Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Hành trình 10 năm thấu hiểu, yêu thương và hành động kiến tạo sự thay đổi
Logo Quỹ Vì Tầm Vóc Việt được thiết kế bởi chính nhà sáng lập Quỹ - Anh hùng Lao động Thái Hương. Logo được cấu thành bởi 2 phần: Phía trên là chữ “true” màu hồng, bên dưới là dải ngũ sắc.
Chữ “true” có hai ý nghĩa. Thứ nhất, Quỹ mong muốn mang đến những hạnh phúc đích thực đến với cộng đồng, bằng sự thấu hiểu, tận tâm. Vì vậy, chúng tôi luôn khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng để đáp ứng tối đa nhu cầu, mong muốn thực sự của người hưởng lợi.
Thứ hai, “true” còn đại diện cho tâm huyết và sự chân thành của Quỹ trong từng hoạt động vì cộng đồng. Với những con người “thật”, đi làm những công việc “thật” để lan tỏa tinh thần nhân văn đến toàn xã hội.
Dải màu ngũ sắc trong logo tượng trưng cho sự đa dạng. Đa dạng về đối tượng hưởng lợi, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, vùng miền... Đó còn là sự đa dạng về cách thức triển khai, huy động nhiều nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng các dự án theo nhiều phương thức khác nhau như: truyền thông, tập huấn, hỗ trợ tài chính, hiện vật, hỗ trợ cơ sở vật chất và sản phẩm dinh dưỡng phù hợp với các đối tượng khác nhau.
Còn màu hồng trong logo của Quỹ mang ý nghĩa của sự nhân ái và sẻ chia, thể hiện tinh thần ấm áp. Màu hồng vừa dịu dàng vừa mạnh mẽ, truyền tải quyết tâm thực hiện các cam kết của Quỹ.
Sau 10 năm hoạt động, chúng tôi tin rằng, Quỹ đã tạo ra được những tác động tích cực và đáng kể với cộng đồng, đặc biệt là trẻ em.
Chăm lo cho trẻ em là một hành trình dài. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có thêm gần 1,5 triệu trẻ em được sinh ra và chúng tôi luôn nỗ lực cùng Chính phủ thực hiện các hoạt động để thúc đẩy giáo dục công bằng và tiếp cận dinh dưỡng hợp lý cho trẻ em, đặc biệt tại các vùng khó khăn.
Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em, chúng tôi còn có những hoạt động truyền thông, tập huấn đến người chăm sóc trẻ, đến cộng đồng xung quanh trẻ như Hội Phụ nữ xã/phường, các nhà trường và rộng hơn là các chương trình hướng tới cộng đồng như hoạt động về bình đẳng giới, chăm sóc dinh dưỡng, sức khỏe, kỷ luật tích cực, v.v. Ngoài ra, chúng tôi hỗ trợ xây mới, cải tạo các công trình dân sinh như cầu, đường, trường học. Chúng tôi tin rằng, trẻ được an toàn và phát triển toàn diện khi cộng đồng xung quanh trẻ đều có kiến thức, kỹ năng và sẵn sàng đồng hành cùng trẻ trong hành trình phát triển.
Về con số, chúng tôi tự hào khi đem đến hơn 110 triệu ly sữa và 8 triệu bữa ăn dinh dưỡng tới các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trao hơn 100 tỷ học bổng cho học sinh, sinh viên tài năng, học sinh sinh viên nghèo vượt khó, trao 138 tỷ đồng tài trợ xây dựng các công trình dân sinh. Tính đến hiện tại, đã có hơn 5 triệu lượt trẻ em hưởng lợi từ các chương trình của Quỹ.
Như Bác Hồ đã nói, “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Chăm lo bồi dưỡng cho thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước - không phải là câu chuyện ngắn hạn, mà là nhiệm vụ then chốt lâu dài của cả dân tộc, của mỗi tổ chức và cá nhân. Quỹ VTVV rất hạnh phúc được đóng góp một phần nhỏ bé vào sự nghiệp đó.
Sự khác biệt đầu tiên là việc huy động sự tham gia của nhiều nguồn lực xã hội. Chúng tôi kêu gọi sự hỗ trợ tài chính, hiện vật từ các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, tổ chức quốc tế, đặc biệt là sự đồng hành vô cùng quý giá và quan trọng từ khối doanh nghiệp. Đây là nguồn lực bền vững, đa dạng, đảm bảo tính ổn định và lâu dài của các dự án.
