Quyết bám trụ giữa Biển Đông (bài 2)
Từ thực tiễn khó khăn, biển cả đã 'dạy' cho ngư dân tỉnh Bình Định biết vượt qua sóng gió, bão tố, đúc rút kinh nghiệm, sáng kiến ra những phương thức đánh bắt mới, làm ăn có lãi, bám trụ dài ngày trên biển. Chính vì vậy, nghề lưới vây khơi tỉnh Bình Định đã đạt đến trình độ đỉnh cao trong đánh bắt, trở thành tỉnh có số lượng tàu lưới vây đứng đầu cả nước.
Bài 2: “Bậc thầy” lưới vây khơi
“Nhiều tỉnh vẫn có tàu lớn làm nghề lưới vây khơi, nhưng đa số họ không “nuôi” nổi tàu, vì con đường thua lỗ cứ kéo dài, đành phải chuyển đổi sang nghề khác hoặc bán tàu lên bờ làm việc khác. Nhưng tàu Bình Định có cả ngàn chiếc hoạt động khắp các vùng biển Việt Nam, ngư dân Bình Định được ngư dân cả nước tôn vinh là “bậc thầy” trong đánh bắt. Tàu đi biển xa về cảng với sản lượng 40 - 100 tấn cá/chuyến. Nếu chỉ “ngắt” phần thành tích tại cảng cá để ca tụng với nhau, thì khó đánh giá được sâu sắc và tìm hiểu gốc rễ: Tại sao “bậc thầy” trong đánh bắt lưới vây khơi?” - chủ tàu và thuyền trưởng Nguyễn Viết Hằng, phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Bịnh nói có vẻ “lý luận” biển cả.
Kiên nhẫn chờ cá gom đàn
Ông Hằng đang sở hữu 3 chiếc tàu lưới vây khơi cỡ lớn, trong đó, 1 chiếc tàu vỏ thép có vốn đầu tư 18 tỉ đồng, công suất gần 900 mã lực. “Trước khi tàu rời cảng, con tàu sắt của tôi đã “ăn” trọn 300 triệu đồng tiền tổn, hai chiếc tàu gỗ cũng xấp xỉ 400 triệu đồng nữa. Tổng cộng 700 triệu đồng tiền vốn treo trên đầu ngọn sóng ở biển khơi, thời buổi này, ai làm đủ vốn được xem là “thầy” rồi, làm có lãi quá giỏi. Cuối năm, phải đưa chiếc tàu vỏ thép lên bờ sửa chữa, nó ngốn thêm 400 - 500 triệu đồng nữa. Tôi đã hơn 60 tuổi, vẫn làm thuyền trưởng chiếc tàu vỏ thép, đồng thời, chỉ huy từ xa hai chiếc còn lại. Nhờ đó, đội tàu tôi vẫn làm ăn được” - thuyền trưởng Hằng nhấn mạnh những con số mà ai nghe cũng thấy sợ.
Tàu Bình Định hoạt động khắp cả nước
“Đến mùa khai thác hải sản, lượng lớn tàu đánh cá của tỉnh Bình Định đi hoạt động ở nhiều vùng biển trong cả nước. Chỗ nào thuận lợi trong khai thác, giá bán cá cao, thuyền trưởng sẽ đưa tàu vào tỉnh đó thực hiện các dịch vụ hậu cần. Qua thống kê cho thấy, tàu cá của ngư dân Bình Định thường hay ở lại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang...” - ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định thông tin.
Suốt quá trình hoạt động thực tiễn nghề lưới vây, ngư dân đã đúc rút kinh nghiệm và có những sáng kiến mới, phù hợp với từng giai đoạn phát triển khác nhau: lúc mới sơ khai, tàu lưới vây chỉ hoạt động ven bờ, vòng lưới ngắn; những năm 2000 bắt đầu phát triển tàu lớn, lưới dài, chuyên chạy đi tìm những khúc gỗ (nước lũ đẩy gỗ từ các quốc gia) trôi trên biển lâu ngày, đàn cá quy tụ “đu” theo khúc gỗ. Ngư dân tìm mọi cách theo dõi, quan sát bằng mắt dưới đáy biển và “hiểu” được đặc tính của đàn cá, tổ chức đánh bắt hiệu quả. Hiện nay, ngư dân “nâng đời” lên tầm cao mới, sử dụng chính chiếc tàu đánh cá như “trận địa” dẫn dụ đàn cá quy tụ về chờ thời cơ đánh bắt trọn cả.
“Sản lượng đánh bắt ngày càng giảm, chi phí tiền dầu chiếm khoảng 80 - 90% tổng chi cho mỗi chuyến biển, tàu đánh bắt không có lãi, phải cho tàu chạy suốt đêm đi tìm đàn cá, đến những vùng biển xa nhất... Mỗi chủ tàu, thuyền trưởng luôn có những ý tướng mới, lúc đầu, họ bí mật áp dụng làm thử nghiệm hiệu quả, rồi bị các bạn tàu “giải mật” lan truyền qua nhiều tàu khác trở thành của chung. Trong vô vàn sáng kiến rời rạc, người nào giỏi “tóm lại” và phát triển thành một quy trình sản xuất hiệu quả, sau lan ra toàn tỉnh” - thuyền trưởng Hằng đã hơn 40 năm làm nghề lưới vây chia sẻ những nguyên nhân phát triển.
