Quy trình chỉ định nhân sự tại chỗ với các đảng bộ cấp tỉnh sau sáp nhập
Theo quy định của Bộ Chính trị, việc chỉ định nhân sự tại chỗ đối với các đảng bộ cấp tỉnh sau sáp nhập gồm 3 bước. Trong đó, nhân sự được giới thiệu, lựa chọn phải đạt tỷ lệ phiếu đồng ý trên 50%.
Nội dung này được đề cập trong Chỉ thị số 45 về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, do Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành. Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 35 ngày 14/6/2024 và Kết luận số 118 của Bộ Chính trị về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Chỉ thị số 35.

Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII.
Chỉ thị nêu rõ quy trình chỉ định nhân sự từ nguồn tại chỗ đối với các đảng bộ cấp tỉnh sau khi hợp nhất, sáp nhập, gồm 3 bước.
Bước 1 là xây dựng và thông qua đề án nhân sự cấp ủy khóa mới.
Ở bước này, căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng nêu tại Chỉ thị của Bộ Chính trị, căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đảng bộ sáp nhập nhiệm kỳ 2025-2030 và tình hình đội ngũ cán bộ, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy (sau khi hợp nhất, sáp nhập) chỉ đạo xây dựng đề án nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra cấp ủy nhiệm kỳ 2025-2030.
Những nội dung này sẽ được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua trước khi trình ban chấp hành đảng bộ tỉnh, thành phố thảo luận, biểu quyết thông qua theo quy định.
Bước 2 là Hội nghị ban thường vụ cấp ủy.
Theo Chỉ thị của Bộ Chính trị, căn cứ đề án nhân sự cấp ủy khóa mới được cấp có thẩm quyền thông qua và danh sách nguồn nhân sự, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương thảo luận, thông qua danh sách nhân sự đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định và tiến hành ghi phiếu giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín.
Nguyên tắc giới thiệu nhân sự được Bộ Chính trị quán triệt là nhân sự được giới thiệu, lựa chọn phải đạt tỷ lệ phiếu đồng ý trên 50% tổng số đại biểu được triệu tập. Kết quả kiểm phiếu được công bố tại hội nghị.
Bước 3 là Hội nghị ban chấp hành đảng bộ.
Bộ Chính trị nêu rõ, trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự ở bước 2, ban chấp hành đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thảo luận và biểu quyết giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín.
Theo quy định của Bộ Chính trị, nhân sự được giới thiệu, lựa chọn phải đạt tỷ lệ phiếu đồng ý trên 50% tổng số đại biểu được triệu tập. Kết quả kiểm phiếu được công bố tại hội nghị.
Đối với đảng bộ các xã, phường, đặc khu thành lập mới, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng, quy trình theo quy định và tình hình thực tiễn đội ngũ cán bộ để cụ thể hóa, thực hiện việc chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư nhiệm kỳ 2025-2030 theo thẩm quyền.
Theo Chỉ thị số 45, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng tổ chức vào đầu năm 2026 là sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, trọng đại của đất nước. Đây cũng là dấu mốc đặc biệt trên con đường phát triển, mở ra kỷ nguyên mới, "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc".
Đặc biệt, theo Bộ Chính trị, đây là thời điểm tiến hành mạnh mẽ cuộc cách mạng toàn diện, đồng bộ về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Trước đó, Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII thống nhất cao các chủ trương tổ chức chính quyền địa phương gồm cấp tỉnh và cấp xã. Sau sáp nhập cả nước còn 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương, giảm 60-70% số đơn vị hành chính cấp xã so với hiện hành.