Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF): Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng bền vững, nhưng rủi ro tăng

Triển vọng kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương dường như có phần tươi sáng hơn; song, giữa lúc các rủi ro đối với tăng trưởng gia tăng, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, khu vực này cần có những chính sách thận trọng.

Các container hàng hóa xuất khẩu tại cảng Busan, Hàn Quốc. Ảnh minh họa: Yonhap/TTXVN

Các container hàng hóa xuất khẩu tại cảng Busan, Hàn Quốc. Ảnh minh họa: Yonhap/TTXVN

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương mới nhất được IMF công bố ngày 1/11, tăng trưởng kinh tế của khu vực này được dự báo sẽ ở mức vừa phải trong năm nay và năm sau, trong bối cảnh động lực tăng trưởng kinh tế sau đại dịch suy yếu, và các yếu tố nhân khẩu học như già hóa dân số ngày càng kìm hãm hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, IMF cho rằng, triển vọng ngắn hạn của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương có phần thuận lợi hơn so với dự báo được đưa ra trước đó hồi tháng 4/2024. Khu vực này cũng sẽ đóng góp khoảng 60% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2024.

IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực năm 2024 thêm 0,1 điểm phần trăm, lên mức 4,6%, nhờ vào những kết quả vững chắc trong 6 tháng đầu năm nay. Theo đó, tăng trưởng kinh tế ở nhiều quốc gia đã tăng mạnh một cách đáng ngạc nhiên, hầu hết khu vực được hưởng lợi từ nhu cầu xuất khẩu mạnh mẽ trong nửa đầu năm nay. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng cá nhân đóng vai trò là trụ cột tăng trưởng ở các nền kinh tế mới nổi, nhưng lại suy yếu ở các nền kinh tế tiên tiến. IMF cho rằng, một phần nguyên nhân là do tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ trong quá khứ.

Về lạm phát, IMF dự báo lạm phát sẽ trở lại mức mục tiêu chính sách ở hầu hết các quốc gia vào đầu năm tới. Trong năm 2025, chính sách tiền tệ nới lỏng hơn sẽ hỗ trợ hoạt động kinh tế khi các ngân hàng trung ương tiếp tục quyết định nới lỏng, điều này cũng thúc đẩy IMF nâng dự báo tăng trưởng của khu vực năm 2025 từ 4,3% lên mức 4,4%.

Mặc dù vậy, IMF lưu ý: “Rủi ro hiện đang nghiêng về phía giảm”. Những báo cáo gần đây từ các tổ chức khác như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đã nêu bật những thách thức tương tự.

Một lo ngại là nhu cầu xuất khẩu vốn thúc đẩy tăng trưởng cho phần lớn khu vực sẽ giảm nhiều hơn dự kiến. Chính sách tiền tệ đã bị trì hoãn ở nhiều nơi trên thế giới cho đến gần đây, nhưng khi lạm phát hạ nhiệt, lãi suất chính sách thực tế đã tăng, điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động toàn cầu và do đó ảnh hưởng lên xuất khẩu.

Hơn nữa, căng thẳng và xung đột leo thang cũng gây ra một rủi ro khác, đặc biệt là nếu tình trạng này gây ra tác động lan tỏa đến thị trường hàng hóa và tài chính, hoặc dẫn đến chi phí thương mại cao hơn.

Qua đó, IMF nhấn mạnh: “Cần phải có biện pháp quản lý kinh tế vĩ mô thận trọng và nhanh nhạy để chèo lái các nền kinh tế khu vực trong giai đoạn sắp tới”.

LÊ THẢO (Lược dịch từ WSJ & Reuters)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/quy-tien-te-quoc-te-imf-kinh-te-chau-a-thai-binh-duong-tang-truong-ben-vung-nhung-rui-ro-tang-147635.html
Zalo