Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia: Cần có cơ chế để mọi người cùng chung tay

Nhiều chuyên gia cho rằng, nguồn vốn cho Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia không chỉ trông chờ từ Nhà nước, mà cần có cơ chế để tất cả mọi người chung tay vào.

Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia lấy tiền từ đâu?

Chính phủ đang xây dựng dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội để trình Quốc hội thẩm định, xem xét. Trong đó, Chính phủ đề xuất thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia.

Theo dự thảo Nghị quyết này, nguồn vốn hình thành Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia được lấy từ Ngân sách Nhà nước phân bổ hàng năm và các nguồn vốn huy động khác theo quy định của pháp luật.

Trong đó, các nguồn huy động khác bao gồm: Nguồn thu từ việc bán, cho thuê nhà ở thuộc tài sản công, nguồn thu từ các chủ dự án nhà ở thương mại đóng tương đương giá trị quỹ đất 20% đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở.

 Chính phủ đang đề xuất thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia. Ảnh: VNN

Chính phủ đang đề xuất thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia. Ảnh: VNN

Mặc dù vậy, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia huy động vốn từ 2 nguồn trên là không đủ. Bởi, mục tiêu của Việt Nam đặt ra trong giai đoạn 2021 - 2030 sẽ phải xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.

Thế nhưng, tới thời điểm hiện tại, dù thời gian đã đi được nửa chặng đường song mới chỉ đạt 10% mục tiêu đã đề ra. Như vậy, với khối lượng còn lại để hoàn thành mục tiêu là 90%, tương đương với 900.000 căn hộ nhà ở xã hội trong vòng 5 năm tới, nguồn vốn bỏ ra là “khổng lồ”.

Ông Lê Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng: Nếu sử dụng Quỹ nhà ở xã hội quốc gia để phát triển các dự án nhà ở xã hội sẽ không đủ, không có quỹ nào đủ lớn, đủ to để thực hiện tất cả các dự án. Tuy nhiên, trong trường hợp sử dụng Quỹ để thực hiện công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án nhà ở xã hội thì sẽ hiệu quả hơn.

Liên quan tới vấn đề này, ông Chử Văn Hải, Trưởng phòng Phát triển và Quản lý nhà ở xã hội, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: Bộ Xây dựng (cơ quan chủ trì) đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng lấy ý kiến thẩm định các cơ quan trước khi trình Quốc hội về dự thảo Nghị quyết này. Về nguồn vốn hoạt động của Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia, Bộ Xây dựng đang đề xuất có sự đóng góp Ngân sách Nhà nước.

Đối với nguồn tài chính khác, hiện có nhiều nguồn thu khác nhau đang được nghiên cứu để đưa vào dự thảo. Từ đó, Bộ Xây dựng sẽ xác định ngoài Ngân sách Nhà nước thì nên có thêm nguồn vốn huy động nào để báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

“Chúng tôi đang xây dựng nội dung cơ bản của Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia, trong thời gian tới, nếu thuận lợi, dự thảo Nghị quyết sẽ được thông qua tại các kỳ họp sắp tới”, ông Hải nói.

Chuyên gia hiến kế

Về vấn đề huy động vốn cho Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia, ông Đinh Minh Tuấn, chuyên gia của Property Guru Việt Nam cho rằng: Bài toán về nguồn vốn rất quan trọng.

Theo ông Tuấn, nguồn vốn cho Quỹ này không chỉ đến từ Nhà nước, mà cần có cơ chế để tất cả mọi người chung tay vào. Ví dụ, Chính phủ, Bộ Xây dựng cần quy định rõ trong Quỹ này nguồn vốn từ Nhà nước là 20%, 30% từ ngân hàng, 20% từ doanh nghiệp, 10% của người dân và 20% là của các tổ chức nước ngoài.

“Ngoài nguồn vốn, một cơ chế thông thoáng rút gọn cho thực hiện dự án trong Quỹ nhà ở quốc gia cũng là chìa khóa quyết định thành công của mô hình này”, ông Đinh Minh Tuấn nói.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế chia sẻ: Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc về việc thành lập Quỹ nhà ở quốc gia.

Theo ông Lực, Quỹ nhà ở quốc gia tại một số nước sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau như: Vốn ngân sách nhà nước, vốn từ việc phát hành trái phiếu dành cho dự án nhà ở xã hội, hoặc vốn đến từ chính tiền tiết kiệm của người mua nhà. Ví dụ, muốn mua nhà ở xã hội, dứt khoát người mua phải tiết kiệm, có thể trích ra từ nguồn thu nhập để cam kết có dòng tiền trả nợ cho ngôi nhà đó.

“Một số nước như Trung Quốc, Singapore dùng một phần quỹ bảo hiểm xã hội để thành lập quỹ. Cũng có trường hợp huy động nguồn vốn từ tổ chức tài chính trong nước, quốc tế tham gia. Với những nguồn vốn như thế tương đối khả thi”, ông Lực nói.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/quy-phat-trien-nha-o-xa-hoi-quoc-gia-can-co-co-che-de-moi-nguoi-cung-chung-tay-post341217.html
Zalo