Quy hoạch không gian văn hóa: Lợi ích kép
Quy hoạch không gian văn hóa của Hà Nội là một chiến lược toàn diện nhằm kết hợp giữa việc bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử và phát triển đô thị theo hướng hiện đại, thông minh.
Qua đó, không chỉ tạo ra một môi trường sống tốt hơn cho cư dân đô thị, mà còn giới thiệu vẻ đẹp văn hóa của Hà Nội đến với du khách trong và ngoài nước, biến TP trở thành một trung tâm văn hóa lớn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Tạo lập không gian văn hóa đặc sắc
Quy hoạch không gian văn hóa Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, tập trung vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa. Khu vực 4 huyện phía Tây (Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ) với các làng nghề truyền thống như nghề mộc Chàng Sơn, dệt Hữu Bằng..., sẽ được phát triển thành cụm làng nghề xanh, thông minh, kết hợp giữa bảo tồn bản sắc văn hóa xứ Đoài và hội nhập kinh tế tri thức.
Các huyện phía Nam (Mỹ Đức, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Oai) với nhiều di tích lịch sử và khu du lịch Hương Sơn sẽ được phát triển nông nghiệp sinh thái, tạo cảnh quan xanh, gìn giữ bản sắc văn hóa nông thôn. Sông Hồng và hồ Tây được định hướng là trục di sản, không gian văn hóa, du lịch, tổ chức lễ hội. Thành phố bên trong sông Hồng, với các lớp cắt di sản lịch sử và văn hóa, sẽ được khai thác và phát huy tối đa, trở thành trung tâm văn hóa sống động.
Đáng chú ý, quy hoạch chú trọng tạo lập các không gian văn hóa đặc sắc. Trục không gian lễ hội sông Hồng sẽ hình thành con đường di sản, giới thiệu lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Khu vực hồ Tây sẽ trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, với các trung tâm biểu diễn chuyên nghiệp và không gian bảo tàng, thư viện. Các di tích lịch sử sẽ được phục dựng và kết hợp với công nghệ mới. Kiến trúc nhà ở và công trình xây dựng sẽ mang đặc trưng văn hóa Hà Nội. Không gian làng nghề sẽ được phát triển thành không gian du lịch, quảng bá sản phẩm.
Trong đó, với mục tiêu phát triển không gian văn hóa sáng tạo, trong thời gian qua, quận Tây Hồ đã dành nhiều sự quan tâm thích đáng để phát triển không gian đi bộ Trịnh Công Sơn. Khu vực này được xây dựng, cải tạo các vườn hoa xung quanh hồ, tổ chức các hoạt động như thi bơi thuyền, giải chạy marathon, trình diễn drone… nhằm tạo ra các không gian văn hóa đa dạng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân và du khách.
Các dự án như bảo tồn sen Tây Hồ, tái hiện nghề làm giấy… được triển khai nhằm kết nối quá khứ với hiện tại. Ngoài ra, quận Tây Hồ đang tích cực xây dựng nhiều không gian văn hóa sáng tạo khác nhau gắn với các di tích và làng nghề, như không gian trình diễn nghệ thuật truyền thống tại phủ Tây Hồ, không gian trải nghiệm nghề làm giấy dó tại làng Yên Thái...
Tăng cường đầu tư
Hà Nội đang tận dụng tốt lợi thế về lịch sử và văn hóa để phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong những năm qua, đã ưu tiên bảo tồn và khai thác hiệu quả các không gian văn hóa như Hoàng thành Thăng Long, Phố Cổ, Cổ Loa, làng cổ Đường Lâm và các làng nghề truyền thống. Cùng với đó, một số công trình văn hóa hiện đại được xây dựng.
UBND TP Hà Nội cũng đã nhấn mạnh việc tích hợp mục tiêu phát triển CNVH vào quy hoạch đô thị, bảo tồn và tôn tạo di sản văn hóa, bố trí quỹ đất cho các công trình văn hóa mới. Các địa phương như Phúc Thọ, Sóc Sơn và Sơn Tây đang tích cực triển khai các dự án bảo tồn di tích, phát triển du lịch văn hóa, và kết hợp với các làng nghề truyền thống.
Theo PGS.TS Phạm Duy Đức - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, quy hoạch đô thị trước hết cần phải bảo tồn và phát huy các giá trị của hệ thống di sản này. Đây chính là một trong những nguồn lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Cần tích hợp các yếu tố di sản văn hóa vào quy hoạch phát triển đô thị, bằng cách bảo đảm cho các di tích và khu vực văn hóa được bảo tồn và tôn trọng trong quá trình phát triển đô thị. Các khu vực này có thể trở thành điểm đến văn hóa cho cả người dân và du khách.
Trong quá trình quy hoạch đô thị cần sử dụng các tên địa danh cũ của địa phương cho các khu đô thị mới. Cần giữ lại các di sản văn hóa đã trở thành biểu tượng của cộng đồng trong khi quy hoạch xây dựng mới các khu đô thị, tạo thành các điểm nhấn về bản sắc của từng cụm đô thị, giáo dục ý thức về cội nguồn, tạo thành câu chuyện văn hóa làm nên sự khác biệt của mỗi khu đô thị. Cần chú trong thực hiện nghiêm túc Luật Di sản văn hóa trong khi triển khai thực hiện Quy hoạch Thủ đô.
Cùng với đó, theo các chuyên gia, quy hoạch đô thị cần sự tham gia và tôn trọng ý kiến của cộng đồng địa phương, đặc biệt là những người có liên quan đến di sản văn hóa, xây dựng và phát huy hiệu quả của thiết chế văn hóa, như thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa - thể thao, khu vui chơi giả trí cộng cộng, sân thể thao, công viên, nhà thi đấu… Sự tham gia của cộng đông cư dân có thể giúp quy hoạch phát triển đô thị, phản ánh và bảo vệ các giá trị văn hóa địa phương, tôn trọng sự đa dạng văn hóa và phù hợp với thực tiễn, tránh lãng phí hoặc phi thực tế.
Quy hoạch không gian văn hóa của Hà Nội được xem là một phần quan trọng trong tổng thể Quy hoạch xây dựng Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Quy hoạch, đặt mục tiêu phát triển Hà Nội thành đô thị “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Năm nhiệm vụ trọng tâm bao gồm bảo vệ môi trường, phát triển đô thị và nông thôn, phát triển kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội và phát triển khoa học - công nghệ. Bốn khâu đột phá là thể chế và quản trị, hạ tầng, nguồn nhân lực và tài nguyên nhân văn, cũng như đô thị, môi trường và cảnh quan.
Quy hoạch nhấn mạnh việc lấy con người làm trung tâm, phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử. Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, cùng với việc tạo lập các không gian văn hóa mới, là trụ cột xuyên suốt cho mọi phương án quy hoạch.
Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng các công trình văn hóa hiện đại, kết hợp với việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại, xứng tầm với vị thế của một Thủ đô.
“Luật Thủ đô 2024 đã được Quốc hội thông qua và Quy hoạch xây dựng Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt. Có thể nói những nghị quyết, chủ trương, chính sách của T.Ư cũng như Hà Nội là một tiền đề vô cùng quan trọng cho sự phát triển văn hóa của TP. Nó như kim chỉ nam dẫn dắt sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội cũng như mọi lĩnh vực khác của Hà Nội. Dựa vào đó để văn hóa cũng như mọi lĩnh vực khác có cơ sở vững bước đi lên” - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, GS.TS Lê Hồng Lý