Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
BPO - Bình Phước là tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ, vùng biên giới, miền núi, có 258,939km đường biên giới giáp với Vương quốc Campuchia, là cửa ngõ, cầu nối của vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và Campuchia. Hiện trạng hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Phước có các trục chính kết nối vùng và liên vùng là quốc lộ 13, đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) và ĐT741 đã và đang được đầu tư nâng cấp mở rộng. Để Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ có quy mô kinh tế khá dựa trên xây dựng đồng bộ nền tảng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thì một trong những mục tiêu quan trọng là phải tăng cường kết nối vùng thông qua việc phát triển hạ tầng giao thông kết nối đảm bảo sự đồng bộ, liên hoàn và thông suốt.
Báo Bình Phước trích đăng tóm tắt những nội dung cơ bản về thực trạng và giải pháp trong tham luận “Tăng cường giao thông đối ngoại để thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh Bình Phước giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn 2045” của Ths. Lê Bá Thảo, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế Bình Phước giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045: Quan điểm, định hướng, giải pháp”.
GIAO THÔNG ĐỐI NGOẠI THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Thực trạng kết nối đối ngoại hạ tầng giao thông của tỉnh
Bình Phước có 4 cửa khẩu và 1 lối mở (Lộc Tấn) thông thương với Campuchia, có tiềm năng và cơ hội rất lớn để phát triển du lịch cũng như giao thương hàng hóa quốc tế với các nước trong khu vực.
Bình Phước phía Đông giáp với tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai; phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và Vương quốc Campuchia; phía Nam giáp tỉnh Bình Dương; phía Bắc giáp tỉnh Đắk Nông và Vương quốc Campuchia.
Hệ thống giao thông của Bình Phước là một phần của mạng lưới giao thông liên vùng quan trọng của quốc gia - Ảnh: Tiến Dũng
Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm phát triển các tuyến kết nối vùng nhằm tạo ra các hành lang vận tải để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các tuyến giao thông chính theo các trục động lực chưa đồng bộ đáp ứng nhu cầu giao thông, nguyên nhân do địa hình của tỉnh kết nối với một số hướng còn nhiều cản trở về mặt địa lý; còn gặp khó khăn, vướng mắc khi đi qua các vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới đã được UNESCO công nhận; gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng khi đi qua các khu đô thị; các trục liên kết vùng hiện nay chưa được kết nối trực tiếp đến các đầu mối giao thông của khu vực như Cảng biển Cái Mép - Thị Vải; Sân bay quốc tế Long Thành. Do vị trí địa lý tiếp giáp với những khu vực hạn chế phát triển giao thông đường bộ, vì vậy các tuyến kết nối phải đi vòng kéo dài thời gian di chuyển và tăng chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, hiện nay ngoài giao thông đường bộ, trên địa bàn tỉnh chưa đầu tư xây dựng các loại hình giao thông kết nối như đường thủy, đường sắt và đường hàng không. Do đó, tỉnh không có nhiều lựa chọn để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng.
Phương án phát triển giao thông đối ngoại
Với đặc thù địa hình và tiềm năng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh, xem xét phát triển kết nối đối ngoại với các tỉnh trong khu vực và cả nước bằng các hình thức phát triển giao thông đường bộ, đường sắt và đường hàng không, cụ thể như sau:
Kết nối với các cửa khẩu: Đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối với các cửa khẩu đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong tương lai. Đối với các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính đầu tư nâng cấp và xây dựng thêm các tuyến giao thông hình thành hành lang vận tải mới chia sẻ lưu lượng giao thông cho các hành lang vận tải có nguy cơ quá tải và khả năng nâng cấp gặp nhiều khó khăn. Đối với các cửa khẩu được quy hoạch mới theo Quyết định số 1200/QĐ-TTg ngày 14-10-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (khu vực X16; Đắk Ơ), ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông trước tạo tiền đề để phát triển kinh tế cửa khẩu...
