Quyết sách các vấn đề quan trọng cho Thủ đô phát triển
Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, HĐND thành phố Hà Nội tiếp tục đổi mới hoạt động theo phương châm: Đồng hành, quyết liệt, thực chất, hiệu quả, được cử tri và nhân dân Thủ đô ghi nhận.
Đặc biệt, từ năm 2024 đến nay, HĐND thành phố Hà Nội đã tổ chức 8 kỳ họp, trong đó có 6 kỳ họp chuyên đề để quyết sách các vấn đề quan trọng, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển Thủ đô, bảo đảm an sinh xã hội.

Các đại biểu thông qua Nghị quyết tại kỳ họp thứ hai mươi hai, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI. Ảnh: Viết Thành
Mở ra tương lai phát triển từ những cây cầu
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, Hà Nội chủ động triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là hiện thực hóa tầm nhìn quy hoạch thành những kết quả, sản phẩm cụ thể, bảo đảm mỗi bước đi đều vì lợi ích chung, vì người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong bối cảnh Hà Nội đang phấn đấu bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, tạo tiền đề quan trọng để Thủ đô phát triển bứt phá, đạt mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030, việc xây dựng các cơ chế, chính sách, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công được thành phố chú trọng.
Với trách nhiệm của mình, HĐND thành phố đã kịp thời tổ chức các kỳ họp chuyên đề, xem xét, quyết định các vấn đề liên quan đến đầu tư công và thực sự đã tạo động lực cho lĩnh vực quan trọng này. Trong đó cử tri đánh giá rất cao việc HĐND thành phố thông qua quyết định chủ trương đầu tư các cầu qua sông Hồng, gồm: Tứ Liên, Trần Hưng Đạo và Ngọc Hồi (cầu Tứ Liên đã được khởi công xây dựng ngày 19-5-2025). Các cây cầu nhằm cải thiện điều kiện giao thông kết nối qua sông Hồng, thúc đẩy quá trình đô thị hóa khu vực làm tiền đề cho việc thực hiện chủ trương giãn dân số, giảm áp lực giao thông trong khu vực trung tâm Hà Nội và giảm tải cho các cầu: Chương Dương, Long Biên, Nhật Tân, Thăng Long và Vĩnh Tuy. Đồng thời, Hà Nội cũng từng bước hoàn thiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và phát triển không gian đô thị hiện đại hai bên sông Hồng.
Đặc biệt, cầu Ngọc Hồi được kỳ vọng sẽ thúc đẩy liên kết giữa Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam của thành phố, cũng như các tỉnh phía Nam và Đông - Nam của Vùng Thủ đô như Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh.
Bày tỏ phấn khởi khi Hà Nội triển khai các dự án cầu bắc qua sông Hồng, ông Nguyễn Đăng Xuất (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) cho rằng, từ khi những cây cầu mới, như: Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân được xây dựng, sự phát triển cũng theo đó diễn ra mạnh mẽ hơn với các khu vực bên kia sông. Vùng đất Long Biên, Gia Lâm và thậm chí cả Hưng Yên đều là những khu vực được hưởng lợi và thay da đổi thịt nhanh chóng. Tới đây, khi các cây cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi hoàn thành, bộ mặt đô thị bên sông sẽ hoàn toàn đổi khác, Đông Anh và các vùng lân cận sẽ là tâm điểm phát triển mới với những dự án đô thị quy mô lớn.
Sẽ có thêm các kỳ họp chuyên đề
Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Đàm Văn Huân cho biết, từ việc kịp thời phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án, thời gian qua, thành phố đã khai thác hiệu quả các nguồn lực, cũng như định hướng phát triển bền vững của Thủ đô. Sự ra đời của những công trình giao thông lớn, quan trọng, các khu đô thị, tuyến phố kiểu mẫu… đã nâng tầm vóc, diện mạo đô thị Hà Nội ngày càng đẹp, hiện đại. Đặc biệt, sau khi Luật Thủ đô năm 2024 được thông qua, thành phố đã nhanh chóng cụ thể hóa, ban hành một số quy định, cơ chế, chính sách để đưa Luật vào cuộc sống, tạo cơ hội để Thủ đô huy động nguồn lực cho xây dựng và phát triển.
Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Việt cho biết, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho Thủ đô tiếp tục phát triển, thời gian tới, HĐND thành phố dự kiến sẽ tổ chức các kỳ họp chuyên đề, xem xét, quyết định nhằm khẩn trương cụ thể hóa các quy định của Luật Thủ đô năm 2024; đặc biệt trong các lĩnh vực tổ chức bộ máy, phân cấp, ủy quyền, cơ chế, chính sách đặc thù…
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Việt, kinh nghiệm để các kỳ họp chất lượng, hiệu quả, khoa học, trước khi diễn ra kỳ họp, Thường trực HĐND thành phố phối hợp chặt chẽ với UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố duy trì hội nghị 3 cơ quan để rà soát, thống nhất nội dung, thời gian các kỳ họp. Trong quá trình chuẩn bị, Thường trực HĐND thành phố đã chỉ đạo các Ban của HĐND thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung và triển khai các bước thẩm tra bảo đảm thống nhất, chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả và đúng quy định. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cũng đã tổ chức phản biện xã hội đối với một số nội dung quan trọng, có tác động sâu rộng, làm cơ sở để HĐND thành phố thảo luận, quyết nghị, giúp các chính sách được ban hành đạt hiệu quả thiết thực.
Thực tiễn cho thấy, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động từ sớm, từ xa, các chương trình kỳ họp của HĐND thành phố được sắp xếp khoa học, tập trung theo từng nhóm vấn đề, vừa có chiều sâu, vừa bao quát đầy đủ nội dung công việc và đi đến tận cùng vấn đề; dành thời gian thảo luận nhằm phát huy tối đa kinh nghiệm, trí tuệ của các đại biểu. Đặc biệt, điều hành của Chủ tọa kỳ họp linh hoạt, khoa học cũng góp phần tạo không khí nghị trường dân chủ, thực chất. Các nghị quyết HĐND thành phố ban hành chất lượng, có tính khả thi cao, được các cấp, các ngành triển khai theo đúng quy định, thực sự đi vào cuộc sống, thúc đẩy tiến trình phát triển của Thủ đô.