Quyết sách của Fed tác động mạnh tới thị trường hàng hóa
Theo tờ The Economist, giá hàng hóa biến động cùng lúc thường là kết quả của các sự kiện trên thế giới tác động tới thị trường.
Là nước tiêu thụ nguyên liệu thô lớn nhất thế giới, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng hay suy giảm trở nên rất quan trọng với thị trường hàng hóa. Trong khi đó, cuộc xung đột ở Ukraine đã cản trở hoạt động mua bán nhiên liệu và ngũ cốc, khiến giá cả tăng mạnh. Tuy nhiên, đôi khi, tin tức trong lĩnh vực tài chính lại thúc đẩy các nhà giao dịch hành động, và nguồn tin có ảnh hưởng nhiều nhất tới các thị trường là từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Gợi ý từ lịch sử
Ngày 23/8, Chủ tịch Fed Jerome Powell, tuyên bố “có lẽ đã đến thời điểm hạ lãi suất". Đợt giảm lãi suất đầu tiên của ngân hàng này dự kiến được thực hiện vào ngày 18/9 khi Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - nhóm họp. Quyết sách mới của Fed sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất từ mức gần bằng 0 vào năm 2022 lên mức 5,25%-5,5% hiện nay. Lãi suất giảm làm giảm chi phí cơ hội sở hữu hàng hóa, vốn không mang lại lợi nhuận như các tài sản gồm trái phiếu và bất động sản. Liệu động thái của Fed có đẩy giá cả tăng, điều mà các nhà đầu tư hy vọng và các chính trị gia đương nhiệm, đặc biệt là bà Kamala Harris, lo ngại hay không?
Có một số gợi ý từ lịch sử. Từ năm 2000, Fed thực hiện 3 chu kỳ giảm lãi suất: Năm 2001 (khi bong bóng dotcom nổ), năm 2007 (khi bong bóng cho vay dưới chuẩn của Mỹ bùng nổ trên toàn cầu) và năm 2019-2020 (cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và sự bùng phát của đại dịch COVID-19). Động lực cho mỗi chu kỳ là khác nhau, giúp giải thích lý do tại sao các đợt giảm lãi suất khác nhau về tốc độ, quy mô và cuối cùng là tác động đến thị trường hàng hóa.
Đầu tiên, việc giảm lãi suất tác động đến các thị trường hàng hóa có sự phân hóa rõ rệt. Lãi suất thấp hơn làm tăng sức hấp dẫn tương đối của hàng hóa đối với các nhà đầu tư đang muốn tránh lạm phát, cụ thể là các ngân hàng, công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí. Điều này thể hiện rõ nhất ở giá vàng, cũng như giá dầu thô và kim loại công nghiệp như nhôm và kẽm. Chuyên gia Tom Price tại ngân hàng Panmure Liberum cho biết các mặt hàng ít nhạy cảm nhất với lãi suất như than và ngũ cốc, do các nhà sản xuất và người tiêu dùng thực tế chi phối và chủ yếu tuân theo các yếu tố địa phương.
Thứ hai, các yếu tố Fed thay đổi theo thời gian. Trong chu kỳ giảm lãi suất "tốt", lạm phát được kiểm soát và tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức khá, đồng nghĩa đợt tăng giá hàng hóa ban đầu có xu hướng kéo dài hơn khi nhu cầu đối với các nguyên liệu cơ bản vẫn tiếp tục, thay vì giảm dần khi nền kinh tế suy thoái. Các chu kỳ giảm lãi suất "xấu", khi các ngân hàng trung ương không thể ngăn chặn suy thoái, tạo nên cú hích ngắn cho thị trường hàng hóa, trừ thị trường vàng, vốn hoạt động tốt hơn khi mọi việc thực sự trở nên tồi tệ. Thị trường dầu và kim loại đều hoạt động rất tệ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2009 và dịch COVID-19, mặc dù Fed đã nhanh chóng giảm lãi suất.
Cam kết của Chủ tịch Fed
Vậy có thể chờ đợi điều gì trong lần điều chỉnh lãi suất sắp tới của Fed? Các nhà giao dịch hàng hóa chắc chắn đang hy vọng một "cú hích". Trong tuần ông Powell đưa ra tuyên bố, vị thế đầu tư ròng trên tất cả các thị trường hàng hóa tăng mức cao nhất trong 4 tuần lên 97 tỷ USD, tăng 13% so với tuần trước đó, theo ngân hàng JPMorgan Chase. Giá nhóm hàng kim loại công nghiệp tăng 4-10% trước bài phát biểu của ông Powell, và có thể sẽ tăng trở lại khi các đợt giảm lãi suất thực sự diễn ra và có thể duy trì ở mức cao trong một thời gian, do các chỉ số cho thấy kinh tế có vẻ đang hạ cánh nhẹ nhàng với tăng trưởng vẫn duy trì ở mức khá tốt.
Tuy nhiên, dầu mỏ, mặt hàng nhạy cảm nhất với bất ổn chính trị, có thể ít chịu ảnh hưởng hơn. Các thành viên của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, rất muốn nới lỏng các đợt cắt giảm sản lượng, khiến thế giới mất đi 3% nguồn cung dầu thô tiềm năng của liên minh từ cuối năm ngoái. Dù sao, các đợt cắt giảm cũng đang yếu đi do chi phí mà chúng gây ra và sản lượng dầu đang tăng bên ngoài liên minh. Nguồn cung bổ sung sẽ gây áp lực lên giá cả. Nhu cầu cũng sẽ yếu: ngay cả khi nền kinh tế Mỹ chậm lại nhẹ nhàng, nhu cầu vẫn yếu đi khi Trung Quốc đang đối mặt với những vấn đề ngày càng tệ hơn.
Đồng thời, các mặt hàng được hưởng lợi từ lãi suất thấp hơn có thể sẽ được hưởng lợi nhiều hơn so với các chu kỳ trước. Giá vàng đang tăng mạnh, được thúc đẩy bởi một loạt yếu tố, gồm căng thẳng địa chính trị, nhu cầu bán lẻ và nhu cầu vàng miếng của ngân hàng trung ương. Ngân hàng MUFG dự báo giá kim loại quý này sẽ đạt 3.000 USD/ounce vào năm 2025, so với mức vốn đã cao kỷ lục hiện nay là hơn 2.500 USD/ounce. Kim loại đồng cũng có thể tăng giá cao hơn bình thường. Trong những năm gần đây, kim loại này ngày càng được ưa chuộng bởi các nhà đầu tư tổ chức do vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh.
Ông Ehsan Khoman tại MUFG cho rằng tình hình hiện tại có thể khiến hàng hóa nói chung vượt trội hơn các loại tài sản lớn khác trong năm sau đợt giảm lãi suất đầu tiên của Fed. Ông tin rằng thế giới đang quay trở lại năm 1995 thay vì năm 2021, khi Fed 3 lần giảm lãi suất giữa chu kỳ để nới lỏng nền kinh tế với "cú hích" khiêm tốn, khiến giá hàng hóa tăng mạnh. Triển vọng giá dầu thấp là điều dễ chịu với bà Harris khi cuộc bầu cử đang tới gần. Về phần mình, các nhà đầu tư sẽ vui mừng với một "cú hích" về giá ở những thị trường khác.