Quy trình xử lý tàu bay xâm phạm vùng trời Việt Nam

Lực lượng quân đội sẽ tiến hành bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay hạ cánh để xử lý tàu bay xâm phạm vùng trời Việt Nam.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 139/2024 (có hiệu lực kể từ ngày 9-12-2024), quy định thể thức bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.

Theo đó, một tàu bay bị bay chặn khi có hành động vi phạm vùng trời Việt Nam. Tàu bay bị bay kèm khi có hành động vi phạm phép bay.

Tàu bay bị bay ép hạ cánh tại các cảng hàng không, sân bay nếu thuộc một trong các trường hợp sau: (1)Tàu bay đang bay trong vùng trời Việt Nam bị can thiệp bất hợp pháp; (2) Tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam bị bay chặn, bay kèm nhưng không chấp hành hành động của tàu bay Quân đội nhân dân Việt Nam đang thực hiện bay chặn, bay kèm.

Điều 3 của nghị định này cũng giải thích bay chặn là hành động của tàu bay Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp cận tàu bay vi phạm ở vị trí phù hợp và phát đi các ký, tín hiệu nhằm ngăn chặn không cho tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam.

 Quân đội sẽ ra lệnh cho những tàu bay quân sự của mình ra để xử lý những tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam. Ảnh: VŨ HỘI

Quân đội sẽ ra lệnh cho những tàu bay quân sự của mình ra để xử lý những tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam. Ảnh: VŨ HỘI

Bay kèm là hành động của tàu bay Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện bay ở vị trí phù hợp với tàu bay vi phạm để dẫn dắt, hướng dẫn bay cho đến khi kết thúc vi phạm.

Bay ép tàu bay vi phạm hạ cánh là hành động của tàu bay Quân đội nhân dân Việt Nam bay ở vị trí phù hợp với tàu bay vi phạm để phát đi các ký, tín hiệu và buộc tàu bay vi phạm hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.

Về quy trình xử lý tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam, Điều 12 của nghị định cũng nêu rõ: Cơ quan quản lý vùng trời, quản lý điều hành bay thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân khi phát hiện hoặc tiếp nhận thông tin tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam phải kịp thời báo cáo người chỉ huy cấp mình, sở chỉ huy cấp trên và thông báo cho các đơn vị quản lý bay hàng không dân dụng và các cơ quan, đơn vị hiệp đồng liên quan.

Khi có lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lực lượng Không quân thực hiện tiến hành bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.

Trường hợp tiếp nhận thông tin tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam từ Quân chủng Hải quân, các Quân khu hoặc các cơ sở quản lý không lưu hàng không dân dụng phải tiến hành xác minh thông tin trước khi báo cáo chỉ huy và xin lệnh bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay

Đối với các cơ sở điều hành bay hàng không dân dụng tại cảng hàng không, sân bay có tàu bay vi phạm hạ cánh. Trường hợp triển khai bay chặn, bay kèm, bay ép đối với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại sân bay chỉ định, cơ sở điều hành bay hàng không dân dụng thực hiện nhiệm vụ sau:

- Hiệp đồng, phối hợp với đơn vị quân đội liên quan trong quá trình thực hiện bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.

- Thiết lập liên lạc với đơn vị chỉ huy bay chặn, bay kèm, bay ép; tiếp tục duy trì liên lạc hai chiều với tàu bay bay chặn, bay kèm, bay ép và cung cấp cho tàu bay này những thông tin đã biết liên quan đến tàu bay vi phạm.

- Thông báo cho cơ sở điều hành bay kế cận nếu tàu bay vi phạm bay vào khu vực trách nhiệm của cơ sở điều hành bay này.

- Sau khi tàu bay vi phạm hạ cánh an toàn tại Cảng hàng không, sân bay chỉ định. Cơ sở điều hành bay hướng dẫn tàu bay vi phạm lăn vào vị trí đỗ.

Về thẩm quyền quyết định, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ là người ra lệnh thực hiện bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.

Thủ tướng Chính phủ sẽ là người quyết định bay chặn, bay kèm, bay ép đối với tàu bay chuyên cơ vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.

Lưu ý, nghị định này không áp dụng đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ.

ĐẶNG LÊ

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/quy-trinh-xu-ly-tau-bay-xam-pham-vung-troi-viet-nam-post816816.html
Zalo