Quyết ngăn chặn ngộ độc thực phẩm trong năm 2025

Trước tình hình gia tăng số vụ ngộ độc thực phẩm trong năm 2024, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế cho biết, Cục sẽ có nhiều biện pháp quyết liệt ngăn chặn tình trạng này trong năm 2025.

Ngộ độc thực phẩm diễn biến phức tạp

Thống kê từ Cục ATTP, trong năm 2024, toàn quốc ghi nhận 135 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) làm 4936 người mắc và 24 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ tăng 10 vụ, số mắc tăng 2.787 người.

Nguyên nhân NĐTP tại các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp: do vi sinh vật và độc tố vi sinh vật là 9 vụ, do hóa chất là 2 vụ và 4 vụ chưa xác định được nguyên nhân gây ngộ độc.

Nguyên nhân NĐTP tại các bếp ăn tập thể trong trường học: do vi sinh vật và độc tố vi sinh vật là 6 vụ và 3 vụ chưa xác định được nguyên nhân.

Ảnh minh họa: Hoàng Chiến.

Ảnh minh họa: Hoàng Chiến.

Theo Cục ATTP, theo quy định hiện hành, trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thuộc thẩm quyền của UBND các cấp. Tuy nhiên với vai trò là quản lý chung về an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã chỉ đạo và hỗ trợ các địa phương khi có các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc.

Đối với một số vụ ngộ độc thực phẩm lớn, Bộ Y tế đã thành lập đoàn công tác trực tiếp làm việc, hướng dẫn các đơn vị chức năng địa phương, kiểm tra thực tế tình hình tại các cơ sở y tế và các cơ sở, địa điểm liên quan đến vụ ngộ độc.

Hàng năm, Cục ATTP cũng tổ chức các hội thảo và lớp tập huấn về công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm cho địa phương.

Trong từng thời kỳ có nguy cơ cao, căn cứ tình hình thực tế, Cục ATTP (Bộ Y tế) đều ban hành các văn bản gửi UBND, Sở Y tế các tỉnh/thành phố chỉ đạo cụ thể với các nội dung: Chủ động phối hợp với các ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tăng cường thông tin, tuyên truyền kiến thức về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.

Đặc biệt, để đảm bảo phòng chống NĐTP toàn diện và lâu dài, Bộ Y tế đã tham mưu trình thủ tướng ban hành Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 11/10/2024 về phòng ngừa NĐTP trong đó có các nội dung cụ thể của các bộ, ngành, địa phương.

Công khai xử lý vi phạm về ATTP

Thông tin với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Cục ATTP cho biết, trong năm 2025, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan: Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương… triển khai cụ thể các giải pháp nhằm phối hợp xử lý tình trạng vi phạm về ATTP gây bức xúc trong nhân dân thời gian qua như: sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, sử dụng chất cấm, chất ngoài danh mục, lợi dụng mạng xã hội, bán hàng online để quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng...

Đồng thời sẽ tiếp tục công tác truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin để kịp thời cảnh báo thực phẩm không bảo đảm an toàn, công khai cơ sở vi phạm để người dân biết…

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm tra đột xuất, giám sát công tác bảo đảm an ninh, ATTP; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, ATTP.

Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của UBND các cấp, nâng cao năng lực cho hệ thống thanh tra ở các địa phương, đào tạo nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác quản lý ATTP ở địa phương về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP.

Bộ Y tế cũng đã triển khai Dự án “Thiết lập Hệ thống thông tin ATTP Việt Nam” để xây dựng Hệ thống thông tin ATTP thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Y tế.

Trong đó có các thông tin về sản phẩm công bố, cơ sở sản xuất, quảng cáo thực phẩm, xử lý vi phạm, hệ thống kiểm nghiệm từ địa phương đến Trung ương.

Hệ thống này có hơn 12.000 tài khoản tới tận tuyến xã của 63 tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương và sẵn sàng kết nối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, các địa phương để có thể quản lý và cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ đến cộng đồng.

Chế tài đã đủ sức răn đe?

Cục ATTP khẳng định, hiện nay, chế tài xử lý đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó có các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm gây ngộ độc đã được ban hành, đảm bảo tính răn đe, cụ thể:

Khoản 5 Điều 53 Luật An toàn thực phẩm quy định “Tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm mà gây ngộ độc phải chịu toàn bộ chi phí điều trị cho người bị ngộ độc và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự”.

Khoản 1 Điều 6 Luật An toàn thực phẩm quy định “Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật”.

Khoản 3 Điều 6 Luật An toàn thực phẩm quy định “Mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt được áp dụng không quá 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm; tiền thu được do vi phạm mà có bị tịch thu theo quy định của pháp luật”.

Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, được sửa đổi, bổ sung bởi điểm e khoản 12 Điều 1 Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ - CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định cụ thể các hành vi vi phạm hành chính, mức phạt đối với từng hành vi.

Hoàng Chiến

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/quyet-ngan-chan-ngo-doc-thuc-pham-trong-nam-2025-10298495.html
Zalo