Quyết liệt tiêm phòng vụ xuân hè
Quyết liệt tiêm phòng vụ xuân hèThời điểm giao mùa, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi phát sinh rất cao. Để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp, các địa phương tăng cường công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi dịch bệnh xảy ra. Thời gian tiêm phòng vụ xuân hè bắt đầu từ 15-3 đến 15-4.

Tiêm phòng cho đàn gia súc trên địa bàn huyện Yên Sơn.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, vụ xuân - hè năm nay toàn tỉnh có kế hoạch tiêm phòng cho hơn 5,53 triệu con gia súc, gia cầm. Trong đó, trên 68 nghìn con trâu, 32 nghìn con bò, 474 nghìn con lợn, 46 nghìn con dê, 4,8 triệu con gia cầm, 106 nghìn con chó. Một số huyện có số lượng đàn vật nuôi phải tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm cao như Sơn Dương hơn 1,3 triệu con, Chiêm Hóa hơn 1,1 triệu con, Hàm Yên hơn 765 nghìn con...
Để hoàn thành kế hoạch tiêm phòng năm 2025 đạt kết quả cao, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã đề nghị các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng đến các hộ chăn nuôi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của công tác tiêm phòng đối với đàn vật nuôi. Đồng thời, triển khai kế hoạch tiêm phòng, thông báo lịch tiêm phòng cụ thể đến từng thôn, bản và phổ biến các quy định phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi để người dân biết chủ động hợp tác và thực hiện. Cán bộ thú y các địa phương tiến hành thống kê, rà soát lên danh sách đàn vật nuôi thuộc diện tiêm phòng cho từng thôn, tổ, từng hộ.
Để hoàn thành kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân - hè, ngày 23-3, huyện Sơn Dương đã phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên cử 20 sinh viên tham gia cùng với huyện tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn các xã.

Nhân viên Thú y tiêm phòng vắc xin bệnh dại cho chó.
Tại huyện Chiêm Hóa, việc tổ chức thống kê, rà soát đàn vật nuôi trên địa bàn được chính quyền địa phương đôn đốc thực hiện khẩn trương để kịp tiến độ. Đồng chí Đỗ Văn Hiếu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Chiêm Hóa cho biết: Để công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi đạt hiệu quả, Phòng đã phối hợp với các địa phương triển khai sớm công tác rà soát tổng đàn thuộc diện tiêm để kịp thời đăng ký số lượng vắc xin với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh. Cùng với đó, nhân viên Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện được phân công địa bàn thường xuyên hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng bệnh, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, khử trùng khu vực chăn nuôi; bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi trước khi triển khai tiêm phòng.
Từ các biện pháp triển khai của ngành chuyên môn, chính quyền địa phương và tình hình chăn nuôi thực tế, ý thức của người dân có nhiều thay đổi trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Anh Hoàng Văn Tình, xã Thanh Tương (Na Hang) cho biết: Để chăn nuôi phát triển ổn định và hiệu quả, việc tiêm vắc xin phòng bệnh, khử trùng, tiêu độc môi trường cho vật nuôi được gia đình anh ưu tiên hàng đầu. Hàng năm, anh thực hiện tiêm vắc xin cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu phi đều đặn cho đàn vật nuôi của gia đình. Do đó, trên 100 con lợn của gia đình phát triển khỏe mạnh.
Gia đình anh Phạm Văn Chung, tổ dân phố Phú Thịnh, thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn) thường xuyên nuôi từ 4 đến 6 con trâu. Toàn bộ vốn liếng của gia đình anh đều tập trung vào đàn trâu nên nếu dịch bệnh xảy ra thì coi như mất trắng. Vì vậy, anh tiêm đầy đủ các loại vắc xin, bổ sung thức ăn dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi, sử dụng chế phẩm sinh học vừa khử mùi hôi vừa hạn chế mầm bệnh...
Theo ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh: Để công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi đạt hiệu quả, từ đầu tháng 2, Chi cục đã tổ chức tập huấn kỹ thuật tiêm phòng cho lực lượng thú y cấp huyện, xã để củng cố kiến thức kỹ thuật tiêm phòng, phát huy tối đa hiệu quả của vắc xin khi triển khai tiêm phòng. Ngoài ra, Chi cục phối hợp với các địa phương tuyên truyền nâng cao ý thức cho người chăn nuôi về công tác phòng ngừa dịch bệnh. Coi trọng công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm vào địa bàn. Đôn đốc người chăn nuôi thường xuyên thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, khu vực giết mổ, nơi có ổ dịch cũ bằng các biện pháp kỹ thuật phù hợp. Tổ chức thu gom và xử lý chất thải rắn theo quy định. Đặc biệt, khi người chăn nuôi tăng đàn, phải tiến hành tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh đầy đủ, kịp thời...
Với sự chủ động của các hộ chăn nuôi, sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng, các địa phương, công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện kịp thời, đảm bảo việc duy trì, phát triển tổng đàn vật nuôi, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế nâng cao đời sống nhân dân.