Kết nối với các tỉnh lân cận: Do đặc thù về vị trí địa lý và địa hình khu vực giao thông đường bộ của tỉnh Bình Phước bị hạn chế phát triển các hành lang vận tải mới kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đồng Nai. Vì vậy, để đảm bảo nhu cầu giao thông cho 2 hành lang vận tải này, tiến hành nâng cấp các tuyến đường kết nối hiện hữu. Đối với các tỉnh còn lại có điều kiện để phát triển kết cấu hạ tầng liên kết vùng cần xây dựng các hành lang vận tải mới trước làm tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội.
Hành lang kết nối với các đầu mối giao thông quốc tế khu vực: Hai đầu mối giao thông quốc tế quan trọng của khu vực được xác định là Sân bay quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) và Cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Bình Phước hiện nay thiếu kết nối trực tiếp với 2 đầu mối giao thông quan trọng này. Trong tương lai khi hệ thống giao thông khu vực được hoàn thiện đồng bộ, xây dựng tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh kết nối với tuyến đường sắt Sài Gòn - Trảng Bom và Biên Hòa - Vũng Tàu hình thành tuyến vận tải đường sắt kết nối Cửa khẩu Hoa Lư đến Cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Bên cạnh đó, nâng cấp, kéo dài các tuyến đường tỉnh hiện hữu có tính kết nối như ĐT741, ĐT753 kết nối với vành đai 4, Thành phố Hồ Chí Minh hình thành hành lang vận tải đường bộ kết nối Sân bay Long Thành và Cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải.
Một số kiến nghị
Giao thông kết nối khu vực có tính chất liên vùng, khi xây dựng phải đảm bảo tính đồng bộ mới phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. Trong quá trình triển khai thực hiện cần có sự chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các địa phương lân cận.
Trong điều kiện có hạn về nguồn vốn đầu tư, tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành lân cận trong quá trình triển khai các dự án giao thông trọng điểm quốc gia; sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của Trung ương hỗ trợ, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA… Bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh để thực hiện đầu tư hạ tầng giao thông theo thứ tự ưu tiên và ưu tiên (danh mục các dự án ưu tiên phải được rà soát và điều chỉnh thường xuyên). Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ được đầu tư, khai thác các dịch vụ liên quan đến phạm vi dự án và được vay vốn từ nguồn vốn tín dụng dài hạn, lãi suất ưu đãi.
Các tuyến cao tốc là hành lang vận tải quan trọng đối với các địa phương, các nút vào - ra cao tốc thường hạn chế để đảm bảo tốc độ lưu thông của phương tiện giao thông trên cao tốc. Vì vậy, tỉnh cần bám sát từ định hướng quy hoạch chi tiết đến giai đoạn triển khai dự án để đảm bảo hướng tuyến phù hợp và các điểm kết nối hợp lý làm động lực phát triển kinh tế địa phương, giải tỏa, điều tiết dòng giao thông liên tỉnh của địa phương hiệu quả.
Do điều kiện kinh tế - xã hội và điều kiện tự nhiên của tỉnh, kiến nghị các bộ, ngành, cơ quan Trung ương quan tâm có chính sách, cơ chế tháo gỡ khó khăn, nhằm tăng tỷ lệ điều tiết nguồn ngân sách địa phương được hưởng để các tỉnh, thành phố trong vùng tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông liên tỉnh, hạ tầng vùng.
Để giải quyết những bất cập về hạ tầng giao thông liên kết vùng giai đoạn 2025-2030 của Bình Phước cần thực hiện những dự án trọng điểm như: Đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước, đường Đồng Phú - Bình Dương, nâng cấp mở rộng ĐT753 và xây dựng cầu Mã Đà kết nối Sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) và Cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), đường giao thông phía Tây quốc lộ 13 kết nối Chơn Thành - Hoa Lư, đường phía Tây quốc lộ 13 kết nối Bàu Bàng, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 đoạn Đồng Xoài - Chơn Thành, ĐT752 kết nối Bình Phước - Tây Ninh, ĐT755, tuyến Đồng Phú - Chơn Thành, tuyến kết nối Bù Nho - Minh Lập...
Bình Phước là tỉnh biên giới với đặc thù về đảm bảo an ninh quốc phòng. Trong điều kiện vận tải đa phương thức đang ngày một phổ biến, để đảm bảo tính cơ động trong công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy, chữa cháy, an ninh quốc phòng... cần nghiên cứu xây dựng 1 sân bay chuyên dụng.