Quy Mông trồng ngô trên diện tích đao riềng mất trắng sau cơn bão số 3
Xã Quy Mông, huyện Trấn Yên đang tích cực vận động nhân dân tạm thời trồng cây ngô trên diện tích đao riềng đã chết do ảnh hưởng của cơn bão số 3, cho đến thời gian trồng vụ đao riềng năm 2025.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, nước ngập úng, khiến 57 ha đao riềng mất trắng, ảnh hưởng lớn tới quá trình sản xuất của 2 hợp tác xã, 7 tổ hợp tác và quá trình để củ giống trồng năm 2025. Để giảm bớt thiệt hại cho người dân, xã Quy Mông đã vận động nhân dân cơ cấu lại và sử dụng các giống cây trồng ngắn ngày để quay được nhiều vòng sản xuất trước khi bước vào vụ đao riềng mới.
Theo đó, Quy Mông chọn cây ngô để trồng trên diện tích đao riềng đã chết... với cơ cấu giống ngô tẻ: CP 111, CP 511, CP 512, SSC 586, SS 557, ngô nếp MX 4, MX 6… tại các thôn Thịnh Bình, Thịnh An, Thịnh Hưng và Thịnh Lợi. Ngoài nguồn giống người dân có thể tự chủ động, xã Quy Mông cũng đề nghị các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ giống để nhân dân trồng đủ diện tích.
Vụ đao riềng năm 2025, ngoài nguồn giống tự chủ của các hộ từ những diện tích không bị ngập, Quy Mông đề nghị các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ giống để nhân dân khôi phục diện tích, góp phần khôi phục làng nghề sản xuất miến đao.
Được biết, xã Quy Mông có trên 400 hộ tham gia trồng đao riềng với tổng diện tích 70 ha, là địa phương có diện tích đao riềng lớn nhất của huyện Trấn Yên cũng như của tỉnh. Trong đó quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung 62 ha tại 4 thôn, gồm: thôn Thịnh Bình, Thịnh An, Thịnh Hưng và Thịnh Lợi. Bình quân mỗi năm, người dân trồng đao riềng thu trên 5 nghìn tấn củ, trị giá trên 11 tỷ đồng.
Sản phẩm miến đao Quy Mông đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây cũng là 1 trong 3 sản phẩm OCOP của huyện Trấn Yên đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu sang thị trường Anh quốc thời gian qua.