Chúng tôi cũng kêu gọi được sự vào cuộc của mạng lưới chuyên gia đồng hành đa dạng, từ các nhà báo kỳ cựu, chuyên gia truyền thông đến chuyên gia đào tạo, chuyên gia y tế dự phòng, nhà hoạt động xã hội, v. v. để cố vấn Quỹ trong các hoạt động cho trẻ em, thanh niên.
Ngoài ra, Quỹ kêu gọi được mạng lưới cá nhân song hành cùng mình trong các dự án về trẻ em, hỗ trợ cả tài chính, công sức. Tính đến năm 2024, Quỹ đã nhận được sự tham gia của 1 triệu lượt tình nguyện viên trong các hoạt động của mình.
Khác biệt thứ hai là Quỹ đã tạo ra “cú hích” về nâng cao nhận thức và sự chung tay của toàn xã hội trong một số hoạt động hỗ trợ trẻ em. Điển hình như “Chương trình Sữa học đường”. Bên cạnh vai trò khởi xướng và thúc đẩy để Chương trình Sữa học đường Quốc gia được triển khai trên toàn quốc, Quỹ đã trao tặng sữa cho trẻ em nghèo, cận nghèo để giúp các em được tiếp cận nguồn dinh dưỡng quan trọng trong giai đoạn phát triển nhanh nhất (từ 2-12 tuổi). Quỹ đã thực hiện hàng trăm cuộc tập huấn dinh dưỡng cho các thầy cô, người chăm sóc trẻ và cộng đồng về chăm sóc và thực hành dinh dưỡng hợp lý.
“Mô hình điểm bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực” do Quỹ phối hợp triển khai tại 10 tỉnh thành trong năm học 2020-2021 được Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích nhân rộng và là cơ sở cho Bộ khuyến nghị các chính sách về dinh dưỡng học đường.
Dự án 1.000 nhà vệ sinh trường học xây dựng nhà vệ sinh tại các trường tại các địa bàn khó khăn trong cả nước mang đến sự tiếp cận công bằng cho trẻ về sức khỏe học đường.
Các hoạt động thể chất cho học sinh cũng được Quỹ đẩy mạnh. Trong đó, nổi bật nhất là việc đồng hành cùng giải chạy S-Race dành cho học sinh sinh viên trên toàn quốc. Giải chạy góp phần thúc đẩy lối sống lành mạnh, phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Đồng thời, chương trình lan tỏa trong các em tinh thần nhân văn, tương thân tương ái, khi mà mỗi bước chạy của các em còn đóng góp vào quỹ hỗ trợ điều trị khuyết tật vận động cho bệnh nhi của Quỹ VTVV.
Và điều chúng tôi tự hào nhất là nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã tiếp tục duy trì các hoạt động xã hội sôi nổi sau khi tham gia các chương trình của chúng tôi. Quỹ hiểu rằng, mỗi tổ chức đều có một nguồn lực giới hạn, không thể thực hiện hết các hoạt động cứu trợ hay các dự án phát triển cộng đồng. Vì vậy, việc góp phần lan tỏa cho các đơn vị khác về tầm quan trọng của sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và chung tay thực hiện tiếp các hoạt động là thành công lớn nhất của chúng tôi.
Anh hùng Lao động Thái Hương là nhà sáng lập, là người xây dựng nền móng và định hướng chiến lược của Quỹ. Đồng thời, bà cũng là người truyền cảm hứng sâu sắc cho cộng đồng về tinh thần cống hiến và tâm huyết vô điều kiện. Điều đó tạo ra tiền đề cho chúng tôi nhận được sự quan tâm và tin tưởng từ những ngày đầu thành lập.
Nhưng chính sự tận tâm, chuyên nghiệp và minh bạch là nguyên nhân khiến chúng tôi duy trì được sự tin tưởng hợp tác đó, và xây dựng mạng lưới ngày một lớn mạnh trên hành trình 10 năm qua.
