Quyết liệt ngăn chặn vi phạm trật tự xây dựng
HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua 11 nghị quyết quy phạm pháp luật để triển khai, thi hành Luật Thủ đô năm 2024.
Trong đó có nhiều quy định về trách nhiệm đi đôi với quyền hạn, nguồn lực, giải pháp giúp Hà Nội nâng mức xử phạt vi phạm hành chính, giải quyết hiệu quả các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong thực tiễn.
Gặp khó từ chính quy định pháp luật
Hà Nội đang tồn tại không ít công trình xây dựng sai phạm nhưng việc xử lý của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, do chủ đầu tư không hợp tác, cố tình thi công, sử dụng. Tính từ năm 2014 đến tháng 6-2024, UBND các quận, huyện, thị xã đã lập hồ sơ xử lý đối với 10.494 công trình có vi phạm quy định về trật tự xây dựng. Trong đó, 3.297 công trình xây dựng không phép, 2.454 công trình xây dựng sai phép, sai quy hoạch 244 công trình xây dựng công trình ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường...
Trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, toàn thành phố hiện có 1.707 công trình vi phạm, chưa nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy đã đưa vào hoạt động; 1.538 cơ sở kinh doanh karaoke không bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy.
Bất cập là quy định hiện hành còn thiếu chi tiết, chồng chéo. Lâu nay, khi ban hành quyết định xử lý sai phạm về trật tự xây dựng, chính quyền địa phương có đề xuất qua công ty điện lực đề nghị hỗ trợ ngừng cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, phía công ty điện là đơn vị bán, còn người sử dụng là người mua. Cả hai bên ký kết hợp đồng giao dịch dân sự, đều không đồng tình và đưa ra quy định chỉ ngừng cấp điện khi có ý kiến từ cơ quan chức năng hoặc các đơn vị khác cùng đưa ra kết luận "nguy hiểm đến tính mạng khi xảy ra cháy, nổ”. Và khoảng thời gian từ đề xuất đến thực hiện thường kéo dài.
Sự việc cắt điện trên địa bàn phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) Báo Hànôịmới phản ánh là ví dụ. Sau nhiều lần đề nghị, ngày 24-6-2024, Công ty Điện lực Cầu Giấy mới chính thức ngừng cấp điện đối với 29 cá nhân, tổ chức đang sinh sống, kinh doanh tại ô đất C4, ngõ 100 phố Trung Kính. Ô đất này thuộc dự án Khu đô thị mới Yên Hòa, do chậm triển khai nhiều năm qua nên mọc lên nhiều phòng trọ “ổ chuột”, nhà xưởng, nhà kho, phòng trọ, cơ sở thu mua phế liệu, sửa chữa xe máy… tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
8 trường hợp áp dụng biện pháp "cắt" điện, nước
Trước yêu cầu quản lý trật tự xây dựng ngày càng cao, Luật Thủ đô nâng mức tiền phạt cao hơn mức tiền phạt do Chính phủ quy định đối với một số hành vi vi phạm hành chính các lĩnh vực quảng cáo, phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm. Đồng thời, trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Để Luật Thủ đô đi vào đời sống, tại kỳ họp chuyên đề cuối tháng 11-2024, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn thành phố (thực hiện Khoản 2, Khoản 3 Điều 33 của Luật Thủ đô).
Theo đó, có 8 trường hợp áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước gồm: Công trình xây dựng sai quy hoạch, sai so với nội dung trong giấy phép xây dựng; sai thiết kế xây dựng; công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng trong khi theo quy định phải có giấy phép xây dựng, đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm, dừng thi công bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành...
Đặc biệt, vấn đề nhức nhối thời gian qua là công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy và chữa cháy nhưng được tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đã bị đình chỉ hoạt động nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành; công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền mà tổ chức, cá nhân đã được vận động, thuyết phục nhưng không thực hiện di dời… cũng thuộc diện xem xét "cắt" điện, nước.
Theo luật gia Lê Quang Vững, việc Luật Thủ đô cho phép HĐND thành phố quy định chi tiết việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước sẽ bảo đảm việc áp dụng biện pháp được cụ thể, công khai, minh bạch, có đầy đủ cơ sở, nguồn lực để tổ chức thực hiện một cách khả thi và hiệu quả. Quá trình triển khai đã quy định rõ nguyên tắc xác định về thẩm quyền áp dụng để bảo đảm chặt chẽ, khả thi, tránh lạm dụng. Đồng thời, yêu cầu thể hiện việc áp dụng biện pháp này trong hợp đồng sử dụng dịch vụ điện, nước mà các bên ký kết để tăng tính khả thi trong quá trình thực hiện. Đây được xem là bước dự phòng ban đầu, thể hiện sự cam kết, trách nhiệm của các bên trong việc bảo đảm an toàn, trật tự.
Ở góc nhìn khác, luật sư Nguyễn Hưng Quang - Phó Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam, Chủ tịch Trung tâm Hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam đánh giá, giải pháp đưa ra trong Luật Thủ đô là khả thi. Thực tế là nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Đơn cử, Hàn Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trong công tác kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm không khí tại thủ đô Seoul với mức phạt cao hơn so với quy định chung về ô nhiễm không khí.