Quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về phòng cháy, chữa cháy rừng

Chủ tịch UBND các huyện, Thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra cháy rừng trên địa bàn mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý gây thiệt hại đến tài nguyên rừng. Đó là nội dung quan trọng trong Công văn số: 1074/UBND-KT ngày 15/4/2025 của UBND tỉnh về việc tiếp tục chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).

Tập trung mọi lực lượng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Tập trung mọi lực lượng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Hiện nay, tình trạng nắng nóng, khô hanh tiếp tục diễn biến phức tạp, khiến hầu hết diện tích rừng trên địa bàn tỉnh đối mặt với nguy cơ cháy rất cao. Chỉ trong các ngày 13 và 14/4/2025, trên địa bàn xã Chí Thảo (Quảng Hòa), xã Quang Trung (Hòa An) và phường Sông Bằng (Thành phố) liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng, gây thiệt hại gần 20 ha rừng. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong thời gian tới, nền nhiệt tại khu vực Bắc Bộ sẽ tiếp tục tăng nhanh, nắng nóng có khả năng xảy ra trên diện rộng, làm gia tăng nguy cơ cháy rừng bất cứ lúc nào.

Trước tình hình đó, để chủ động phòng ngừa, kịp thời ứng phó, giảm thiểu tối đa thiệt hại do cháy rừng gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, Thành phố tiếp tục chủ động phối hợp, quán triệt, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các biện pháp PCCCR trên địa bàn tỉnh. Việc thực hiện phải bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 25/CĐ-TTg ngày 22/3/2025, Công điện số 36/CĐ TTg ngày 13/4/2025, Công văn số 285/BNNMT-LNKL ngày 20/3/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 13/1/2025 và Công văn số 905/UBND-KT ngày 31/3/2025 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác PCCCR.

Chủ tịch UBND các huyện, Thành phố chủ động, quyết liệt hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai các biện pháp PCCCR; tập trung khắc phục hậu quả cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”, với tinh thần chủ động, kịp thời, quyết liệt nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do cháy rừng gây ra. Coi công tác PCCCR là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành. Chỉ đạo UBND cấp xã và các phòng, ban, cơ quan chuyên môn cấp huyện thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCCR; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác PCCCR từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở. Chủ tịch UBND các huyện, Thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra cháy rừng trên địa bàn mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý gây thiệt hại đến tài nguyên rừng. Tiếp tục rà soát, xác định các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại các điểm chốt chặn, tổ chức tuần tra, canh gác nghiêm ngặt ở những khu vực trọng điểm; kiểm soát chặt chẽ người ra, vào rừng trong thời kỳ cao điểm nắng nóng, khô hanh. Kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động tối đa các lực lượng, phương tiện tại chỗ để nhanh chóng khống chế, dập tắt đám cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, tài nguyên rừng và đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia chữa cháy.

Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn chủ động phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm và chính quyền các cấp thường xuyên rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án hiệp đồng, phối hợp giữa các lực lượng vũ trang và lực lượng tại chỗ trong công tác PCCCR. Chủ động xây dựng, triển khai các phương án hỗ trợ tối đa cho công tác chữa cháy rừng; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tham gia chữa cháy rừng ngay khi có yêu cầu của địa phương, đảm bảo ứng phó kịp thời, hiệu quả với mọi tình huống cháy rừng có thể xảy ra. Tăng cường luyện tập, diễn tập phối hợp giữa các lực lượng để nâng cao năng lực chỉ huy, hiệp đồng tác chiến, bảo đảm lực lượng, phương tiện, trang bị luôn trong trạng thái sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống phát sinh, góp phần giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ động chỉ đạo, điều hành toàn diện công tác dự báo, cảnh báo, tổ chức PCCCR trên phạm vi toàn tỉnh, tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ cấp bách, trong đó tổ chức theo dõi sát diễn biến thời tiết, duy trì thường xuyên công tác dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; kịp thời cung cấp thông tin cảnh báo đến các địa phương, giúp chủ động xây dựng và triển khai các phương án PCCCR phù hợp với từng khu vực, từng thời điểm nguy cơ cao. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác PCCCR tại các địa phương, đặc biệt là các khu vực trọng điểm, có nguy cơ cháy rừng cao; chủ động phối hợp, hỗ trợ các địa phương về lực lượng, trang thiết bị, phương tiện chữa cháy, thông tin điểm cháy và công tác chỉ huy khi xảy ra cháy rừng; duy trì nghiêm chế độ thường trực phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định, đảm bảo sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả với mọi tình huống phát sinh.

Cơ quan báo chí chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND các huyện, Thành phố tăng cường công tác tuyên truyền thường xuyên, liên tục trên các phương tiện truyền thông đại chúng về các quy định của pháp luật liên quan đến bảo vệ rừng và PCCCR. Đẩy mạnh truyền thông từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở, kịp thời đưa tin, phát sóng các bản tin dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, đặc biệt trong thời kỳ khô hạn, nắng nóng để các tổ chức, đơn vị, người dân chủ động nắm bắt, nâng cao ý thức phòng ngừa, thực hiện nghiêm các biện pháp PCCCR.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ rừng, PCCCR. Phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, lồng ghép nội dung bảo vệ rừng, PCCCR vào các phong trào, cuộc vận động, sinh hoạt cộng đồng; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn kỹ năng PCCCR phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn. Tăng cường giám sát, phản biện xã hội, kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ rừng, PCCCR; biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong cộng đồng.

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/quyet-liet-dong-bo-hieu-qua-cac-giai-phap-ve-phong-chay-chua-chay-rung-3176561.html
Zalo