Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Động lực đưa Bình Dương 'cất cánh'
Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vừa qua là hành lang pháp lý, khung định hướng, tiền đề đặc biệt quan trọng để Bình Dương hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Quy hoạch được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới, nâng cao hơn nữa vị thế của tỉnh, đưa Bình Dương 'cất cánh' trong thời kỳ mới, với những mục tiêu cao hơn, toàn diện và có tính bao quát hơn.
Theo Quy hoạch tỉnh, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong ảnh: Trung tâm thành phố mới Bình Dương
Xây dựng hệ thống đô thị đồng bộ, thông minh
Thời gian qua, việc tổ chức lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bình Dương triển khai một cách bài bản, khoa học và huy động được sự tham gia đóng góp của nhiều chuyên gia hàng đầu trên các lĩnh vực cả trong và ngoài nước. Quy hoạch được xây dựng bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khoa học, đa chiều, đa lĩnh vực.
Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết Quy hoạch tỉnh được Hội đồng thẩm định Quốc gia đánh giá rất cao về tính chiến lược, tính đột phá cũng như chất liệu mang tính đặc trưng rất riêng của tỉnh Bình Dương. Quy hoạch được kỳ vọng là cơ hội để Bình Dương tái thiết lại không gian phát triển cũ, mở ra những không gian phát triển mới, tạo động lực phát triển cho giai đoạn thời kỳ tiếp theo.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XII, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương: “Bình Dương đang chuyển dần từ công nghiệp sang công nghiệp xanh, đặc biệt là chuyển đổi một số khu trung tâm công nghiệp thành trung tâm dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa tại Bình Dương đã đi sớm hơn cả nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời, cùng với hệ thống hạ tầng giao thông kết nối hiện nay, cũng như trong thời gian tới khi hệ thống giao thông của TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương kết nối tốt, tôi tin rằng Bình Dương sẽ sớm thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Đây chính là điểm nổi trội của Bình Dương”.
Theo Quy hoạch tỉnh, mục tiêu đến năm 2030 Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững. Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Bình Dương trở thành trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế.
Để thực hiện những mục tiêu trên, quy hoạch vạch rõ những định hướng lớn tạo đột phá phát triển với 5 chiến lược tích hợp, gồm: Liên kết hợp tác phát triển vùng; đổi mới hệ sinh thái phát triển; phát triển xã hội, nguồn nhân lực; phát triển Bình Dương xanh; phát triển các không gian động lực. Ông Nguyễn Hồng Hải, kiến trúc sư trưởng, Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết Quy hoạch tỉnh đã tích hợp toàn bộ tầm nhìn, mục tiêu phát triển tất cả các lĩnh vực, cũng như việc sử dụng không gian cho mục tiêu phát triển đó một cách rõ ràng hơn. Từ những nền tảng tích lũy được qua hơn 25 năm, Quy hoạch tỉnh đã xác định trục kinh tế chính, hành lang kinh tế chủ đạo, chia ra những không gian động lực phát triển, di dời công nghiệp, tái tổ chức đô thị…; đồng thời biến khu vực vùng động lực thứ 2 trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo. Bình Dương đang ở thời điểm thu hoạch những “trái ngọt” đã “gieo” trong hơn 25 năm qua.
Bình Dương sẽ tổ chức động thổ Khu phức hợp WTC Bình Dương. Trong ảnh: Phối cảnh 3D dự án WTC Gateway
Trở thành trung tâm động lực phát triển kinh tế
Với định hướng trở thành trung tâm động lực thúc đẩy phát triển vùng và quốc gia, Bình Dương sẽ kết nối với các địa phương trong vùng TP.Hồ Chí Minh thực hiện chiến lược vùng về hợp tác phát triển để tiếp tục là trung tâm động lực phát triển kinh tế quan trọng nhất cả nước. Trong đó, Bình Dương luôn đặt trách nhiệm phải phát triển cao, vượt trên mức trung bình của vùng, đặc biệt là dẫn đầu về sản xuất công nghiệp, khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực, phát triển đô thị thông minh để chia sẻ các chức năng của vùng, phát huy lợi thế của Bình Dương.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Bình Dương kỳ vọng quy hoạch tích hợp sẽ trở thành công cụ tháo gỡ các “nút thắt” hiện nay của tỉnh, đặc biệt là trở thành công cụ điều hành để tỉnh vượt qua bẫy thu nhập trung bình đầu tiên trong cả nước; tiên phong trong đổi mới sáng tạo, kết hợp với các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ trở thành trung tâm động lực phát triển kinh tế của quốc gia, vươn tầm quốc tế.
Bình Dương đặt ra mục tiêu thời kỳ 2021-2030 tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 10%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 15.800 USD. Cơ cấu kinh tế của tỉnh đến năm 2030 ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 64%, ngành dịch vụ chiếm 28%, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6%; tỷ lệ đô thị hóa 88- 90%; tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GRDP. Dân số toàn tỉnh đến năm 2030 đạt 4,04 triệu người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 87%. Tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Bình Dương sẽ từng bước hiện thực hóa quy hoạch tỉnh, tạo những đột phá trong thời kỳ phát triển mới.
Dự kiến công bố Quy hoạch tỉnh vào ngày 25-9 tới
Bình Dương dự kiến tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh) vào ngày 25-9 tới. Sự kiện công bố Quy hoạch tỉnh là dấu mốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Bình Dương.
Dự kiến, tại hội nghị sẽ diễn ra sự kiện truyền thông, quảng bá Top 1 ICF và lễ trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư. Đồng thời, dịp này tỉnh tổ chức khởi công, khánh thành các công trình trọng điểm, như: Khu phức hợp WTC Bình Dương; Khu công nghiệp Cây Trường; đường Tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng; cầu Bạch Đằng 2…