Quyền lợi bệnh nhân BHYT được mở rộng

Từ ngày 1-1, Luật BHYT chính thức có hiệu lực với nhiều điểm thay đổi quan trọng, hướng tới tăng cường quyền lợi cho người dân

Mắc một căn bệnh về máu, hơn 10 năm nay, tháng nào chị T.B.N. (40 tuổi) cũng phải truyền máu và điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Chị cho biết căn bệnh của chị lâu nay chỉ có thể điều trị tại bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối.

Tăng quyền lợi, giảm phiền hà

Theo quy định trước đây, chị N. sẽ phải xin giấy chuyển viện một lần. Song, kể từ nay trở đi, căn bệnh chị mắc không cần xin giấy chuyển viện nữa mà có thể được đến thẳng bệnh viện trung ương điều trị.

Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết nhiều quy định mới của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung bắt đầu có hiệu lực từ năm 2025. Theo đó, một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu để giảm thủ tục, tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT. Ngày 1-1, Bộ Y tế đã ban hành danh mục 62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được 100% mức hưởng BHYT theo quy định được lên thẳng cơ sở khám chữa bệnh cấp chuyên sâu. Trong đó, một số bệnh phải kể như: U ác tuyến ức; u ác tim, trung thất và màng phổi; u ác xương và sụn khớp ở vị trí khác và không xác định; u ác màng não; u ác não; u ác tủy sống, dây thần kinh sọ và các thành phần khác của hệ thống thần kinh trung ương; u ác thứ phát não và màng não; viêm màng não do lao; u lao màng não; u ác tụy…

Quyền lợi bệnh nhân BHYT ngày càng được mở rộng

Quyền lợi bệnh nhân BHYT ngày càng được mở rộng

"Người bệnh đã được chẩn đoán xác định mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao nằm trong danh mục của Bộ Y tế ban hành có thể đến trực tiếp cấp chuyên sâu, không cần xin giấy chuyển viện như hiện nay. Tuy nhiên, hiện nay danh mục cụ thể các bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển viện Bộ Y tế đang xây dựng và sẽ ban hành trong tháng 1 này. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang thực hiện tích hợp giấy chuyển tuyến trên điện tử để giảm thủ tục hành chính cho người bệnh" - bà Trang nói.

Cũng theo bà Trang, từ thời điểm này, Thông tư 37/2024/TT-BYT của Bộ Y tế cũng cho phép tất cả cơ sở khám chữa bệnh được sử dụng thuốc trong danh mục BHYT giống nhau thay vì phân cấp kê toa cho bệnh nhân theo hạng bệnh viện hay cấp chuyên môn kỹ thuật như trước đây. Như vậy, các cơ sở y tế được sử dụng toàn bộ các thuốc trong danh mục, phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, không phân biệt hạng bệnh viện hay cấp chuyên môn kỹ thuật.

Quy định mới nhằm khuyến khích cơ sở khám chữa bệnh phát triển chuyên môn và thu hút nhân lực, bảo đảm tính công bằng trong tiếp cận và chi trả BHYT đối với thuốc. Đồng thời, tạo điều kiện phát triển y tế cơ sở, hạn chế người bệnh điều trị tại tuyến trên gây quá tải. Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế cũng cho rằng để đưa các thuốc mới về tuyến khám chữa bệnh ban đầu, các địa phương cũng cần đầu tư thêm, nâng cao năng lực cả về con người và cơ sở vật chất, máy móc tại y tế cơ sở để phù hợp với việc khám chữa bệnh.

Ưu tiên cao nhất cho người bệnh

Một trong những nội dung được nhiều người bệnh BHYT trông đợi đó là sẽ được hoàn tiền nếu phải mua ngoài. Tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế trong các cơ sở y tế trong thời gian đã ảnh hưởng lớn đến người bệnh. Để bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, Bộ Y tế đã quy định cơ sở y tế phải hoàn tiền cho người bệnh. "Bộ Y tế đang đề xuất thay vì người bệnh phải trực tiếp thanh toán với cơ quan BHXH thì cần có cơ chế để bệnh viện chi trả cho người bệnh, rồi bệnh viện thanh toán lại với cơ quan BHXH, để giảm thủ tục cho người bệnh" - bà Trang thông tin.

