Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá hoạt động thế nào 10 năm qua?
Được thành lập từ năm 2013 đến nay, Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá là nguồn kinh phí hỗ trợ chính để tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trên toàn quốc. Qua 10 năm hoạt động, Quỹ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc sử dụng thuốc lá.
Quỹ phòng chống tác hại (PCTH) của thuốc lá được tổ chức và hoạt động theo Quyết định số 47/2013/QĐ-TTg ngày 29/07/2013 Thủ tướng Chính phủ. Quỹ PCTH của thuốc lá là Quỹ quốc gia, trực thuộc Bộ Y tế.
Theo Báo cáo của Quỹ PCTH của thuốc lá, trong 10 năm qua, tổng kinh phí Quỹ PCTH của thuốc lá đã hỗ trợ cho hoạt động PCTH thuốc lá chiếm 99,16% kinh phí chi cho công tác PCTH thuốc lá trong cả nước. Kinh phí các Bộ, ngành và địa phương đã chi cho công tác PCTH thuốc lá là khoảng chiếm 0,84%.
Trong 10 năm qua, Quỹ đã hỗ trợ hơn 1.500 tỷ đồng cho hơn 100 đơn vị trên toàn quốc triển khai hoạt động PCTH của thuốc lá. Nhờ đó, công tác PCTH của thuốc lá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc sử dụng thuốc lá, giúp giảm tỷ lệ hút thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Việc thực hiện môi trường không khói thuốc có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là tại trường học, cơ quan công sở và trên các phương tiện giao thông công cộng. Tại các cuộc họp, hội thảo, hội nghị của các cơ quan công sở việc hút thuốc hầu như không còn. Nhiều sự kiện trong cộng đồng như đám cưới, đám tang... tại nhiều địa phương đã bỏ hoặc giảm hẳn việc mời hút thuốc lá.
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới trưởng thành (trên 15 tuổi) đã giảm từ 47,4% (năm 2010) xuống 42,3% (năm 2020) và 38,9% (năm 2022). Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong trong thanh thiếu niên giảm 50% từ 5,36% (2013) xuống còn 2,78% (2029). Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm tuổi từ 13-15 tuổi giảm từ 2,5% (2014) xuống 1,9% (2022).
Tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động giảm đáng kể tại hầu hết các địa điểm. So với năm 2010, thì đến năm 2022, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động tại nơi làm việc giảm 32,9% (từ 55,9% xuống 23%)...
Hoạt động truyền thông được thực hiện qua nhiều kênh, nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với các giai đoạn, mục tiêu truyền thông trong Chiến lược Quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá.
Nghiên cứu đánh giá hằng năm đối với các chiến dịch truyền thông do Quỹ hỗ trợ thực hiện từ năm 2014 đến năm 2018 được tiến hành độc lập bởi tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu (Vital Strategies) đã cho thấy 84% người hút thuốc lá nói rằng việc tiếp nhận các thông tin trong chiến dịch truyền thông khiến họ lo lắng hơn về tác hại của thuốc lá lên sức khỏe bản thân; 83% người hút thuốc lá lo lắng hơn về tác hại của thuốc lá sức khỏe gia đình họ; 50% số người hút thuốc được hỏi cho biết họ đã nhận được lời khuyên bỏ thuốc lá từ các thành viên gia đình mình sau khi tiếp cận các thông tin từ các chiến dịch truyền thông PCTH thuốc lá; 70% số người hút thuốc nói rằng họ đã cố gắng bỏ thuốc và 61% người không hút thuốc nói rằng họ đã khuyến khích người hút thuốc bỏ thuốc khi được tiếp nhận các thông tin từ chiến dịch truyền thông.
Bên cạnh đó, trong 10 năm qua, Quỹ đã hỗ trợ Tổng đài tư vấn cai nghiện thuốc lá (CNTL) miễn phí tại một số bệnh viện như: Bệnh viện Bạch Mai (1800-6606), Bệnh viện Nhân dân Gia Định (1800-1224) và Phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá tại 09 Bệnh viện trên cả nước, đồng thời nâng cao năng lực cho cán bộ y tế trong công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá thông qua đào tạo giảng viên nguồn về tư vấn cai nghiện thuốc lá; tập huấn kỹ năng tư vấn cai nghiện thuốc lá cho cán bộ y tế, triển khai thí điểm mô hình tư vấn tại các cơ sở y tế và cộng đồng như Phòng tư vấn trực tiếp, tư vấn tại Trạm Y tế xã/phường, hệ thống tin nhắn (mHealth).
Báo cáo của các bệnh viện nhận hỗ trợ của Quỹ cho thấy, trong giai đoạn 2015-2023, đã có hơn 208.000 lượt bệnh nhân được tư vấn CNTL. Trong số hơn 50.000 bệnh nhân được tư vấn chuyên sâu CNTL, đã có 8.630 người đã cai nghiện thành công trong 3 tháng; 3.200 người cai nghiện thành công trên 1 năm…
Trong 10 năm qua, Quỹ đã hỗ trợ 63 tỉnh, thành phố thực hiện nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá tại địa phương và hỗ trợ cho các trường Đại học thực hiện các nghiên cứu liên quan về PCTH thuốc lá; Hỗ trợ xây dựng nội dung và tổ chức đưa giáo dục về tác hại và PCTH thuốc lá vào chương trình giáo dục phù hợp với cấp học; Hỗ trợ chuyển đổi ngành cho người trồng cây thuốc lá…
Thông qua sự điều phối của Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, mạng lưới các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các trường đại học tham gia hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá ngày càng được mở rộng và hoạt động hiệu quả.
Những thành tựu trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá của Việt Nam được quốc tế ghi nhận. Năm 2018, Việt Nam là một trong các quốc gia, được trao giải thưởng toàn cầu vì những nỗ lực trong thực hiện công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.
Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá của Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới, các tổ chức Liên hiệp quốc đánh giá cao, đồng thời cũng là mô hình mà các nước đang phát triển hướng tới để có được nguồn kinh phí bền vững cho việc giảm tỷ lệ hút thuốc.
“Được thành lập năm 2013, Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá có nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá theo quy định tại Điều 29 Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, cụ thể như sau:
Truyền thông về tác hại của thuốc lá và phòng, chống tác hại của thuốc lá phù hợp với từng nhóm đối tượng;
Xây dựng, triển khai các mô hình điểm về cộng đồng, cơ quan, tổ chức không có khói thuốc lá; phát triển và nhân rộng các mô hình có hiệu quả;
Tổ chức các chiến dịch, sáng kiến về phòng, chống tác hại của thuốc lá dựa vào cộng đồng; tư vấn việc tổ chức nơi dành riêng cho người hút thuốc lá tại các địa điểm công cộng;
Tổ chức cai nghiện thuốc lá;
Xây dựng, triển khai các mô hình điểm về cai nghiện thuốc lá dựa vào cộng đồng và phát triển, nhân rộng các mô hình có hiệu quả;
Nghiên cứu đưa ra những bằng chứng phục vụ cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá;
Xây dựng, hỗ trợ hoạt động, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho mạng lưới cộng tác viên làm công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá;
Xây dựng nội dung và tổ chức đưa giáo dục về tác hại và phòng, chống tác hại của thuốc lá vào chương trình giáo dục phù hợp với các cấp học;
Thực hiện các giải pháp chuyển đổi ngành, nghề cho người trồng cây thuốc lá, chế biến nguyên liệu thuốc lá, sản xuất thuốc lá.