Quyết liệt hành động vì một tương lai bền vững

An toàn thực phẩm (ATTP) không chỉ là vấn đề sức khỏe cộng đồng mà còn phản ánh trình độ quản lý và ý thức trách nhiệm của toàn xã hội. Tại Yên Bái, công tác này luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Những kết quả đạt được trong thời gian qua có thể thấy một bức tranh đa chiều về những nỗ lực không ngừng nghỉ, những kết quả đáng ghi nhận và cả những thách thức đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa.

Lực lượng chức năng huyện Yên Bình kiểm tra việc buôn bán thực phẩm tại các chợ đầu mối trên địa bàn.

Lực lượng chức năng huyện Yên Bình kiểm tra việc buôn bán thực phẩm tại các chợ đầu mối trên địa bàn.

Nỗ lực đa ngành và chuyển biến tích cực

Phải khẳng định rằng, công tác đảm bảo ATTP tại Yên Bái là một nỗ lực đa ngành, có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan chức năng. Sở Y tế, với vai trò trung tâm, cùng Chi cục Quản lý thị trường, lực lượng công an tỉnh và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến thanh tra, kiểm tra đến xử lý vi phạm. Các chiến dịch cao điểm như "Tháng hành động vì ATTP" được tổ chức thường niên, thể hiện sự chủ động và quyết tâm của tỉnh trong việc lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực này.

Minh chứng rõ nét cho những nỗ lực này là các con số thống kê. Quý I/2025, các hoạt động kiểm tra, xử lý tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã thực hiện 11 cuộc kiểm tra tại 198 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 20 cơ sở với số tiền phạt 69,5 triệu đồng. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tăng cường phối hợp, kiểm tra và xử lý 132 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 2,8 tỷ đồng.

Một điểm sáng đáng ghi nhận là chủ trương công khai thông tin các cơ sở vi phạm ATTP trên website của Sở Y tế. Đây là biện pháp thể hiện tính minh bạch, vừa có tác dụng răn đe các cơ sở sản xuất, kinh doanh vừa cung cấp thông tin để người tiêu dùng có lựa chọn sáng suốt, bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.

Những thách thức

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác đảm bảo ATTP tại Yên Bái vẫn đối mặt với không ít thách thức. Các vi phạm phổ biến vẫn là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo điều kiện vệ sinh và các vấn đề liên quan đến nhãn mác, hạn sử dụng. Đặc biệt, tình trạng hàng hóa không rõ nguồn gốc, nhất là các sản phẩm thịt đông lạnh và rượu, vẫn là những "điểm nóng" nhức nhối.

Từ đầu năm đến nay, tình trạng này vẫn tiếp diễn. Điển hình là vụ việc ngày 18/1, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 2 tấn thực phẩm đông lạnh (bao gồm 350kg chân gà và 1.550kg móng giò heo) không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ tại Hợp tác xã Chế biến nông lâm sản, thực phẩm Chấn Thịnh. Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự tinh vi và liều lĩnh của các đối tượng vi phạm, đồng thời cho thấy những lỗ hổng trong quản lý chuỗi cung ứng và kiểm soát thị trường.

Một vấn đề khác là tình trạng thiếu sót về điều kiện vệ sinh và quy trình vận hành tại nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ, dịch vụ ăn uống. Quý I/2025, Sở Y tế đã phát hiện các vi phạm như: không có ủng hoặc giày dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất, không có dụng cụ thu gom rác thải đảm bảo vệ sinh, không duy trì vệ sinh nơi kinh doanh.

Mới đây, ngày 19/4, Đội Quản lý thị trường số 4 đã kiểm tra và phát hiện một cơ sở sản xuất bún tươi trên địa bàn xã An Bình, huyện Văn Yên không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP. Những vi phạm tưởng chừng nhỏ nhặt này lại tiềm ẩn nguy cơ lớn gây ô nhiễm thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu thủ công, vẫn còn nhiều bất cập. Tình trạng rượu không rõ nguồn gốc, rượu không dán tem nhãn vẫn diễn ra, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc methanol.

Cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn

Tháng hành động vì ATTP năm 2025 với chủ đề tập trung vào các bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố là dịp để các ngành chức năng và toàn xã hội cùng nhìn lại những kết quả đã đạt được, nhận diện rõ hơn những tồn tại, hạn chế để có giải pháp căn cơ, hiệu quả hơn. Để công tác đảm bảo ATTP thực sự đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả bền vững, cần có sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt hơn nữa.

Trước tiên, cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là các cuộc kiểm tra đột xuất, tập trung vào các mặt hàng có nguy cơ cao, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, các chợ đầu mối và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không có vùng cấm. Việc công khai danh sách vi phạm cần được duy trì và mở rộng phạm vi tiếp cận để người dân dễ dàng tra cứu.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần siết chặt quản lý nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm nhập khẩu, thịt gia súc, gia cầm và các sản phẩm chế biến từ thịt. Cần có giải pháp hiệu quả hơn trong việc truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về ATTP cho cả người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Cần xây dựng các chương trình truyền thông đa dạng, dễ hiểu, dễ tiếp cận, giúp người dân biết cách lựa chọn thực phẩm an toàn, nhận diện các nguy cơ mất ATTP và chủ động tố giác các hành vi vi phạm. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý ATTP các cấp. Đồng thời, cần tăng cường sự phối hợp liên ngành một cách thực chất, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót, đảm bảo thông tin được chia sẻ thông suốt và trách nhiệm được phân định rõ ràng.

ATTP không chỉ là câu chuyện của riêng ngành nào, cấp nào mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Tháng hành động vì ATTP là một điểm nhấn quan trọng nhưng để có một môi trường thực phẩm thực sự an toàn, cần sự nỗ lực không ngừng, sự cảnh giác thường trực và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị. Chỉ khi đó, sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng mới thực sự được bảo vệ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Hùng Cường

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/350282/quyet-liet-hanh-dong-vi-mot-tuong-lai-ben-vung.aspx
Zalo