Ở Việt Nam trước đây, chúng ta thấy có rất nhiều tổ chức quốc tế hoạt động và họ đã giúp đỡ chúng ta rất nhiều. Nhưng khi nước ta vươn lên là nước có thu nhập trung bình, nhiều tổ chức quốc tế đã và đang rút dần hoạt động. Đây chính là lúc cần sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, có trách nhiệm trong nước.
Chúng tôi cho rằng việc huy động nguồn lực trong nước là một bước đi cần thiết và dài hạn. Không ai hiểu và thương cộng đồng của mình hơn chính những người đang sống và làm việc trong cộng đồng đó.
Minh chứng sinh động là các dự án ý nghĩa của Quỹ đã thu hút rất nhiều nhà tài trợ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong nước khác tham gia. Những đối tác đa dạng này không chỉ góp phần quan trọng vào nguồn lực tài trợ mà còn giúp Quỹ mở rộng phạm vi và chiều sâu của các dự án, tạo ra tác động tích cực cho cộng đồng.
Ngay từ khi thành lập, Quỹ VTVV đã quyết tâm xây dựng một tổ chức hoạt động minh bạch, hiệu quả và đáng tin cậy đối với cộng đồng. Để đạt được điều đó, chúng tôi luôn giữ sự minh bạch về tài chính và kiện toàn bộ máy quản lý.
Quỹ tuân thủ nghiêm túc các quy định của cơ quan quản lý Nhà nước về tổ chức hoạt động của Quỹ xã hội - từ thiện. Chúng tôi cũng định kỳ báo cáo tài chính, báo cáo hoạt động với cơ quan chủ quản của Quỹ là Bộ Nội Vụ và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, và trao đổi thường xuyên để kịp thời được giải đáp các thắc mắc, hướng dẫn triển khai sao cho hiệu quả và đúng quy định.
Bên cạnh đó, Quỹ luôn duy trì mối liên kết chặt chẽ với các đối tác, tổ chức và nhà tài trợ. Chúng tôi chủ động trao đổi thông tin, cập nhật tiến độ thường xuyên để đối tác có thể yên tâm về mức độ minh bạch và hiệu quả mà Quỹ mang lại. Đây là yếu tố quan trọng giúp Quỹ thu hút và duy trì mối quan hệ lâu dài với nhiều đối tác trong nước và quốc tế. Việc duy trì quan hệ chặt chẽ này giúp cho nguồn tài trợ đến với Quỹ không chỉ ổn định mà còn tăng qua mỗi năm, và các hỗ trợ về nhân lực, chuyên môn cũng ngày càng đa dạng, phong phú.
Gần đây, việc “check VAR” sao kê tiền từ thiện đã tạo sự đồng thuận rất lớn trong xã hội. Với Quỹ VTVV, chúng tôi cũng đã để các nhà từ thiện tự “check VAR” từ lâu. Nhà tài trợ chỉ cần vào trang web của Quỹ, chọn chương trình đang gây quỹ và tài trợ bất cứ khoản tiền nào, khi tiền về tài khoản của Quỹ sẽ ngay lập tức hiện lên danh sách đóng góp trên màn hình.
Một yếu tố quan trọng khác là tinh thần cầu thị, sẵn sàng học hỏi của Quỹ. Đội ngũ nhân sự của Quỹ luôn được khuyến khích phát triển năng lực thông qua các chương trình đào tạo và học hỏi từ các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế. Chính sự tận tâm, trách nhiệm của từng thành viên đã giúp Quỹ đạt được những thành tựu như hôm nay, xây dựng được lòng tin từ cộng đồng và các đối tác trong và ngoài nước.
Thấu hiểu là giá trị cốt lõi trong mọi hoạt động của Quỹ VTVV, bởi chúng tôi hiểu rằng, chỉ khi đặt mình vào hoàn cảnh của người khác và thật sự thấu hiểu nhu cầu, khó khăn của họ, chúng tôi mới có thể tạo ra những thay đổi ý nghĩa và lâu dài.
Các hoạt động của Quỹ đều được khảo sát, thực hiện và đánh giá kỹ lưỡng về nhu cầu và hiệu quả với người hưởng lợi, để đảm bảo dự án thật sự “thấu hiểu” và mang đến những điều mà cộng đồng mong muốn. Chúng tôi cũng kết nối sát sao với chính quyền địa phương, hội đoàn thể để có được sự đánh giá toàn diện, cũng như giám sát, điều chỉnh kịp thời. Chính từ sự thấu hiểu này, Quỹ không ngừng nỗ lực để xây dựng và triển khai các chương trình hướng đến những cải thiện thực chất cho cuộc sống của người dân, đặc biệt là những nhóm yếu thế. Chúng tôi tin rằng từ thấu hiểu sẽ tạo thay đổi.
