Quy mô nền kinh tế ASEAN đạt 3.800 tỷ USD, đứng thứ 5 thế giới

Chiều 17-10, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị cung cấp thông tin về tình hình, định hướng hợp tác ASEAN.

Đại diện Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ thông tin. Ảnh: TH

Đại diện Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ thông tin. Ảnh: TH

Theo ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông), Việt Nam là một thành viên tích cực của ASEAN và đang chủ động triển khai nhiều chương trình và sáng kiến hợp tác để nâng cao vai trò, vị thế của ASEAN nói chung cũng như vai trò của Việt Nam nói riêng, đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Đại diện Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao) chia sẻ thông tin. Ảnh: TH

Đại diện Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao) chia sẻ thông tin. Ảnh: TH

Tham luận với chủ đề “Thúc đẩy kết nối và tự cường - Thành tựu và định hướng ưu tiên của ASEAN trong giai đoạn tới”, Vụ trưởng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao) Trần Đức Bình cho hay, sau 8 năm triển khai kế hoạch xây dựng cộng đồng ASEAN, đến năm 2023, GDP khu vực ASEAN tăng 51%, quy mô nền kinh tế đạt 3.800 tỷ USD, đứng thứ 5 trên thế giới.

Tốc độ tăng trưởng chung của ASEAN là 4,2%. Vốn đầu tư FDI vào khu vực ASEAN năm 2023 đứng thứ 2 toàn cầu (chỉ sau Mỹ). Quy mô nền kinh tế ASEAN dự kiến đứng thứ 4 trên thế giới vào năm 2030. Ở thời điểm đó, quy mô nền kinh tế số ASEAN dự báo là 2.000 tỷ USD.

Trong cơ chế hợp tác của ASEAN, có 3 trụ cột cơ bản là trụ cột về chính trị, an ninh, trụ cột về kinh tế và trụ cột về văn hóa xã hội.

Kế hoạch tổng thể trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN đang được triển khai đồng đều trên 3 trụ cột. Tầm nhìn của cộng đồng ASEAN năm 2045 là “Tự cường, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm”.

Các đối tác đều khẳng định ASEAN là ưu tiên trong chính sách tại khu vực, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, cùng ASEAN triển khai hợp tác toàn diện, đẩy mạnh kết nối kinh tế, thương mại và đầu tư, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…

Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) thông tin về triển vọng phát triển kinh tế số. Ảnh: TH

Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) thông tin về triển vọng phát triển kinh tế số. Ảnh: TH

Với chủ đề “Cộng đồng kinh tế ASEAN sau năm 2025, cơ hội và triển vọng từ Hiệp định khung kinh tế số ASEAN (DEFA)", Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) Nguyễn Việt Chi cho biết, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều thách thức, GDP của cả khu vực ASEAN đã tăng hơn 4% trong năm qua, tổng giá trị GDP kết hợp là 3.800 tỷ ÚUD; dự kiến tăng trưởng 4,6% trong năm nay và 4,7% năm 2025.

Về thương mại, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, tiếp theo là Mỹ và EU. Tổng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào ASEAN năm 2023 đạt 229 tỷ USD. Mỹ là nhà đầu tư lớn nhất. Các nước trong khu vực đã hoàn thành 9 trong số 14 sáng kiến kinh tế ưu tiên trong năm Lào làm Chủ tịch ASEAN…

Thanh Hà

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/quy-mo-nen-kinh-te-asean-dat-3-800-ty-usd-dung-thu-5-the-gioi-681722.html
Zalo