Quy hoạch mạng lưới VHTT&DL: động lực cho sự phát triển toàn diện của Thủ đô

Trong bối cảnh Luật Thủ đô đã được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, hai Quy hoạch về mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao và Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có một ý nghĩa vô cùng quan trọng với Hà Nội.

Đó là nhận định của PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội với Báo Kinh tế & Đô thị sau khi Bộ VHTT&DL vừa tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao và Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030; tầm nhìn đến năm 2045.

Định hướng chiến lược phát triển của Hà Nội

Thưa ông, đối với Hà Nội, hai Quy hoạch về mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao và Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa thế nào?

- Đối với Hà Nội, tôi cho rằng, trong bối cảnh Luật Thủ đô đã được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, hai Quy hoạch về mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao và Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đóng vai trò như một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển toàn diện của Thủ đô.

Cung Thiếu nhi Hà Nội. Ảnh: Hoàng Quân

Cung Thiếu nhi Hà Nội. Ảnh: Hoàng Quân

Trước hết, việc Hà Nội được quy hoạch một mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao hiện đại không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân, mà còn là cách để khẳng định vị thế của Thủ đô như một trung tâm văn hóa lớn của cả nước và khu vực.

Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, mà còn là nơi lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của dân tộc. Do đó, với những quy hoạch này, Hà Nội sẽ có cơ hội cải thiện, mở rộng và hiện đại hóa các bảo tàng, trung tâm biểu diễn nghệ thuật, sân vận động, cùng nhiều cơ sở thể thao và văn hóa khác. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ văn hóa, nghệ thuật và thể thao chất lượng cao.

Bên cạnh đó, quy hoạch hệ thống du lịch sẽ giúp Hà Nội trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn với du khách trong và ngoài nước. Các chiến lược về phát triển hạ tầng du lịch, bảo tồn và phát huy di sản, quảng bá hình ảnh Thủ đô không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế mà còn khẳng định vị thế của Hà Nội như một thành phố sáng tạo toàn cầu. Mục tiêu đón 35 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2030 trong phạm vi cả nước cũng sẽ tạo áp lực và động lực lớn cho Hà Nội để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch và bảo vệ di sản, đồng thời khai thác tiềm năng văn hóa phong phú.

Đặc biệt, trong bối cảnh Luật Thủ đô có hiệu lực, Hà Nội được trao thêm quyền tự chủ trong nhiều lĩnh vực quan trọng, bao gồm cả quản lý và phát triển văn hóa, thể thao, du lịch. Điều này sẽ giúp Hà Nội linh hoạt hơn trong việc thực hiện các quy hoạch, từ việc huy động nguồn lực đầu tư đến xây dựng các chính sách ưu tiên phát triển ngành du lịch và văn hóa. Hà Nội sẽ có điều kiện tốt hơn để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời thích nghi và dẫn đầu trong những xu hướng văn hóa, thể thao, du lịch hiện đại.

Nhìn chung, hai quy hoạch này sẽ không chỉ định hướng chiến lược phát triển của Hà Nội trong tương lai gần mà còn giúp xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững, tạo sức hút mạnh mẽ và vị thế cho Thủ đô trong mắt bạn bè quốc tế.

Thưa ông, trên cơ sở nội dung quy hoạch này cần phải triển triển khai thực hiện như thế nào để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả?

- Trên cơ sở nội dung 2 quy hoạch này, các cấp, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và khoa học để đảm bảo việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.

Nhà hát Hồ Gươm. Ảnh: Hoàng Quân

Nhà hát Hồ Gươm. Ảnh: Hoàng Quân

Trước hết, Bộ VHTT&DL, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, cùng các cơ quan tại địa phương phải cùng nhau xây dựng các kế hoạch hành động chi tiết, cụ thể hóa các mục tiêu của quy hoạch. Mỗi ngành, mỗi cấp cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình, từ công tác lập kế hoạch, triển khai dự án đến theo dõi và đánh giá kết quả.

Để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất, cần có sự tích hợp các nguồn lực giữa ngành VHTT&DL với các lĩnh vực khác như giao thông, quy hoạch đô thị, môi trường, tài chính. Các dự án phát triển cơ sở hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch phải gắn kết với quy hoạch đô thị tổng thể, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển mới, không xảy ra tình trạng chồng chéo trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa T.Ư và địa phương là yếu tố then chốt trong việc thực hiện các quy hoạch này. Các địa phương cần chủ động nắm bắt yêu cầu từ quy hoạch tổng thể, đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội tại từng khu vực. Sự tham gia tích cực từ các địa phương sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp triển khai quy hoạch có hiệu quả trên diện rộng, tránh được những khoảng cách về phát triển giữa các khu vực khác nhau.