Việt Nam đang vươn mình phát triển và đạt được vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên các vấn đề mà xã hội đối mặt cũng còn rất nhiều. Chúng tôi thấu hiểu các khó khăn đó, đồng thời cũng thấu hiểu được sự hữu hạn của nguồn lực của mỗi cá nhân, tổ chức. Vì vậy chúng tôi lựa chọn mắt xích mà chúng tôi cho rằng quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định trong việc phát triển tương lai của đất nước và giải quyết các vấn đề xã hội, đó chính là yếu tố “con người”. Chúng tôi lựa chọn lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho thế hệ trẻ, bao gồm cả thể lực và trí lực, cùng với việc bảo vệ trẻ em là các mục tiêu chiến lược để xây dựng các chương trình hành động của mình.
Trong hành trình đồng hành cùng Quỹ, bà chắc hẳn đã đi thực địa nhiều nơi, trải nghiệm nhiều sự việc. Bà có thể chia sẻ những câu chuyện, cảm xúc ấn tượng nhất của bà qua những chuyến đi ấy?
Chuyến đi đáng nhớ với tôi là chuyến lên điểm trường Huôi Xái, thuộc trường Tiểu học Tri Lễ 4, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An năm 2019. Điểm trường này chỉ có giáo viên nam mà không có bất kỳ giáo viên nữ nào do đường lên đó cực kỳ khó khăn. Chúng tôi lên trường trong một ngày mưa cuối năm. Đường lên trường không đi được ô tô mà phải đi bằng xe máy. Thầy giáo đã đợi sẵn ở chân núi để đưa chúng tôi lên. Nhưng trời mưa trơn trượt, chúng tôi hầu như phải đi bộ trên quãng đường hơn 16 km và phải mất 5 tiếng mới lên đến nơi.
Đến nơi, thấy cảnh trường lớp tạm bợ, mưa dột, lạnh buốt, tôi thực sự cảm thấy xót xa, thương các em nhỏ và khâm phục các giáo viên cắm bản. Những hình ảnh của chuyến đi ngày hôm ấy là động lực rất lớn để tôi và các thành viên của Quỹ nỗ lực hơn nữa để giúp các em nhỏ tại điểm trường Huôi Xái nói riêng và các em nhỏ vùng sâu vùng xa nói chung.
Một chuyện nữa cũng khiến tôi rất xúc động là nghe người dân địa phương nơi có cây cầu Vì Tầm Vóc Việt 3 do Quỹ kết hợp với báo Tiền Phong, Tỉnh Đoàn Tuyên Quang xây dựng tại xã Sinh Long, huyện Na Hang đã giúp bà con rất nhiều, ví dụ như bán trâu bò lợn gà được giá cao hơn, mua vật liệu xây nhà, phân bón rẻ hơn vì đỡ phí vận chuyển… Nhiều gia đình chuyển về ở sau khi có cây cầu. Kinh tế phát triển, trẻ em cũng được lo học hành tốt hơn.
Hơn 1 triệu lượt TNV đã đồng hành cùng chúng tôi trong suốt 10 năm qua, tôi nghĩ rằng đây là một con số cũng rất đáng tự hào của tổ chức. TNV của Quỹ không chỉ tham gia các hoạt động từ thiện mà còn tham gia với vai trò chuyên gia, cố vấn cho các hoạt động phát triển.
Tôi nghĩ rằng, kinh nghiệm tốt nhất mà chúng tôi làm được là vai trò cầu nối. Chúng tôi hiểu rằng, rất nhiều cá nhân đều mang trong mình sự thôi thúc thực hiện các hoạt động vì cộng đồng, nhưng chưa có điều kiện hoặc thời gian để thực hiện. Vì vậy, chúng tôi tạo ra nhiều cơ hội đồng hành cho họ, khuyến khích họ tham gia các hoạt động ý nghĩa cùng chúng tôi. Đó là các chuyến đi tặng quà cho trẻ vùng cao, xây dựng công trình dân sinh, những hoạt động phát triển thanh niên, người lao động trong các khu công nghiệp, v. v.
