Quỹ Phòng, chống thiên tai - Nguồn trợ lực quan trọng

Quỹ Phòng, chống thiên tai (PCTT) - nguồn kinh phí có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đây là nguồn ngoài ngân sách để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, việc thu quỹ này không đạt theo kế hoạch đề ra, do đang gặp không ít khó khăn.

Quỹ PCTT được sử dụng để hỗ trợ hoạt động PCTT. Trong đó, chủ yếu được sử dụng để cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do thiên tai; hỗ trợ tu sửa nhà ở, cơ sở y tế, trường học; xử lý vệ sinh môi trường vùng thiên tai...

Với ý nghĩa đó, Quỹ PCTT tỉnh được thành lập năm 2015, tổ chức thực hiện thu quỹ từ năm 2017. Sau đó, khi Nghị định số 78/2021/NÐ-CP ngày 1/8/2021 của Chính phủ có hiệu lực, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 357/QÐ-UBND ngày 7/2/2022 về kiện toàn Quỹ PCTT tỉnh. Tuy nhiên, việc thu quỹ này những năm qua đều không đạt kế hoạch đề ra.

Cụ thể, năm 2024, Quỹ PCTT chỉ thu đạt 48,09% chỉ tiêu, tức tương đương gần 8 tỷ đồng so với hơn 16,4 tỷ đồng theo kế hoạch; hay như 2 năm trước đó (2022 và 2023), việc thu Quỹ PCTT cũng không đạt kế hoạch.

Công trình đê ngăn triều cường cần nguồn lực đầu tư rất lớn. (Trong ảnh: Triều cường ngày 21/11/2024 gây ngập sâu tuyến Quốc lộ 1 tại khu vực xã Trần Thới, huyện Cái Nước).

Công trình đê ngăn triều cường cần nguồn lực đầu tư rất lớn. (Trong ảnh: Triều cường ngày 21/11/2024 gây ngập sâu tuyến Quốc lộ 1 tại khu vực xã Trần Thới, huyện Cái Nước).

Kết quả thu quỹ không đạt theo kế hoạch đề ra do rất nhiều nguyên nhân. Theo ông Ðặng Minh Khởi, Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển: "Việc thu quỹ năm 2024 không đạt ở các tổ chức kinh tế, chỉ khoảng 30,8%. Một phần do số doanh nghiệp bị giải thể và ngừng hoạt động, một số chưa đi vào hoạt động... Việc thu quỹ thời gian qua chủ yếu dựa vào công tác tuyên truyền, vận động là chính, chưa thể áp dụng các hình thức xử phạt theo quy định".

Phú Tân là huyện ven biển, người dân trên địa bàn bị ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai, nhất là tình trạng triều cường, nước biển dâng, sạt lở và gió mạnh trên biển. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện: "Khi nước dâng, hầu hết các xã ven biển bị ngập, song những giải pháp để ngăn triều cường hiện nay vẫn chưa thể đảm bảo, chủ yếu vẫn là xử lý cục bộ từ trong dân. Từ đó, khi xảy ra triều cường cao, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Kết quả thu Quỹ PCTT thời gian qua, chủ yếu là thu trong cán bộ, công chức là chính, còn lại ở các doanh nghiệp thì việc thu quỹ rất khó khăn".

Cà Mau đang phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai, từ mùa khô cho đến mùa mưa bão, do đó, công tác PCTT cần nguồn kinh phí rất lớn, trong khi ngân sách còn hạn chế, nên nguồn lực tài chính từ Quỹ PCTT, nguồn huy động, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân... có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng, chống và phục hồi tái thiết sau thiên tai.

Riêng năm 2024, tỉnh đã huy động, vận động nhiều nguồn lực để triển khai khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai với tổng kinh phí khoảng 36,7 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi: "Từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách địa phương và Quỹ PCTT tỉnh... thời gian qua, tỉnh kịp thời tổ chức đoàn thăm hỏi, nhằm động viên, hỗ trợ các hộ bị ảnh hưởng thiên tai sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất".

Hiện nay, do nguồn kinh phí hạn chế nên nhiều khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai vẫn chưa được khắc phục.

Hiện nay, do nguồn kinh phí hạn chế nên nhiều khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai vẫn chưa được khắc phục.

Thời gian qua, từ các nguồn huy động, vận động đã góp phần quan trọng giúp người dân vùng thiên tai sớm ổn định cuộc sống và phục hồi sản xuất. Cụ thể, trong năm 2024, có hơn 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán được hỗ trợ, với tổng kinh phí 5,5 tỷ đồng; khoảng 2.700 hộ được hỗ trợ khôi phục sản xuất lúa, rau màu bị thiệt hại do thiên tai; hỗ trợ kinh phí khắc phục sạt lở bờ sông khu vực Tiểu khu 224, hỗ trợ sửa chữa nhà bị thiệt hại do thiên tai, cắm biển cảnh báo sạt lở... với tổng kinh phí 710 triệu đồng. Các hội đoàn thể tổ chức vận động hỗ trợ 20 hộ dân bị thiệt hại về nhà; hỗ trợ 314 bồn nước, 1.455 bình nước lọc, 200 áo cứu sinh...

Tuy nhiên, hiện nay nguồn ngân sách tỉnh, Quỹ PCTT tỉnh còn hạn chế nên khó khăn trong việc bố trí kinh phí cho công tác phòng ngừa, ứng phó và hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai. Liên quan đến công tác thu Quỹ PCTT, ông Mã Tấn Cọp, Phó giám đốc Sở Tài chính, cho rằng, hiện tại theo quy định (Nghị định số 03/2022/NÐ-CP ngày 6/1/2022 của Chính phủ) đã có chế tài để xử phạt hành chính đối với việc không thực hiện nộp, thu Quỹ PCTT. Tuy nhiên, thời gian qua, kể từ khi Nghị định có hiệu lực đến nay chỉ thực hiện bước đầu, tức chỉ dừng lại với việc tuyên truyền là chính mà chưa thực hiện các chế tài theo quy định. Ðể việc thu quỹ thời gian tới đạt theo kế hoạch, kiến nghị UBND tỉnh cần xây dựng kế hoạch để tiến hành kiểm tra, giám sát.

Từ hiệu quả thực tiễn đã khẳng định, Quỹ PCTT có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Ðối với tỉnh Cà Mau, đây càng trở nên là một nguồn lực tài chính quan trọng để hỗ trợ người dân trong điều kiện ngân sách tỉnh còn hạn chế và tình hình thực tế thiên tai ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân gần như quanh năm.

Theo Nghị định số 03/2022/NÐ-CP ngày 6/1/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCTT; thủy lợi; đê điều; tại Ðiều 17 có quy định trong vi phạm về đóng Quỹ PCTT. Theo đó, mức phạt có thể từ 300 ngàn đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi không đóng Quỹ PCTT, tùy theo từng mức đóng quỹ. Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài khi thực hiện hành vi không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ danh sách kế hoạch thu, nộp Quỹ PCTT của các cá nhân do mình quản lý cho cơ quan có thẩm quyền. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đóng Quỹ PCTT đối với hành vi vi phạm.

Song Nguyễn

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/quy-phong-chong-thien-tai-nguon-tro-luc-quan-trong-a38412.html
Zalo