Quy mô kinh tế Đà Nẵng tăng thêm 10.000 tỷ đồng so với năm 2022

Tổng sản phẩm GRDP của Đà Nẵng ước tăng không cao so với cùng kỳ năm 2022, nhưng quy mô kinh tế ước đạt 134.000 tỷ đồng, tăng thêm hơn 10.000 tỷ đồng so với năm 2022.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu chỉ tại kỳ họp HĐND thành phố Đà Nẵng lần thứ 15, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu chỉ tại kỳ họp HĐND thành phố Đà Nẵng lần thứ 15, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Ngày 12/12, kỳ họp HĐND Thành phố Đà Nẵng lần thứ 15, khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc. Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Kỳ Minh, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được xây dựng trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen. Trên cơ sở ước thực hiện năm 2023 và dự báo tình hình năm 2024, thành phố dự kiến 2 kịch bản tăng trưởng năm 2024.

Kịch bản 1: Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo như sau: Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) năm 2024 ước tăng 7-7,5%, trong đó: giá trị gia tăng khu vực dịch vụ ước tăng 8-8,5%; giá trị gia tăng khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 3,4-3,8%, giá trị gia tăng khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản ước 2-2,5%.

Kịch bản 2: Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo như sau: Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) năm 2024 ước tăng 8-8,5%, trong đó: giá trị gia tăng khu vực dịch vụ ước tăng 8,5-9%; giá trị gia tăng khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 6-6,5%, giá trị gia tăng khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản ước 2-2,5%.

Phó chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết: “Đối với Thành phố, năm 2024 được xác định là năm cần tạo ra bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021-2025; bên cạnh việc Trung ương kịp thời ban hành các chính sách nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đề xuất Trung ương bổ sung một số cơ chế chính sách đặc thù hơn đối với Thành phố Đà Nẵng, hoàn thành lập và phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật... dự báo tình hình sản xuất kinh doanh tiếp tục được phục hồi và tăng trưởng. Thành phố sẽ phấn đấu tăng trưởng kinh tế của năm 2024 theo kịch bản 2, đạt tốc độ tăng trưởng 8-8,5%”.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, Thành phố cần tiếp tục tập trung tập trung chỉ đạo triển khai hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội, Nghị định số 34/2021/NĐ-CP của Chính phủ và Đề án phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước gắn với thí điểm tô chức mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2026; Nghị định số 40/2022/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 144/2016/NĐ-CP quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng; Quyết định số 359/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch Thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bên cạnh đó, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, thực hiện tốt công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế; Thực hiện tốt công tác quản lý đầu tư – xây dựng cơ bản, quy hoạch, đô thị, tài nguyên và môi trường; Thực hiện công tác thu chi và điều hành ngân sách nhà nước; Tiếp tục giải quyết và phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, tăng cường các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân; Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, tập trung công tác xây dựng chính quyền, thanh tra, tư pháp, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo; Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, an toàn giao thông và trật tự xã hội.

Phát biểu tại kỳ họp, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng địa phương đầu tiên trong 5 tỉnh, thành phố trực Trung ương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố Quy hoạch Thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để thành phố triển khai thực hiện các dự án trong thời gian tới.

Theo đánh giá của ông Quảng, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn ước tăng không cao so với cùng kỳ năm 2022, nhưng quy mô nền kinh tế ước 134.000 tỷ đồng, tăng thêm hơn 10.000 tỷ đồng so với năm 2022.

Một số ngành, lĩnh vực kinh tế chủ chốt tăng trưởng khá, nhất là hoạt động dịch vụ du lịch, xuất khẩu phần mềm, phát triển kinh tế số và xây dựng thành phố thông minh đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Đà Nẵng thu hút đầu tư xã hội đạt gần 5000 tỷ đồng và thu hút đầu tư FDI tăng 35,7% so với năm 2022. Trong đó, đáng chú ý, thành phố thu hút nhiều dự án vào Khu công nghệ cao.

Nhiều dự án động lực, trọng điểm được khởi công mới, như Đường kết nối vào Cảng Liên Chiểu, mở rộng Quốc lộ 14B; một số công trình động lực, trọng điểm tồn đọng nhiều năm được tập trung chỉ đạo và đang sắp hoàn thành, đưa vào sử dụng như Đường vành đai phía Tây, Đường ĐT601 và nhiều công trình khác có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, hướng đến phục vụ tốt hơn đời sống của nhân dân.