Một yếu tố quan trọng khác là sự phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài Nhà nước, từ cơ quan quản lý đến các tổ chức xã hội, DN và cộng đồng dân cư. Huy động sự tham gia từ các đơn vị tư nhân, tổ chức phi chính phủ sẽ tạo thêm nhiều nguồn lực cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch. Đồng thời, việc lắng nghe ý kiến từ cộng đồng địa phương cũng giúp các dự án phát triển đảm bảo tính thực tiễn và đáp ứng nhu cầu của người dân.

Cuối cùng, để đảm bảo tính hiệu quả, cần có cơ chế giám sát và đánh giá chặt chẽ. Các cấp, ngành và địa phương cần thường xuyên theo dõi, báo cáo tiến độ, kịp thời phát hiện và khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả, có chiến lược

Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao và Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có đưa ra nhiều mục tiêu như sẽ đón 35 triệu lượt khách quốc tế năm 2030 và xây mới nhiều nhiều bảo tàng, trung tâm biểu diễn, cơ sở dịch vụ thể thao. Xin ông cho biết, để thực hiện được các mục tiêu, các cấp, ngành, đặc biệt là ngành văn hóa, thể thao, du lịch cần có những giải pháp gì?

Nhà văn hóa huyện Đông Anh. Ảnh: Công Hùng

Nhà văn hóa huyện Đông Anh. Ảnh: Công Hùng

- Để thực hiện các mục tiêu đầy tham vọng được nêu trong Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao và hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các cấp, ngành, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch cần tập trung vào một loạt giải pháp đồng bộ, hiệu quả, có chiến lược.

Trước hết, giải pháp cốt lõi là phát triển hạ tầng đồng bộ và nâng cấp các cơ sở hiện có. Việc xây dựng các bảo tàng mới, trung tâm biểu diễn và cơ sở thể thao cần đi đôi với việc hiện đại hóa, cải thiện chất lượng các cơ sở đã có. Điều này đòi hỏi các nguồn vốn đầu tư lớn, từ ngân sách Nhà nước, hợp tác công - tư và từ sự tham gia của khu vực tư nhân. Đồng thời, cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là giải pháp then chốt tiếp theo. Để các bảo tàng, trung tâm biểu diễn và cơ sở thể thao thực sự phát huy tác dụng, chúng ta cần có đội ngũ quản lý, chuyên gia và nhân viên có năng lực, am hiểu sâu sắc về văn hóa, thể thao và du lịch. Các chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý sự kiện, bảo tồn di sản và phát triển du lịch, phải được đẩy mạnh, nhằm tạo ra đội ngũ chuyên nghiệp, phục vụ cho mục tiêu lâu dài.

Người dân xã Liên Hà, huyện Đông Anh vui chơi tại nhà văn hóa. Ảnh: Công Hùng

Người dân xã Liên Hà, huyện Đông Anh vui chơi tại nhà văn hóa. Ảnh: Công Hùng

Quảng bá hình ảnh và thương hiệu quốc gia cũng là một yếu tố không thể thiếu. Để đạt được con số 35 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2030, ngành du lịch Việt Nam cần có chiến lược tiếp thị mạnh mẽ và thông minh hơn. Việc hợp tác với các nền tảng công nghệ, tăng cường chiến dịch truyền thông trên quy mô toàn cầu và đẩy mạnh các chương trình quảng bá du lịch gắn với văn hóa, ẩm thực, thể thao sẽ giúp nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.

Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, di sản cũng là một giải pháp quan trọng. Việc quy hoạch và phát triển các cơ sở mới phải đảm bảo việc bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, di sản lịch sử. Không chỉ xây dựng mới, mà còn cần có chiến lược rõ ràng để quản lý và khai thác bền vững các di tích lịch sử, làng nghề, văn hóa phi vật thể, giúp tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc và mang đậm bản sắc dân tộc.

Ngoài ra, một giải pháp mang tính liên ngành là tăng cường hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm quản lý. Học hỏi từ những quốc gia có nền văn hóa, du lịch và thể thao phát triển sẽ giúp chúng ta có được các kinh nghiệm quý báu, từ đó áp dụng phù hợp vào thực tiễn Việt Nam.

Nhìn chung, để thực hiện thành công các mục tiêu trong quy hoạch, cần có sự quyết tâm và chung tay của toàn xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Việc Bộ VHTTD&DL công bố quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao và quy hoạch hệ thống du lịch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mang ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự phát triển của các lĩnh vực này. Cùng với việc Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến đầu tư cho văn hóa, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã ban hành, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa sắp được thông qua và việc xây dựng quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch các tỉnh, TP đang dần hoàn thiện thì đây là bước đi chiến lược, định hướng dài hạn để thúc đẩy cả ngành văn hóa, thể thao và du lịch phát triển một cách đồng bộ, bền vững trong tương lai.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn

Lại Tấn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quy-hoach-mang-luoi-vhttdl-dong-luc-cho-su-phat-trien-toan-dien-cua-thu-do.html
Zalo