Quỹ cũng luôn tuyển TNV công khai để thu hút nhiều TNV mới đến các chương trình. Có những TNV đi cả trăm cây số về Hà Nội để cùng chúng tôi tiếp tục đi thêm vài trăm cây số nữa đến các điểm trường. Có những TNV chuyến nào cũng có mặt. Đó thực sự là những điều đáng quý và là động lực cho chúng tôi tiếp tục hành trình này.
Ngoài ra, Quỹ cũng phát triển một cộng đồng thanh niên có tấm lòng nhân ái qua việc tổ chức các tọa đàm về văn hóa chia sẻ, hỗ trợ các sáng kiến vì cộng đồng. Đây là “của để dành” của chúng tôi hiện tại và trong tương lai.
Đồng thời, Quỹ luôn chú trọng đến việc ghi nhận và tôn vinh đóng góp của TNV thông qua các lễ tổng kết và cấp chứng nhận hoạt động. Chúng tôi xem TNV của Quỹ không chỉ là những người hỗ trợ mà còn là những đại sứ lan tỏa thông điệp và giá trị của Quỹ đến với cộng đồng rộng lớn hơn.
Soi chiếu lại thì toàn bộ các chương trình mục tiêu của Quỹ đều đóng góp cho các mục tiêu phát triển bền vững của Chính phủ. Sự hợp tác chặt chẽ với các cấp chính quyền giúp chúng tôi không chỉ đáp ứng được các tiêu chuẩn và quy định theo pháp luật Việt Nam mà còn tăng khả năng lan tỏa, nhân rộng mô hình trên nhiều địa phương.
Chính quyền địa phương, các cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội cũng hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong việc cung cấp thông tin sâu sát nhất về tình hình, nhu cầu của cộng đồng địa phương, giám sát việc triển khai dự án, huy động thêm nguồn lực địa phương trong các chương trình, hoạt động của Quỹ.
Đối với cơ quan chủ quản của Quỹ là Bộ Nội vụ, Quỹ đảm bảo tuân thủ nghiêm túc các quy định của cơ quan quản lý nhà nước về tổ chức hoạt động của Quỹ xã hội - từ thiện. Chúng tôi cũng định kỳ báo cáo tài chính, báo cáo hoạt động lên Bộ Nội vụ và trao đổi thường xuyên để kịp thời được giải đáp các thắc mắc, hướng dẫn triển khai sao cho hiệu quả và đúng quy định.
Nếu chọn 3 điều hài lòng, đáng nhớ nhất trong 10 năm qua của Quỹ, đó là những điều gì thưa bà?
Thứ nhất, chúng tôi hài lòng về bộ máy quản lý và đội ngũ nhân viên. Trải qua 10 năm, Quỹ dần hình thành và phát triển, củng cố bộ máy và ngày càng chuyên nghiệp hóa, năng động, sáng tạo và đảm bảo tính tuân thủ, thực thi các quy định của pháp luật.
Thứ hai là hài lòng về sự sáng tạo, thích ứng của Quỹ với những thay đổi về kinh tế, xã hội, môi trường trong nước và quốc tế. Quỹ luôn nhìn nhận các thay đổi đó vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Quỹ phát triển và triển khai các ý tưởng mới, các giải pháp mới.
Thứ ba, chúng tôi tự hào vì đã xây dựng và kết nối được với mạng lưới nguồn lực hỗ trợ đa dạng, từ các nhân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, đến các đối tác trong và ngoài nước trong các lĩnh vực hoạt động của mình, từ đó tạo ra sức mạnh tổng hợp, cùng chung tay giải quyết các vấn đề xã hội. Quỹ rất tự hào là đơn vị tiên phong và truyền cảm hứng cho các tổ chức, cá nhân khác; đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và bảo vệ trẻ em.
Trong suốt 10 năm qua, kiên trì với sứ mệnh “Vì tầm vóc Việt”, chúng tôi đã thực hiện hàng loạt chương trình để từng bước hiện thực hóa khát khao nâng cao tầm vóc, thể lực và trí lực người Việt; trong đó ưu tiên đầu tiên là trẻ em lứa tuổi học đường - lứa tuổi vàng quyết định 86% chiều cao tối đa của đời người.
