Quyền dân tộc và quyền con người trong Tuyên ngôn Độc lập

Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám - 1945 là giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật và phong kiến tay sai thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thắng lợi đó đã được ghi lại trong lịch sử bằng văn bản Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước toàn thể quốc dân, đồng bào ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.

Đó là một văn kiện pháp lý đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quốc tế và thời đại, khẳng định những nguyên tắc pháp lý về độc lập dân tộc và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam gắn liền quyền dân tộc và quyền cơ bản của con người.

Đông đảo nhân dân tập trung tại Quảng trường Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc Lập ngày 2/9/1945. (Nguồn: TTXVN)

Đông đảo nhân dân tập trung tại Quảng trường Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc Lập ngày 2/9/1945. (Nguồn: TTXVN)

1. Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 là viên đá đầu tiên đặt nền tảng cho nền pháp lý quốc tế hiện đại, vào giữa lúc cường quốc đồng minh khai sinh tổ chức Liên hợp quốc (LHQ), gồm có sự tham gia của 50 đại biểu từ các quốc gia đồng minh, diễn ra từ ngày 25/4/1945 đến 26/6/1945 tại San Francisco, Mỹ, đang tranh luận về vấn đề các nước thuộc địa ở Á châu nên đặt dưới chế độ “Ủy trị quốc tế” trực thuộc Mỹ, hay tiếp tục thừa nhận chế độ bảo hộ của thực dân Pháp. Bác bỏ cả hai giải pháp ấy, Hồ Chủ tịch đã khẳng định: “Trong trường hợp LHQ không trao cho Đông Dương quyền độc lập, chúng tôi sẽ tiếp tục đánh cho đến khi nào chúng tôi giành được độc lập và tự do”.

Trong tư tưởng của Hồ Chủ tịch, quyền sống của dân tộc và quyền sống của con người được gắn với nhau một cách hữu cơ, nhuần nhuyễn. Quyền dân tộc thiêng liêng và quyền cơ bản của con người, từ hai lãnh vực công pháp quốc tế và pháp luật quốc gia đã gắn lại với nhau. Từ đó cả hai khái niệm pháp lý cơ bản này đã được phát triển lên cũng với thực tiễn cuộc đấu tranh thắng lợi của nhân dân Việt Nam, để giành lại quyền sống của dân tộc trong độc lập tự do và để xây dựng một đời sống bình đẳng, tự do, hạnh phúc cho mọi người.

Văn kiện đầu tiên của Hồ Chủ tịch mang tính chất chính trị - pháp lý về nội dung và hình thức, thể hiện một đòi hỏi cấp bách về quyền dân tộc của nhân dân Việt Nam và quyền tự do của người Việt Nam, là bản “Yêu sách của nhân dân An Nam”.

Nội dung cơ bản trong bản gồm: tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị; cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những bảo đảm về mặt pháp luật như người Âu châu, xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam; tự do báo chí và tự do ngôn luận; tự do lập hội và hội họp; tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương; tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ; thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật; đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ.

Bản yêu sách dưới tên Nguyễn Ái Quốc và nhân danh nhân dân Việt Nam, Hồ Chủ tịch đã gửi đến Nghị viện Pháp và các đoàn đại biểu các nước Đông minh chiến thắng trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất ở Hội nghị Versailles, đầu năm 1919, đòi thực hiện quyền dân tộc tự quyết theo lời tuyên bố của Woodrow Wilson, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ.

Đặc biệt, Hồ Chủ tịch đã gắn lên trong “Bản yêu sách …” vấn đề “độc lập dân tộc” với vấn đề “các quyền tự do dân chủ của nhân dân”. Ngay từ buổi đầu này, Hồ Chủ tịch đã vừa biết chiếm lĩnh các đỉnh cao và “quyền dân tộc” và “quyền tự do dân chủ”, vừa biết kết hợp tài tình hai mặt tất yếu không thể tách rời, đòi quyền sống và tự do của dân tộc và quyền sống và tự do của con người.

Trong điều kiện lịch sử lúc đó, việc đoạt lại ngọn cờ “dân tộc tự quyết thiêng liêng" từ miệng lưỡi của kẻ đại diện chủ nghĩa đế quốc, vào tay những người yêu nước Việt Nam, đòi quyền sống cho dân tộc mình và việc kết hợp nó với việc đòi hỏi thực hiện cải cách dân chủ, ban hành các quyền tự do cơ bản, là một hành động hiếm có trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, một hành động tài trí khôn ngoan, kiên dũng phi thường.

Tư tưởng đó đã đặt cơ sở cho một quan niệm hoàn toàn mới của Người về việc thực hiện quyền sống của dân tộc và các quyền tự do cơ bản của con người, nó là ngọn đèn chỉ đường cho cách mạng Việt Nam, là kim chỉ nam cho việc xây dựng pháp luật cách mạng Việt Nam.

