Quyết định hợp lòng dân

Chiều 26-9, thông tin Ban Thường vụ Tỉnh ủy sau khi họp đã quyết định giữ lại công trình biệt thự Võ Hà Thanh (hay còn gọi là 'nhà lầu ông Phủ') thuộc Dự án Đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu) để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc nhận được sự quan tâm lớn của dư luận xã hội.

Hầu hết các ý kiến đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ, cho rằng đây là việc làm cần thiết của Đồng Nai trong việc giữ gìn một công trình kiến trúc có ý nghĩa về văn hóa, lịch sử lâu đời. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện những công việc có liên quan nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của ngôi biệt thự một cách tốt nhất.

Trước đó, Đảng đoàn HĐND tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và Thường trực Thành ủy Biên Hòa có phương án, giải pháp phù hợp, vừa đảm bảo việc triển khai thực hiện dự án, đồng thời gắn với việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12-12-2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững.

Theo thông tin từ ngành văn hóa, “nhà lầu ông Phủ” được xây dựng bằng các vật liệu nhập khẩu từ Pháp và vào thời điểm hoàn thành, đây là dinh thự tư nhân lớn nhất ở Biên Hòa. Đặc biệt, trong trận lụt vào năm Nhâm Thìn (1952) ở Biên Hòa, trên lầu ngôi nhà cổ là nơi trú ngụ cho hơn 100 người dân ở khu vực lân cận lánh nạn. “Nhà lầu ông Phủ” mang đặc trưng kiến trúc đối xứng một trong những phong cách kiến trúc Pháp rất phổ biến những năm đầu thế kỷ XX, có giá trị về mặt kiến trúc - nghệ thuật, thể hiện được vẻ đẹp của sự giao thoa văn hóa giữa 2 nước và lịch sử đất nước vào thời kỳ Pháp thuộc. Quá trình khởi tạo và tồn tại của ngôi nhà cổ đã gắn liền với lịch sử phát triển, cảnh quan và kiến trúc đô thị của Biên Hòa trong 100 năm qua.

Việc Tỉnh ủy quyết định giữ lại ngôi nhà cổ này phù hợp với điểm đ, khoản 1, Điều 28 Luật Di sản văn hóa, nhất là tiêu chí: “Quần thể các công trình kiến trúc hoặc công trình kiến trúc đơn lẻ có giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật của một hoặc nhiều giai đoạn lịch sử”. Hơn thế nữa, phù hợp với mong muốn của các chuyên gia, kiến trúc sư, những người nghiên cứu lịch sử và đặc biệt là người dân trong tỉnh về việc bảo tồn công trình kiến trúc có giá trị văn hóa lịch sử này.

Đồng Nai có hàng ngàn di tích, danh thắng được xếp loại và chưa xếp loại. Việc giữ gìn, bảo tồn ngay cả những công trình kiến trúc chưa được xếp loại nhưng có giá trị về mặt kiến trúc, lịch sử, văn hóa như “nhà lầu ông Phủ” là việc làm cần thiết, phù hợp với Luật Di sản văn hóa và mục tiêu mà Đồng Nai hướng tới. Đó là “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa (vật thể và phi vật thể), cùng các giá trị văn hóa khác, tái hiện, tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng cao, mang đậm bản sắc Đồng Nai, phù hợp với xu thế thời đại” (Nghị quyết số 12-NQ/TU).

Minh Ngọc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202409/quyet-dinh-hop-long-dan-2d478c1/
Zalo