Quyết liệt đấu tranh với tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả
Trên địa bàn tỉnh, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng còn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Một số đối tượng lợi dụng sự biến động của thị trường để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, sử dụng phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm đối phó với cơ quan chức năng.
Trước tình hình trên, lực lượng công an toàn tỉnh đã chủ động nắm chắc tình hình, sử dụng hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc để đấu tranh với loại tội phạm này. Đồng thời, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cùng với đó, tăng cường tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương chỉ đạo các ngành, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội triển khai các biện pháp phối hợp tuyên truyền, phòng ngừa và đấu tranh chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại. Từ đầu năm 2024 đến nay, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã phát hiện, xử lý trên 1.700 vụ vi phạm trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, với số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước 84,5 tỷ đồng; trong đó riêng lực lượng công an phát hiện, xử lý trên 100 vụ vi phạm trong sản xuất, buôn bán hàng giả.
Điển hình, ngày 28/3/2024, qua công tác nắm tình hình, Công an TP Thanh Hóa phát hiện Trần Thị Phương, sinh năm 1995, ở phường Đông Hải là chủ cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm “Phương Trần” có địa chỉ tại 260-262 Quang Trung, phường Ngọc Trạo (TP Thanh Hóa) kinh doanh sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ Femfresh nghi là hàng giả, thường xuyên live stream bán hàng trên các trang mạng xã hội. Quá trình xác minh, Công an TP Thanh Hóa xác định, sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ Femfresh có xuất xứ tại Anh của thương hiệu Chuch & Dwight CO. Inc sản xuất. Sản phẩm được phân phối độc quyền tại thị trường Việt Nam bởi Công ty TNHH Phát triển và Thương mại Trần Gia, địa chỉ số 149 Xuân Thủy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Lực lượng chức năng đã tiến hành triệu tập Trần Thị Phương để làm rõ nguồn gốc sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ Femfresh mà Phương đang bán tại cửa hàng. Tại cơ quan điều tra, Trần Thị Phương khai nhận, từ đầu năm 2024 đến nay, Phương có nhập sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ Femfresh là hàng giả để bày ở cửa hàng để bán kiếm lời. Sau đó, Phương đã tự nguyện giao nộp số hàng giả gồm 235 chai với tổng giá trị gần 40 triệu đồng. Điều tra mở rộng vụ án, Công an TP Thanh Hóa đã triệu tập và tạm giữ hình sự đối với 2 đối tượng trong đường dây cung cấp hàng giả ra thị trường là Phạm Thùy Dung, sinh năm 1994, ở xã Nam Hồng, huyện Đông Anh và Nguyễn Thị Phượng, sinh năm 1987, ở xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội). Qua làm việc và khám xét nơi ở của các đối tượng trên, Công an TP Thanh Hóa đã thu giữ 794 chai dung dịch vệ sinh phụ nữ Femfresh và hơn 15.000 sản phẩm chưa có hóa đơn, chứng từ.
Sau một thời gian tập trung đấu tranh, ngày 8/8/2024, Công an huyện Vĩnh Lộc phối hợp với công an các xã Tế Nông, Tân Phúc (Nông Cống) đột kích cơ sở phân phối hàng giả có địa chỉ tại thôn Đông Hưng, xã Tế Nông do Lê Tuấn Thành, sinh năm 1995 làm chủ và cơ sở sản xuất hàng giả ở thôn Thái Sơn, xã Tân Phúc (Nông Cống) do Lê Hạ Tuấn, sinh năm 1995 làm chủ. Tại 2 địa điểm nói trên, lực lượng chức năng đã thu giữ 1.860 túi nước giặt giả nhãn hiệu Omo loại 3,6kg, 664 túi nước giặt giả nhãn hiệu Omo loại 2kg cùng hàng trăm kg vỏ bao bì, nhãn mác và nhiều tang vật, dụng cụ để pha trộn, sản xuất và san chiết nước giặt giả. Ngoài Thành và Tuấn, Công an huyện Vĩnh Lộc cũng đã phát hiện, bắt giữ Lê Hạ Nghĩa, sinh năm 1991 và Lê Văn Dũng, sinh năm 1998, cùng trú tại xã Tân Phúc (Nông Cống) là đối tượng được Tuấn thuê pha trộn, san chiết, đóng gói và lái xe vận chuyển hàng; thu giữ toàn bộ tang vật trên xe gồm 700 túi nước giặt loại 3,6kg. Kết quả điều tra ban đầu, Tuấn khai nhận đã tự học cách pha chế nước giặt trên mạng xã hội, rồi mở xưởng sản xuất dưới vỏ bọc đăng ký là sản xuất giấy vệ sinh; sau đó chuyển hàng cho Thành bán trên sàn thương mại điện tử với tên cửa hàng là “Tổng kho Đông Hưng”. Ước tính, hằng tháng các đối tượng này bán trên 4.000 sản phẩm nước giặt giả nhãn hiệu Omo, thu lời bất chính hàng trăm triệu đồng. Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra mở rộng...
Xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, Công an tỉnh tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công an, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh. Đồng thời chủ động nắm bắt tình hình từ sớm, từ xa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái phép. Cùng với đó tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, hướng dẫn để người dân, doanh nghiệp nhận diện hàng giả, hàng kém chất lượng, từ đó cùng với chính quyền địa phương tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm góp phần bảo đảm an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.