Chương trình Sữa học đường tại Nghệ An là một trong những hoạt động lớn đầu tiên và xuyên suốt mà Quỹ và Tập đoàn TH khởi xướng, đồng hành cùng Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chuyên gia độc lập quốc tế. Chương trình đã tạo nền tảng để Chính phủ triển khai chương trình Sữa học đường Quốc gia.
Từ tiền đề đó, mô hình điểm “Bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam” được Quỹ phối hợp với các đơn vị triển khai trên 10 tỉnh thành trong cả nước đại diện 3 miền, tại 5 vùng sinh thái. Đây là cơ sở khoa học và thực tiễn để nhân rộng mô hình trên toàn quốc, hướng tới đề xuất xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường.
Dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển toàn diện của mỗi người. Tuy nhiên, như anh đã nhận xét, chế độ ăn uống hiện nay của nhiều gia đình Việt Nam thường thiếu sự cân bằng và chưa được dựa trên nền tảng khoa học dinh dưỡng. Điều này ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe mà còn đến sự phát triển thể chất và trí tuệ, nhất là ở lứa tuổi học đường.
Đây là lý do Quỹ và các đối tác triển khai mô hình điểm bữa ăn học đường phối hợp với trên 10 tỉnh, thành phố với 400 thực đơn. Những thực đơn này được xây dựng khoa học, cân đối dinh dưỡng và tuân thủ các tiêu chuẩn dinh dưỡng của Bộ Y tế, nhằm đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất và năng lượng cho sự phát triển toàn diện của học sinh. Những kết quả tích cực từ mô hình đang là cơ sở khuyến nghị các chính sách về dinh dưỡng học đường cho học sinh.
Ngoài ra, chúng tôi tin rằng, yếu tố quyết định giúp giải quyết vấn đề mất cân bằng về dinh dưỡng, chính là nâng cao nhận thức của người dân, bao gồm chính trẻ em, người chăm sóc trẻ và mỗi gia đình về thực hành dinh dưỡng hợp lý. Mỗi cá nhân cần hiểu và biết cách quản lý chế độ dinh dưỡng tốt nhất cho mình.
Vì vậy, Quỹ vẫn liên tục thực hiện các hoạt động truyền thông cho các đối tượng trên về các chủ đề liên quan; nỗ lực truyền thông cộng đồng về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ trong 1.000 ngày đầu đời, cho trẻ vị thành niên và trẻ trong lứa tuổi vàng (2 - 12 tuổi) nói chung với mong muốn từ những người gần gũi trẻ em nhất, đến cộng đồng xung quanh trẻ đều nhận thức được tầm quan trọng của dinh dưỡng học đường và thay đổi vì sự phát triển của trẻ.
Nhìn vào kinh nghiệm các quốc gia đã thành công trong việc xây dựng một nền tảng dinh dưỡng khoa học cho học sinh, Quỹ nhận thấy rằng việc luật hóa về tiêu chuẩn sữa học đường và bữa ăn học đường là đặc biệt quan trọng. Quỹ tin rằng, khi có sự đầu tư và chuẩn hóa, chúng ta có thể tạo ra một thói quen ăn uống tốt, khoa học, dần dần cải thiện sức khỏe cộng đồng và góp phần xây dựng một “triết lý” dinh dưỡng đúng đắn cho người Việt.
Mô hình bữa trưa học đường ở Nhật Bản là một minh chứng rõ ràng cho tầm nhìn chiến lược trong việc phát triển tầm vóc và thể lực quốc gia. Không chỉ dừng ở việc cung cấp dinh dưỡng, họ đã tạo nên một văn hóa ăn uống lành mạnh, có ảnh hưởng lâu dài đến thói quen và nhận thức của nhiều thế hệ.