Vụ trưởng Vụ BHYT nhấn mạnh khi kê đơn cho người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh, người hành nghề khám chữa bệnh cần tư vấn, hướng dẫn cho người bệnh hiểu về quy định thanh toán trực tiếp để họ có thể mua được thuốc, vật tư và được thanh toán với cơ quan BHXH sau đó theo quy định.

Theo hướng dẫn này, việc hoàn tiền thuốc, thiết bị y tế cho bệnh nhân BHYT chỉ áp dụng đối với danh mục thuốc hiếm do Bộ Y tế đã ban hành. Hiện danh mục thuốc hiếm đang được Bộ Y tế điều chỉnh, bổ sung. Còn đối với các thiết bị y tế, chỉ bao gồm thiết bị y tế nhóm C, D theo phân loại rủi ro của thiết bị. Trang thiết bị y tế thuộc loại C, D bao gồm các trang thiết bị y tế có mức độ rủi ro trung bình cao và rủi ro cao. Chẳng hạn: Máy thở, thiết bị chụp cộng hưởng từ (MRI), thiết bị chụp cắt lớp vi tính (CT); thiết bị cấy ghép nội tạng, máy lọc máu, thiết bị hỗ trợ tim mạch (ECMO)... Quỹ BHYT sẽ không thanh toán tự chi phí trực tiếp cho những vật tư y tế mà dễ dàng mua sắm sử dụng như: Bông, băng, cồn, gạc... Trong khi đó, tại nhiều cơ sở y tế, tình trạng thiếu các vật tư thông thường (không thuộc nhóm C, D) xảy ra khá phổ biến. Đại diện Bộ Y tế cho biết sắp tới, bộ sẽ tiếp tục tìm các giải pháp để giải quyết các vấn đề mà Thông tư 22/2024/TT-BYT chưa bao quát hết.

Theo BHXH Việt Nam, hiện số người tham gia BHYT đạt hơn 94,6 triệu, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm 2023… Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, cho biết tỉ lệ người dân tham gia BHYT tăng dần qua các năm, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân. Cả nước có gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh BHYT và hệ thống y tế rộng khắp đã góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT.

Để bảo đảm hoạt động khám chữa bệnh BHYT theo quy định mới, BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH địa phương đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương xếp các cơ sở y tế trên địa bàn theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám chữa bệnh. "Quyền lợi người tham gia BHYT phải được ưu tiên cao nhất, kể cả các trường hợp chưa xếp cấp kịp thời, cũng không làm gián đoạn quyền lợi khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT" - ông Phúc nhấn mạnh.

Những điều cần biết

Luật BHYT sửa đổi mở rộng danh mục chi trả cho các dịch vụ và kỹ thuật y tế được thanh toán BHYT. Cụ thể, các dịch vụ như: Điều trị lác và tật khúc xạ của mắt đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên; sử dụng thiết bị y tế thay thế bao gồm chân giả, tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính... được bổ sung. Luật cũng tăng mức hỗ trợ chi phí BHYT; mở rộng đối tượng, trường hợp được hưởng chi phí vận chuyển. Ở tuyến huyện và tuyến tỉnh, người tham gia BHYT được chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh nội trú, ngay cả khi điều trị trái tuyến. Trong điều trị bệnh hiếm gặp và kỹ thuật cao sẽ được BHYT hỗ trợ với tỉ lệ cao hơn, tùy theo loại hình dịch vụ và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Bài và ảnh: NGỌC DUNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/quyen-loi-benh-nhan-bhyt-duoc-mo-rong-196250101202654527.htm
Zalo