Quyền lợi của học viên tại Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn được giải quyết ra sao?
Đại diện VKS đề nghị HĐXX buộc bị cáo Hồ Đình Thái Hòa nộp lại 118 tỉ đồng tiền thu lợi bất chính từ việc tuyển học viên, thu học phí đào tạo nghề lái xe.
Ngày 10-4, đại diện VKS đã đề nghị mức án sơ thẩm đối với 13 bị cáo trong vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn, Sở LĐ-TB-XH và Sở GTVT tỉnh Đồng Nai.
VKS đề nghị mức án đối với bị cáo Hồ Đình Thái Hòa (cựu Giám đốc Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn và Công ty 3T) 11-12 năm tù; hai cựu Phó giám đốc Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn: Đặng Thái Hân 10-11 năm tù, Trần Anh Xuân 7-8 năm tù cùng 7 bị cáo từ 7-11 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, 3 bị cáo tại Sở GTVT tỉnh Đồng Nai: Nguyễn Thị Mộng Thu (cựu phó giám đốc) 30 - 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, Nguyễn Hữu Khánh Linh (cựu trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp) 36-42 tháng tù, Đặng Văn Dạng (cựu chuyên viên) 36 - 42 tháng tù.

Các bị cáo tại phiên xét xử. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Bên cạnh việc đề nghị mức hình phạt, đại diện VKSND TP.HCM đã đề nghị HĐXX buộc bị cáo Hồ Đình Thái Hòa nộp lại 118 tỉ đồng tiền thu lợi bất chính từ việc tuyển học viên, thu học phí đào tạo nghề lái xe.
Theo hồ sơ, quá trình điều tra xác định, Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn chỉ trực tiếp tuyển sinh và giảng dạy 4.156 học viên với học phí hơn 39 tỉ đồng.
Số học viên còn lại, bị cáo Hòa ký thỏa thuận với Đặng Thái Hân (Giám đốc Công ty K27) và 261 cá nhân khác; bán lưu lượng 11.306 học viên và cho các cá nhân sử dụng pháp nhân trung tâm tuyển sinh, hợp thức đào tạo 59.302 học viên, sau đó nộp về cho trung tâm chi phí hợp thức hóa hồ sơ dạy lái xe 119 tỉ đồng. Còn lại, 459 tỉ đồng các cá nhân bên ngoài (nhà đầu tư) đã giữ lại để trả chi phí cho việc đào tạo, hưởng lợi trái phép.
Trong số 63.458 học viên được tuyển sinh trái quy định, Hòa đã cấp chứng chỉ sơ cấp nghề Bậc 1 cho 39.021 học viên (với số tiền 377 tỉ đồng). Trong 39.021 học viên này, Hòa đã chỉ đạo nhân viên ký hợp thức Báo cáo 2 đề nghị Sở GTVT tổ chức thi sát hạch, cấp giấy phép cho 34.760 học viên, còn lại 4.261 học viên thi trượt chờ thi lại.
Còn 24.437 học viên chưa được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề nhưng đã được đưa vào danh sách đào tạo và 459 tỉ đồng các nhà đầu tư đã thu của các học viên, VKS kiến nghị Bộ Bộ Xây dựng chỉ đạo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, phối hợp với Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn để tiếp tục bổ sung tiếp tục thực hiện nội dung chương trình đào tạo lái xe cho toàn bộ số học viên trên theo quy định.

Bị cáo Hồ Đình Thái Hòa. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Trong phần luận tội, VKS đã khẳng định quá trình điều tra, truy tố và xét hỏi tại tòa có đủ căn cứ xác định cáo trạng truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng quy định pháp luật.
Theo đại diện VKS, bị cáo Hồ Đình Thái Hòa có vai trò chủ mưu, chỉ đạo trong vụ án. Bị cáo Hòa đã chỉ đạo các bị cáo đồng phạm hợp thức hóa các điều kiện về xe tập lái, giáo viên, phòng học chuyên môn, sân tập lái; xe tại Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn để Sở GTVT cấp lưu lượng đào tạo, phê duyệt kế hoạch đào tạo và Sở LĐTB&XH cấp quy mô đào tạo trái pháp luật; tuyển sinh trái quy định 63.458 học viên với tổng số tiền hơn 618 tỉ đồng.
Trong đó, Hòa phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 39.021 chứng chỉ sơ cấp nghề Bậc 1 đã cấp cho học viên trái quy định, với tổng số tiền là 377 tỉ đồng.
Các bị cáo tại Sở LĐ-TB-XH tỉnh và Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đã thực hiện không đầy đủ chức trách nhiệm vụ, thiếu kiểm tra, giám sát... dẫn đến nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Cạnh đó, VKS cũng đề nghị HĐXX xem xét các bị cáo có tình tiết giảm nhẹ, gồm: hợp tác tích cực, chủ động khắc phục hậu quả vụ án; thừa nhận hành vi phạm tội, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; gia đình có công với cách mạng...