Quỹ phát triển KH-CN quốc gia hướng đến mô hình vận hành chuyên nghiệp, hội nhập, hiệu quả hơn

Quỹ đang đứng trước thời điểm 'chuyển mình' quan trọng - hướng đến mô hình vận hành chuyên nghiệp, hội nhập và hiệu quả hơn.

Ngày 15.5, Quỹ phát triển KH-CN quốc gia tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ phát triển KH-CN quốc gia”.

Theo ông Đào Ngọc Chiến - Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ phát triển KH-CN quốc gia, hiện nay quỹ là cơ quan điều hành duy nhất các nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia, đảm nhận cả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và sản xuất.

Ông Phạm Đình Nguyên - Phó giám đốc Cơ quan điều hành quỹ cho biết thời gian qua chất lượng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ có chiều hướng tăng.

Số lượng các nhà khoa học chủ trì nhiệm vụ nghiên cứu cấp quốc gia cũng tăng và được trẻ hóa; nhiều nhiệm vụ được doanh nghiệp và tổ chức quốc tế tiếp tục tài trợ…; có sự cải thiện trong các chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), đóng góp giải quyết các vấn đề thực tiễn của Việt Nam.

Cảnh hội thảo - Ảnh: Bộ KH-CN

Cảnh hội thảo - Ảnh: Bộ KH-CN

Tuy nhiên, ông Nguyên cũng chỉ ra một số tồn tại, như kết nối giữa nghiên cứu cơ bản - ứng dụng - thương mại hóa chưa chặt chẽ; một số đề tài xuất sắc chưa nhận được sự hỗ trợ xứng đáng do các rào cản về cơ chế đánh giá, khoán chi, thời gian thực hiện…

Từ góc độ nhà khoa học, ông Phạm Ngọc Điệp - Trưởng phòng Vật lý thiên văn và vũ trụ (Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) đề xuất quỹ cần tiếp cận các thông lệ quốc tế, nâng cao chất lượng xét duyệt và phản biện khoa học.

Ngoài ra, ông Điệp cho rằng quỹ cũng cần xác định chiến lược ưu tiên, cân bằng giữa nghiên cứu cơ bản - nghiên cứu ứng dụng - phát triển công nghệ; phát triển nguồn nhân lực KH-CN trẻ, khuyến khích các nhóm nghiên cứu mới, tăng cường hỗ trợ cho nhà khoa học nữ…

Với vai trò là trụ cột tài chính cho các hoạt động nghiên cứu cấp quốc gia, quỹ đang đứng trước thời điểm “chuyển mình” quan trọng - hướng đến một mô hình vận hành chuyên nghiệp, hội nhập và hiệu quả hơn.

Trong thời gian tới, quỹ đặt kỳ vọng đưa Việt Nam vào nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về chỉ số công bố quốc tế/tỉ USD; chỉ số H-index thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN; tăng 15% số lượng đơn sáng chế, văn bằng bảo hộ mỗi năm.

Dự kiến quỹ sẽ hỗ trợ 40 - 50 tổ chức KH-CN được xếp hạng và các nhiệm vụ do quỹ tài trợ sẽ đóng góp thiết thực cho mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025, hướng tới tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026-2030...; qua đó hình thành hệ sinh thái nghiên cứu chất lượng cao, nâng cao hiệu quả tài trợ, đóng góp tích cực đối với kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và tăng cường vị thế khoa học của Việt Nam.

Ngày 9.5, Bộ KH-CN đã tổ chức lễ bàn giao công tác giữa Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước, Văn phòng các chương trình KH-CN quốc gia và Quỹ phát triển KH-CN quốc gia theo Quyết định số 489/QĐ-BKHCN ngày 8.4.2025 của Bộ trưởng Bộ KH-CN.

Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy, đây là lần đầu tiên Việt Nam thống nhất toàn bộ kinh phí hoạt động cho các nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia vào một cơ quan điều hành duy nhất là Quỹ phát triển KH-CN quốc gia.

Theo đó, Quỹ phát triển KH-CN quốc gia không chỉ tài trợ cho nghiên cứu cơ bản mà còn đảm nhận toàn diện các chương trình nghiên cứu ứng dụng và sản xuất.

Đây là mô hình tổ chức quản lý nhiệm vụ mang tính hiện đại, hội nhập quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học tiếp cận nguồn lực, giảm thiểu thủ tục hành chính, tăng tính linh hoạt và hiệu quả trong công tác quản lý.

Nhật Anh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/quy-phat-trien-kh-cn-quoc-gia-huong-den-mo-hinh-van-hanh-chuyen-nghiep-hoi-nhap-hieu-qua-hon-232627.html
Zalo