Chẳng hạn, ban đêm, tàu lưới vây sử dụng hàng chục bóng điện cao áp dẫn dụ cá, khi cá đã “phê đèn”, dần dần tắt hết các bóng điện cao áp, chỉ để một bóng điện trên thúng chai, nối dây dẫn điện lên máy phát điện trên tàu cá. “Trận địa” đã cài đặt xong, thuyền trưởng kéo ga cho tàu chạy mạnh, đồng thời, ra lệnh buông lưới bao trọn đàn cá. Sợi dây điện nối với thúng cái cũng được nối dài 2.000m, đôi khi trong quá trình tàu chạy buông lưới làm đứt dây điện, bóng điện dẫn dụ bị tắt, đàn cá “giật mình” bỏ chạy tán loạn, coi như mất trắng.
Rút kinh nghiệm, ngư dân sắm một máy phát điện nhỏ để lên thúng chai, bố trí 2 người vừa nổ máy cấp điện cho bóng điện sáng dẫn dụ, vừa chèo cố định thúng chai nằm đúng vị trí để tàu lớn chạy bao vòng lưới chính xác. “Từ khi có máy phát điện ở thúng chai, xác suất trúng lớn khá nhiều, có những chuyến biển, tàu tôi đánh đạt sản lượng 50 tấn. Trong quá trình theo dõi đàn cá, người thuyền trưởng phải biết cách dự đoán được sản lượng cá bơi dưới biển sâu, khoảng 10 tấn cá trở lên mới buông lưới đánh bắt” - thuyền trưởng Hằng nói.
- Cá dưới biển ở độ sâu mấy trăm mét, thậm chí vài ngàn mét, làm sao ước lượng được số lượng cá như anh vừa nói? - tôi hỏi.
- Phải có kinh nghiệm đánh bắt lâu năm, kết hợp với máy dò cá mới tính toán, dự báo được sản lượng cá dưới biển. Đặc tính cá sọc dưa (họ cá ngừ) hay thích đi theo bầy đàn lớn. Lúc đầu, chỉ đàn nhỏ cỡ vài tạ, ban đêm mình sử dụng đèn dẫn dụ tốt, ban ngày căng thêm neo dù nước (dù neo cố định tàu) để làm bóng che giống như ngôi nhà của cá. Cá tiếp tục gom đàn tăng dần, phải biết cách kiên nhẫn theo dõi cả tuần mới đánh một phát lưới đạt sản lượng 40 - 60 tấn. Nếu không có kinh nghiệm, cá vừa mới gom đàn đã buông lưới đánh ngay coi như đi đuổi cá. Chỉ khi nào biển quá "tệ" mới buông lưới đánh cá sản lượng dưới 10 tấn.
Nuôi “mạng lưới tình báo” khắp nơi
Sau nhiều năm thất bại, học phí chi trả cho trường đại học thực tiễn trên biển của nhiều ngư dân đổi lấy cả cơ nghiệp, đôi khi ông chủ phải bán tàu, bán nhà để trả nợ, để theo đuổi, lần mò các mô hình đánh bắt đầy nghiệt ngã. Chủ tàu và thuyền trưởng Mai Trường, phường Hoài Thanh, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định nhẩm tính: “Ngày trước, ngư dân thường hay đi đánh bắt kiểu đơn phương độc mã, bây giờ “khôn hơn” đi biển theo đội nhóm tàu chí cốt với nhau, để có gì xảy ra bất trắc, cùng cưu mang nhau trên biển. Nếu tàu nào gặp đàn cá lớn, lên bộ đàm gọi đồng đội đến đánh. Ngoài ra, thuyền trưởng phải biết nuôi “mạng lưới tình báo” khắp nơi, là những chiếc tàu câu mực khơi ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, tàu câu cá ngừ đại dương Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Trên đường đi đánh bắt, tàu họ phát hiện có đàn cá, thuyền trưởng sẽ gọi cho tàu lưới vây đến đánh bắt. Tàu lưới vây đánh được cá, sẽ ăn chia theo tỉ lệ 3 - 7. Nghĩa là tàu “chỉ điểm” được chia 30% tổng sản lượng đánh bắt được, tùy theo độ quen biết, có thể đưa tiền tươi tại chỗ, hoặc cho người sang tàu lưới vây chạy vào bờ bán cá xong rồi chia tiền”.
Hiện nay, nhiều tàu lưới vây nghĩ ra sáng kiến, dùng neo lớn thả xuống độ sâu 2.000 - 4.000m ở vùng biển quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) để cố định những bó lá dừa lớn (người dân gọi là bó chà), lâu ngày giống như ngôi nhà của cá. Những người có tiềm lực tài chính tốt, họ tổ chức thành mạng lưới đánh bắt cực kỳ hiệu quả: 1 - 2 tàu ở lại liên tục 3 - 6 tháng giữ bó chà và theo dõi đàn cá, tàu lưới vừa khai thác, vừa vận chuyển cá vào bờ bán. Tại tỉnh Bình Định, có người đã có tập đoàn đánh bắt, vừa có tàu canh giữ, vừa có tàu khai thác riêng, vừa có tàu lớn vận tải, tại cảng có vựa thu mua và đội xe tải vận chuyển đi các tỉnh, thành xa tiêu thụ.
Bài 3: Chủ và bạn níu kéo lẫn nhau