Quyết liệt thực hiện đổi mới tư duy xây dựng pháp luật
Ngày 17/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025. Đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành ở Trung ương, các tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương, các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Xử lý vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật
Trong năm 2024, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Tư pháp, ngành tư pháp được thực hiện thống nhất, đồng bộ, theo đúng phương châm “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững” của Chính phủ; bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các nghị quyết của Quốc hội; các nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Quốc hội về tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2024.
Bộ Tư pháp, ngành tư pháp đã kịp thời nghiên cứu, phối hợp các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội đề xuất các giải pháp đổi mới công tác xây dựng pháp luật theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là tập trung triển khai chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về “đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”.
Trong năm, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã phối hợp tham mưu Chính phủ tiếp tục dành nhiều thời gian để thảo luận, bàn về công tác pháp luật tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ và 11 Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; thông qua 28 luật tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Kỳ họp thứ 7, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Riêng tại Bộ Tư pháp đã chủ trì, xây dựng, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 3 luật, 1 nghị quyết tại Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 832 văn bản quy phạm pháp luật.
Các địa phương đã ban hành 4.832 quy phạm pháp luật cấp tỉnh, 2.144 quy phạm pháp luật cấp huyện và 2.629 quy phạm pháp luật cấp xã. Một số bộ, ngành và địa phương đã ban hành nhiều văn bản như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…
Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bám sát thực tiễn và gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, khả thi, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc áp dụng và thực hiện pháp luật.
Công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính tiếp tục đạt mức cao. Công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp. Nhờ đó, kết quả thi hành án dân sự năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay, nhất là thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Về kết quả thi hành án hành chính, trong năm 2024, các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước phải thi hành là 1.973 bản án, quyết định (số lượng kỳ trước chuyển sang là 776, phát sinh trong kỳ báo cáo là 1.197), tăng 559 bản án, quyết định so năm 2023 (tăng 73,7%); các cơ quan thi hành án đã thi hành xong 896 bản án, quyết định (tăng gần 54% so năm 2023).
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số được Bộ, ngành tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành tư pháp, trong đó tiếp tục tập trung nguồn lực, triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về “Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo” đạt được nhiều kết quả.
Trong đó, nổi bật là hoàn thành việc kết nối chính thức và triển khai thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID trên toàn quốc, được Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số đánh giá là hoạt động chuyển đổi số nổi bật trong năm 2024; hoạt động liên thông điện tử 2 nhóm thủ tục hành chính “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp Thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí” được kết nối thông suốt, ổn định, với số lượng hồ sơ tăng cao; hoàn thành liên thông nhóm thủ tục hành chính cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và Đăng ký kết hôn…
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2025, bên cạnh, việc thực hiện các giải pháp mang tính chất thường xuyên, Bộ, ngành tư pháp xác định một số giải pháp chủ yếu, phù hợp với bối cảnh năm 2025.
Theo đó, tiếp tục đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường công tác cải cách hành chính; thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra, nhất là những nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội năm 2025.
Tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học pháp lý; có cơ chế thu hút nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp, trình độ chuyên môn cao về làm việc tại Bộ, ngành tư pháp.
Tập trung đầu tư nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành tư pháp, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác; cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông, nhất là các hoạt động của Bộ, ngành tư pháp; kịp thời chia sẻ, nhân rộng cách làm hay, hiệu quả, sáng tạo trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ được giao phù hợp tình hình thực tiễn của đất nước.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có); đồng thời, kịp thời động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc, đạt kết quả cao trong triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao…
Kết quả thi hành án dân sự năm 2024 , các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong 620.657 việc, tăng 45.838 việc (tăng 7,97%) so cùng kỳ năm 2023; đạt tỷ lệ 83,88% (tăng 0,62%) so cùng kỳ năm 2023, cao hơn 0,63% so chỉ tiêu được giao.
Về tiền: Đã thi hành xong hơn 116.531 tỷ đồng, tăng hơn 27.119 tỷ đồng (tăng 30,33%) so cùng kỳ năm 2023; đạt tỉ lệ 51,84% (tăng 5,06%) so cùng kỳ năm 2023, cao hơn 5,39% so chỉ tiêu được giao.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã quán triệt Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp.
Theo đó, đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật, bắt đầu từ việc mới tư duy. Đồng chí Tổng Bí thư kết luận một số định hướng đổi mới xây dựng pháp luật, trong đó đáng chú ý là chỉ đạo “Nghiên cứu việc tổ chức soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật tập trung, bảo đảm tính chuyên nghiệp, đồng bộ, thống nhất”. Theo đó, Bộ Tư pháp cần sớm tham mưu trình Chính phủ trình Quốc hội Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật.
Yêu cầu nữa là phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng, thi hành pháp luật. Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật, phải coi việc lãnh đạo thể chế hóa và chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật và lãnh đạo công tác thi hành pháp luật để bảo đảm thượng tôn Hiến pháp, pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng, của mỗi đảng viên, trước hết là cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên trong Bộ, ngành tư pháp.
Kết luận này đặt ra yêu cầu phải thay đổi cách tiếp cận về tổ chức thi hành các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là việc phải thể chế hóa được thành pháp luật; công tác xây dựng pháp luật cần được bắt đầu, được bám sát để thể chế hóa đầy đủ, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật.
Nội dung chỉ đạo nữa là nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, đồng chí Tổng Bí thư kết luận nhiều nội dung, trong đó có tập trung xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, trước hết là trong cán bộ, đảng viên và cán bộ, đảng viên ngành tư pháp; thường xuyên đánh giá hiệu quả pháp luật sau ban hành.
Các nội dung quan trọng khác: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và xây dựng cơ chế hữu hiệu để chủ động phát hiện, tháo gỡ nhanh nhất những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật; hoàn thiện quy định giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật theo hướng ban hành các nguyên tắc, tiêu chí, cơ sở giải thích, áp dụng pháp luật để bảo đảm sức sống của pháp luật thay vì thường xuyên thay đổi pháp luật; phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật…