạch bị chồng lấn cho phù hợp hoặc tích hợp và thực hiện đồng bộ cả dự án điện năng lượng tái tạo và quy hoạch liên quan.

Đối với các dự án điện mặt trời mái nhà xây dựng trên đất nông, lâm, nghiệp với công suất lớn dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng mà đất chưa phù hợp làm trang trại thì yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục xây dựng, đầu tư trang trại, thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định. Thực hiện thu hồi số tiền bán điện theo cơ chế giá khuyến khích (giá FIT) đối với các dự án không đáp ứng đầy đủ các điều kiện được hưởng theo quy định.

Thảo luận tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương, chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm gỡ khó, hướng dẫn các thủ tục khắc phục sai phạm, vi phạm, bổ sung quy hoạch đối với các dự án. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ DN hoàn thành các khâu về mặt quy trình để sớm triển khai dự án và đưa được đưa nguồn điện sạch lên lưới.

Giữa năm 2023, 23 nhà đầu tư thuộc các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp (dự án đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa được vận hành thương mại) đã có văn bản gửi Thủ tướng, kiến nghị một số chính sách và đề xuất các giải pháp khắc phục bất cập trong cơ chế đàm phán giá phát điện tái tạo chuyển tiếp. Các nhà đầu tư cho biết tình thế đang rất khó khăn khi vốn đầu tư bỏ ra, dự án đã hoàn thành nhưng không bán được điện. Do đó, đại diện các chủ đầu tư kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo sớm ban hành các quy định hướng dẫn theo thẩm quyền để các bên làm cơ sở pháp lý thực hiện.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Hội nghị được tổ chức trước thực trạng nhiều dự án điện tái tạo với nguồn vốn đầu tư xã hội lên đến hàng tỷ USD đang còn “đắp chiếu”. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này; trong đó có nhiều sai phạm của các tập thể, cá nhân. Cùng với đó, thực hiện chủ trương phát triển năng lượng tái tạo là giải pháp mới, chưa có tiền lệ, thiếu kinh nghiệm, hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh nên quá trình triển khai còn phát sinh một số sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận, cần được bóc tách, xử lý trách nhiệm cụ thể đối với các cá nhân liên quan.

Thủ tướng khẳng định: "Chúng ta không hợp thức hóa những người làm sai nhưng phải có giải pháp cho những công trình đã đầu tư hoàn chỉnh, cần khai thác để không lãng phí nguồn lực của xã hội. Đây là sự nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua, đã lắng nghe các ý kiến của các doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương và quyết tâm giải quyết, tháo gỡ".

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: TTXVN).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: TTXVN).

Cùng với đó, việc chậm trễ không đưa các dự án vào khai thác sử dụng sẽ gây lãng phí rất lớn đối với nguồn lực xã hội, không tận dụng được nguồn điện sẵn có để bù đắp, bảo đảm cung ứng điện, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng; hệ lụy có thể gây nguy cơ đổ vỡ, mất khả năng thanh toán, không trả nợ được ngân hàng, dẫn đến phá sản, các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến niềm tin của DN và môi trường đầu tư kinh doanh.

Vì vậy, Chính phủ nỗ lực tạo hành lang tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá những dự án, công trình có vướng mắc về thể chế để tháo gỡ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp rà soát, đánh giá những dự án, công trình có vướng mắc về thể chế để tháo gỡ. Quan điểm của Chính phủ là hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - DN và người dân. Cùng với đó, quá trình tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phải bảo đảm công khai, minh bạch, không gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu; nghiêm cấm việc “chạy chọt”; cơ chế “xin cho” dẫn tới phát sinh những vi phạm mới.

Minh Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/quyet-tam-go-vuong-cho-cac-du-an-dien-nang-luong-tai-tao-233266.htm
Zalo