Quy hoạch nhân sự BCH Trung ương là công việc hệ trọng tại kỳ họp thứ 10
Thông lệ thường vào Hội nghị TW10, chúng ta bàn đến vấn đề này. Và đây cũng là công việc rất hệ trọng của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương qua các nhiệm kỳ mà tôi được chứng thực.
Tại Hội nghị Trung ương 10 vừa qua, cùng với nhiều công việc quan trọng khác, Trung ương đã ghi phiếu giới thiệu nhân sự quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV và bổ sung quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Việc quy hoạch nhân sự không chỉ là việc chuẩn bị nguồn lực lãnh đạo cho tương lai mà còn là một nhiệm vụ chiến lược sống còn, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, Tiến sĩ Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phân tích về sự cần thiết của việc quy hoạch nhân sự Trung ương khóa XIV tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII.
PV: Theo ông việc chuẩn bị nhân sự của Hội nghị Trung ương 10 có ý nghĩa như thế nào?
TS Nhị Lê: Đây là công việc rất quan trọng. Tôi quan sát tối thiểu 7 kỳ Đại hội vừa qua, công việc này đã trở thành một công việc căn bản, quyết định thành công hay không của Đại hội. Sau khi có đường lối đúng - nhân tố quyết định thành bại, thì đó là đội ngũ cán bộ của chúng ta. Và trực tiếp là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược do Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng xác quyết. Thông lệ thường vào Hội nghị TW10, chúng ta bàn đến vấn đề này. Và đây cũng là công việc rất hệ trọng của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương qua các nhiệm kỳ mà tôi được chứng thực.
Cùng với việc xem xét, cho ý kiến các văn kiện dự thảo, xin ý kiến toàn Đảng, toàn dân thì Hội nghị đặt ra công việc lựa chọn, kiến tạo Ban Chấp hành Trung ương cho khóa tới. Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII lần này chúng ta cũng như vậy. Đây là một trong hai nhân tố quyết định thành công của Đại hội, quyết định thành công trong năm năm tới, tối thiểu là như vậy. Với tư cách là người dẫn dắt đất nước, đây là công việc rất quan trọng, rất cơ bản. Nó không chỉ là quyết tâm của Đảng, mà nó cũng là sự mong mỏi của đồng bào, nhân dân chúng ta, dân tộc chúng ta, từ trong nước tới nước ngoài về một Việt Nam phát triển hùng bạnh.
TS Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
PV: Như vậy, công tác nhân sự thường được tiến hành tại Hội nghị Trung ương 10 mỗi khóa trong mấy nhiệm kỳ gần đây, cũng giống như công tác xây dựng đảng thường được tiến hành vào Hội nghị Trung ương 4.?
TS Nhị Lê: Đây là công việc rất bình thường mà chúng ta đang chuẩn bị, chuẩn bị từ tầm nhìn, chuẩn bị chương trình, tới kế hoạch lựa chọn nhân sự. Và đó cũng là công việc mà chúng ta đã làm nhiều năm nay rồi, chứ không phải đến nhiệm kỳ này. Và Hội nghị TW 10 chưa phải lúc chín muồi để chúng ta công khai những công việc với tư cách là người lãnh đạo, cầm quyền, tức là một tổ chức chính trị dẫn dắt đất nước. Xin nhấn mạnh thêm, đây cũng là những công việc bước đầu. Thông thường đến Hội nghị TW10 thì ngay trước đó một năm, tất cả các cơ quan, đoàn thể, các tỉnh thành đều chuẩn bị giới thiệu nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương, những nhân sự có đủ điều kiện để tham gia vào cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai kỳ đại hội là Ban Chấp hành Trung ương. Và chúng ta biết ở nhiệm kỳ nào cũng vậy. Sau khi chín muồi, các thủ tục sẽ được tiến hành.
PV: Như vậy công việc giới thiệu nhân sự của Đảng được tiến hành từ dưới lên trên và chưa phải lúc công khai nhân sự quy hoạch cấp chiến lược, thưa ông?
TS Nhị Lê: Đúng như vậy. Những công việc của Đảng là những công việc thuộc các cơ quan chức năng của Đảng làm. Và khi chín muồi thì chúng ta sẽ xin ý kiến một cách rộng rãi trong điều kiện cho phép và có thể, theo những quy định của Trung ương. Mấy chục năm qua, công việc chuẩn bị nhân sự cho đại hội các cấp chứ không chỉ riêng Đại hội toàn quốc, chúng ta cũng làm như vậy. Vậy cho nên công việc chuẩn bị Đại hội gồm rất nhiều công đoạn và chúng ta không thể sốt ruột được.
PV: Vậy, việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhất định phải được tiến hành một cách dân chủ?
TS Nhị Lê: Thực tiễn chúng ta thấy, trong 40 năm đổi mới mà tôi được chứng kiến thì không một Đại hội nào là chúng ta không mở rộng dân chủ nhưng phải tập trung. Đấy là công việc của Đảng. Đấy là trách nhiệm của Đảng trước nhân dân, trước dân tộc. Và công việc của Đại hội là lựa chọn một đội ngũ cán bộ xứng tầm cấp chiến được, tức là các Ủy viên Ban Chấp hành TW để dẫn dắt Đảng, dẫn dắt dân tộc. Đó cũng là trọng trách của Đảng trước dân tộc.
PV: Cùng với việc lựa chọn cán bộ, xây dựng cho kỳ được một đội ngũ cán bộ cấp chiến lược xứng đáng với niềm tin và sự mong mỏi của nhân dân thì chúng ta cũng kiên quyết xử lý những cán bộ vi phạm kỷ luật Đảng. Việc kết hợp song hành hai công việc này có ý nghĩa như thế nào, thưa Tiến sĩ Nhị Lê?
TS Nhị Lê: Đó là tư tưởng xây và chống. Một mặt, nếu chúng ta kiến tạo tốt thì đồng thời chúng ta cũng thải loại tốt. Tất cả những nhân sự mà không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo phát triển quốc gia thì phải đào thải thôi. Và chúng ta thấy là chỉ có trong 4 năm vừa rồi, 7 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng do nhiều lý do đã rời khỏi chức vụ, xin thôi, không tiếp tục công việc nữa. Đó cũng là điều bình thường trong cuộc tiến lên của Đảng ta. Và đó cũng là quy luật phát triển không chỉ của tự nhiên mà của xã hội và nhiều quốc gia khác cũng như vậy. Cùng với việc xây dựng thì chúng ta chủ động thanh thải những nhân tố không còn hợp thời nữa, thậm chí những nhân tố cản trở sự phát triển. Cho nên, nhân vật này, nhân vật kia không tham gia chức vụ, không tham gia bộ máy đánh đạo cũng là bình thường. Đó là tất yếu cho con đường phát triển của Đảng ta đồng hành với đất nước ta trong cuộc hội nhập quốc tế và tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ.
PV: Và đó cũng là kỳ vọng, là mong mỏi của nhân dân?
TS Nhị Lê: Vâng, đó cũng là khát vọng của nhân dân chúng ta để sao cho có một đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược thật sự xứng đáng với vai trò là người dẫn dắt dân tộc.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!