 Việt Nam đã có những nỗ lực không ngừng nghỉ cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người. (Ảnh minh họa)

Việt Nam đã có những nỗ lực không ngừng nghỉ cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người. (Ảnh minh họa)

2. Từ các quyền cơ bản của con người mà “không ai chối cãi được” Hồ Chủ tịch đã khéo léo vận dụng, nâng lên thành “quyền bình đẳng, quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” của “tất cả các dân tộc trên thế giới”.

Quán triệt sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Marx–Lenin về sự nghiệp của các dân tộc phải tự mình đứng dậy đấu tranh để tự giải phóng, giành quyền sống của mình, Hồ Chủ tịch không chỉ khẳng định về mặt nguyên tắc pháp lý, quyền của dân tộc Việt Nam được bình đẳng, tự do và sống sung sướng như mọi dân tộc khác, mà còn khẳng định trong thực tiễn đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam, các quyền dân tộc thiêng liêng đó, Hồ Chủ tịch đã kết thúc bản Tuyên ngôn Độc lập bằng điều khẳng định đanh thép: “Một dân tộc dã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập”...

Trước toàn thế giới, Tuyên ngôn Độc lập là hòn đá tảng pháp lý đầu tiên khẳng định cả trên nguyên tắc, và trên thực tế, cả về quyết tâm sắt đá của nhân dân Việt Nam, quyền được sống, trong độc lập, tự do hạnh phúc của dân tộc Việt Nam, quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam đối với bất kỳ dân tộc nào khác trên thế giới.

Mang tính cách mạng, tính khoa học và tính lịch sử sâu sắc, Tuyên ngôn Độc lập đã góp phần tích cực đặt nền tảng cho một trật tự pháp lý quốc tế mới. Lần đầu tiên trong lịch sử phát triển luật pháp quốc tế đã lên án và đặt chế độ thuộc địa ra ngoài vòng pháp luật, ngay tại diễn đàn LHQ.

Một phần tư thế kỷ, sau khi bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam ra đời. Nghị quyết ngày 12/12/1970 của Đại hội đồng LHQ về Chương trình hành động nhằm thi hành toàn diện bản Tuyên ngôn trao trả độc lập cho các dân tộc thuộc địa ngày 14/12/1960, theo đó Đại hội đồng LHQ, với không một phiếu chống nào, đã trịnh trọng tuyên bố: “Khẩn thiết chấm dứt một cách mau chóng và vô điều kiện, chế độ thuộc địa dưới mọi hình thức và mọi biểu hiện”.

Ngọn cờ Hồ Chí Minh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc xâm lược và áp bức bóc lột trên đất nước Việt Nam, đã trở thành ngọn cờ chiến đấu chung cho nhân loại tiến bộ, cho chính nghĩa và văn minh, vì hòa bình, độc lập, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Cống hiến to lớn của Hồ Chủ tịch là người đã gắn liền hai khái niệm quyền dân tộc thiêng liêng và quyền cơ bản của con người lại với nhau. Cùng với thực tiễn cuộc đấu tranh thắng lợi của nhân dân Việt Nam, hai khái niệm pháp lý trên đã được phát triển lên thành khái niệm mới gọi là quyền dân tộc cơ bản. Quyền dân tộc cơ bản này bao gồm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã trở thành một phạm trù của luật pháp quốc tế. Ở hàng loạt Hội nghị luật gia thế giới, ngọn cờ quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam trước hết đã được công nhận trên lĩnh vực pháp lý quốc tế và các luật gia đã từ thực tiễn Việt Nam, nêu cao vị trí quyền dân tộc cơ bản trong nền pháp lý quốc tế hiện đại.

Qua thử thách của thực tiễn đấu tranh cách mạng, tư tưởng chính trị pháp lý vĩ đại của Hồ Chủ tịch đã gắn liền các quyền dân tộc cơ bản, với các quyền cơ bản của con người trong Tuyên ngôn Độc lập, với tầm nhìn xa thấy rộng vốn là kết quả của một tư duy cách mạng, một thế giới quan mới, hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của các hệ tư tưởng cũ, đã chứng minh một cách hùng hồn: ngọn cờ độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội là ngọn cờ bảo vệ nhân quyền chân chính.

Cũng chính vì vậy mà Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 có thể được coi như là Tuyên ngôn Nhân quyền của các dân tộc thuộc địa. Đúng như sự vinh danh của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO): Hồ Chí Minh anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam, danh nhân văn hóa của thế giới!.

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quyen-dan-toc-va-quyen-con-nguoi-trong-tuyen-ngon-doc-lap-287006.html
Zalo