"Có thể khẳng định những kết quả nêu trên là sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; sự quan tâm lãnh đạo, hỗ trợ của Trung ương; sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy; việc cụ thể hóa, thể chế hóa kịp thời chủ trương, cơ chế chính sách của HĐND TP. Đà Nẵng; sự điều hành, quản lý có hiệu quả của UBND các cấp; sự đóng góp, ủng hộ của cử tri, nhân dân thành phố. Đáng ghi nhận, trong kết quả chung đó có vai trò hết sức quan trọng các ban của HĐND thành phố, Thường trực HĐND thành phố và các vị đại biểu HĐND thành phố", ông Quảng nói.

Thay mặt Ban chấp hành Đảng bộ thành phố, ông Quảng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và trách nhiệm của HĐND thành phố và các vị đại biểu HĐND thành phố, đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của thành phố trong năm 2023.

Bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2023, thành phố còn nhiều khó khăn, hạn chế cần phải khắc phục, nhất là mức tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội còn đạt thấp; việc giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách chưa đạt so với chi tiêu yêu cầu; nhiều ngành, nhiều lĩnh vực sụt giảm; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Vì thế, HĐND thành phố và các đại biểu cần thảo luận đánh giá, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và đề ra giải pháp khắc phục.

Theo ông Quảng, năm 2024, Đà Nẵng đặt mục tiêu phấn đấu đạt các mục tiêu mà Nghị quyết Thành ủy lần thứ 14 vừa qua đã đề ra. Cụ thể, GRDP tăng 8-8,5%; thu ngân sách tăng từ 5-7% so với năm 2023; an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo; quốc phòng - an ninh, an toàn xã hội được giữ vững.

Đặc biệt, HĐND thành phố cần nghiên cứu cơ chế chính sách công nghiệp công nghệ cao, vi mạch bán dẫn, công nghiệp AI, nhằm tạo nền tảng cho sự bứt phá, đổi mới mô hình tăng trưởng của thành phố trong thời gian tới.

“Chúng ta cần tìm động lực mới cho mô hình tăng trưởng, những động lực mới trong điều kiện hướng tới thành phố môi trường”, ông Quảng nhấn mạnh.

Việc Đà Nẵng phát triển công nghiệp công nghệ cao, cùng với việc đón nhận cơ hội trong tuyên bố chung, nâng cấp mối quan hệ chiến lược, toàn diện giữa Việt Nam - Hoa Kỳ, trong đó Hoa Kỳ đã cam kết thúc đẩy hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn, công nghiệp AI, theo đánh giá của ông Quảng: “Đây là cơ hội nếu nắm bắt sớm thì chúng ta có cơ sở nền tảng, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong thời gian tới”.

Ông Quảng đề nghị các HĐND Thành phố và đại biểu phát huy vai trò, trách nhiệm của người đại biểu dân cử, tập trung nghiên cứu thảo luận, làm rõ tính khả thi và những giải pháp đột phá để các cơ quan chủ trì tiếp thu, giải trình trước khi HĐND thành phố quyết nghị, tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc để các cấp, ngành triển khai thực hiện có hiệu quả trên thực tế, nhất là đối với những nội dung quan trọng, như kế hoạch công trung hạn 2021 - 2025, kế hoạch đầu tư công năm 2024, Đề án tái thiết, chỉnh trang phát triển đô thị trung tâm thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2023 - 2030; sửa đổi bổ sung bảng giá đất 2020 - 2024; hệ số điều chỉnh giá đất trên địa bàn và chính sách xã hội hóa.

Đây là những chính sách hết sức quan trọng, tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp và đời sống của nhân dân thành phố nên ông Quảng đề nghị các đại biểu HĐND Thành phố cần thảo luận lỹ lưỡng, cân nhắc trước khi xem xét quyết định.

Đặc biệt, tại kỳ họp lần này, HĐND Thành phố sẽ xem xét thông qua các chính sách về an sinh xã hội mang tính đặc thù, vượt trội so với quy định của Trung ương, trong đó có chính sách trợ cấp đối với người từ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi và nhiều chính sách quan trọng khác.

Ông Quảng đề nghị một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức hiện nay của Đà Nẵng cần phải khắc phục, đẩy lùi tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không làm đúng, làm đủ chức trách nhiệm vụ, quyền hạn.

Linh Đan

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/quy-mo-kinh-te-da-nang-tang-them-10000-ty-dong-so-voi-nam-2022-d204970.html
Zalo