Qua các chương trình sức khỏe học đường, Quỹ muốn không chỉ cải thiện sức khỏe của các em mà còn góp phần xây dựng một nền tảng giáo dục về dinh dưỡng, để từng em nhỏ đều hiểu rõ tầm quan trọng của việc ăn uống lành mạnh. Khi các em được hình thành thói quen tốt từ nhỏ, điều này không chỉ giúp nâng cao thể chất, chiều cao, sức khỏe tổng thể, mà còn góp phần xây dựng một thế hệ có ý thức về dinh dưỡng và lối sống lành mạnh. Mỗi đứa trẻ sẽ trở thành một “người thúc đẩy” tạo ra sự thay đổi trong chính gia đình, cộng đồng nhỏ của mình. Đây chính là chìa khóa để giải quyết bài toán về “tầm vóc” người Việt một cách lâu dài và bền vững.
Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng, để hiện thực hóa điều này cần sự chung tay rất nhiều của cộng đồng và các cấp chính quyền trung ương và địa phương, để chúng ta có thể cùng nhau xây dựng nên một mô hình dinh dưỡng hợp lý cho trẻ em Việt Nam, từ đó tạo nên những thế hệ toàn diện cả về tầm vóc và trí lực.
Trong suốt 10 năm qua, Quỹ VTVV đã không ngừng học hỏi và đúc kết nhiều kinh nghiệm quý báu khi triển khai các hoạt động cộng đồng, từ những chương trình quy mô nhỏ đến các dự án lớn hơn. Sự trưởng thành đó giúp Quỹ xây dựng bộ máy hoạt động ngày càng hoàn chỉnh và chuyên nghiệp hơn.
Hơn nữa, Quỹ cũng đã tạo dựng được uy tín nhất định trong lĩnh vực phát triển cộng đồng, góp phần xây dựng hình ảnh đáng tin cậy và một mạng lưới đối tác rộng rãi, từ các cơ quan nhà nước, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, đến các cá nhân có chung tầm nhìn vì cộng đồng. Đây là những thuận lợi quan trọng để Quỹ tiếp tục mở rộng quy mô và phạm vi các dự án, cũng như tìm kiếm thêm những nguồn lực mới để có thể hỗ trợ nhiều đối tượng hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Quỹ cũng phải đối mặt với thách thức trong bối cảnh xã hội và nền kinh tế gặp nhiều biến động. Đại dịch COVID vừa qua chưa lâu, cùng với thiên tai, dịch bệnh và nhiều vấn đề khác gây ra những khó khăn chung trên toàn cầu chứ không chỉ riêng tại Việt Nam. Kéo theo đó, nguồn lực tài chính và hỗ trợ của các nhà tài trợ cũng eo hẹp lại, và việc lựa chọn đối tác triển khai, dự án cũng như các quyết định tài trợ cũng khắt khe và đắn đo hơn.
Đây sẽ là thách thức lớn nhưng đồng thời cũng là cơ hội để Quỹ tiếp tục phát triển, cải thiện, và củng cố vị thế của mình trong lĩnh vực hoạt động xã hội. Chỉ bằng cách chuyên nghiệp hóa, minh bạch và chuẩn hóa quy trình tổ chức và vận hành, củng cố niềm tin của cộng đồng và các đối tác mới là con đường giúp cho Quỹ vượt qua thử thách.
Trong 10 năm từ 2025-2034, mục tiêu của Quỹ VTVV là trở thành quỹ xã hội hàng đầu Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.
Quỹ từ thiện được hiểu là “cứu trợ, giúp đỡ khẩn cấp”. Với mô hình quỹ xã hội, chúng tôi vẫn thực hiện hoạt động cứu trợ nhưng muốn hướng tới một kết quả lâu dài, phổ quát hơn. Sự khác biệt giữa quỹ từ thiện và quỹ xã hội như cách người ta vẫn nói là “cho con cá hay cho cần câu”.
Để thực hiện được việc “trao cần câu”, Quỹ sẽ tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các chương trình mục tiêu và dự án trọng điểm. Trong đó, Quỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy các chính sách liên quan đến phát triển sức khỏe học đường và dinh dưỡng người Việt, nhằm góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Chúng tôi sẽ thực hiện hiệu quả vai trò cầu nối với các bên liên quan nhằm huy động và quản lý nguồn lực hiệu quả, mang lại tác động tích cực và bền vững cho cộng đồng, đặc biệt là đối tượng yếu thế. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu kết nối mạng lưới ở cấp độ khu vực và quốc tế để học hỏi mô hình tiên tiến trong các hoạt động phát triển cộng đồng, gây quỹ từ các nguồn trong và ngoài nước.