Quy hoạch hệ sinh thái công nghiệp TP. Hồ Chí Minh theo chuỗi giá trị mới
TP. Hồ Chí Minh đã và đang hướng đến mô hình phát triển khu công nghiệp bền vững, với việc triển khai Đề án thí điểm chuyển đổi mô hình hoạt động của một số khu chế xuất - khu công nghiệp.

Xưởng chế tạo sản phẩm trong khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Trước yêu cầu tái cấu trúc phát triển với không gian mới sau hợp nhất, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã xác định những giải pháp trọng tâm để định hướng quy hoạch công nghiệp; trong đó, có xây dựng hệ sinh thái khu công nghiệp, nhất là công nghiệp hỗ trợ nhằm nội địa hóa sản xuất.
Cụ thể, để ưu tiên xây dựng khu công nghiệp chuyên ngành, công viên công nghệ, cụm logistics tích hợp quy mô lớn, sử dụng năng lượng xanh, ngành công thương TP. Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghiệp - logistics - năng lượng đồng bộ. Cùng với đó, thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp hỗ trợ thông qua ban hàng cơ chế ưu đãi đầu tư cho vật liệu mới, linh kiện chiến lược… và nội địa hóa sản xuất.
TP. Hồ Chí Minh đã và đang hướng đến mô hình phát triển khu công nghiệp bền vững, với việc triển khai Đề án thí điểm chuyển đổi mô hình hoạt động của một số khu chế xuất - khu công nghiệp. Trong giai đoạn 2025 - 2030, các khu chế xuất - khu công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu thu hút đầu tư khoảng 21 tỷ USD; suất đầu tư bình quân thu hút đạt từ 8 - 10 triệu USD/ha; giải ngân 70% tổng vốn đầu tư đăng ký theo tiến độ…
Với vai trò là một trong những trung tâm kinh tế, công nghiệp và đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, TP. Hồ Chí Minh không chỉ là động lực hạt nhân cho ngành công nghiệp quốc gia, mà còn là trung tâm logistics và hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu của khu vực Đông Nam bộ. Do đó, TP. Hồ Chí Minh chuyển đổi mô hình tăng trưởng công nghiệp theo xu hướng tích hợp chuỗi giá trị với mô hình trung tâm – vệ tinh sẽ hình thành cực sản xuất thông minh, xanh và sáng tạo.
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 (Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh), TP. Hồ Chí Minh cần tái phân bổ không gian vành đai công nghiệp – dịch vụ - cảng biển phù hợp với không gian mở rộng sau hợp nhất. Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh muốn đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp hai con số trong 5 năm tới thì phải xác định “con đường” hiện tại cần đi dựa trên cơ sở định hướng phát triển cho từng giai đoạn của thành phố nói riêng và đất nước nói chung.
Thống kê, TP. Hồ Chí Minh (cũ) có 8.000 ha hiện hữu và 1.000 ha công nghệ cao; Bình Dương (cũ) có quy hoạch quỹ đất công nghiệp 25.000 ha và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) 16.000 ha, nên cũng đứng trước bài toán nghiên cứu, xây dựng và tạo môi trường thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu sâu rộng hơn; trong đó, TP. Hồ Chí Minh cần định hướng quy hoạch công nghiệp với chiến lược phân bổ hợp lý thay vì dồn vào khu vực trung tâm thì nên mở rộng ra một số khu cụm tiềm năng phát triển được chuỗi cung ứng toàn diện.
Liên quan đến tăng trưởng công nghiệp hai con số, Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, nếu không có chiến lược logistics đa phương thức thì rất khó đạt được mục tiêu này. Đồng thời, kiến nghị giải pháp đầu tư đường sắt chuyên dụng phục vụ công nghiệp và kết nối các khu sản xuất trọng điểm TP. Hồ Chí Minh đến cảng biển.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Minh Tâm, Tổng giám đốc Thaco Industries (Tập đoàn Công nghiệp Trường Hải) cho biết, dự kiến tháng 8/2025 sẽ khởi công xây dựng khu công nghiệp cơ khí quy mô 75.000 tỷ đồng tại TP. Hồ Chí Minh (thuộc địa bàn Bình Dương cũ). Đây cũng được đánh giá là một trong những dự án trọng điểm về công nghiệp cơ khí lớn nhất khu vực phía Nam hiện nay và kỳ vọng trở thành một trung tâm sản xuất quy mô lớn làm “bệ phóng” cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển theo chuỗi.
Đặc biệt, khu công nghiệp cơ khí này được áp sụng mô hình “All in One” trong một hệ sinh thái duy nhất tích hợp sản xuất, nghiên cứu và phát triển, gia công siêu trọng, lắp ráp toa tàu, robot, thiết bị công nghiệp… và liên kết chặt với doanh nghiệp vệ tinh. Với mô hình này, sẽ góp phần tạo sức hút cộng đồng doanh nghiệp phụ trợ trong và ngoài nước, giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm phụ thuộc nhập khẩu cho ngành cơ khí nói riêng, ngành công nghiệp Việt Nam nói chung.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Duy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Becamex (Becamex) cho rằng, muốn đón làn sóng thu hút doanh nghiệp thì chuẩn bị hạ tầng công nghiệp đáp ứng đúng nhu cầu doanh nghiệp là kinh nghiệm thành công của những khu công nghiệp như VSIP. Ngoài ra, mô hình khu công nghiệp tích hợp của Becamex đã cho thấy thu hút doanh nghiệp hiệu quả với tổng vốn FDI hàng tỷ USD.
“Hiện nay, Becamex đã và đang xác định ưu tiên phát triển khu công nghiệp sinh thái, đầu tư các trục giao thông chiến lược (Mỹ Phước - Tân Vạn, Vành đai 4) và kết nối logistics đường sắt đến cảng Cái Mép - Thị Vải. Bởi phát triển khu công nghiệp phải đảm bảo vừa phát triển đất, vừa xây dựng hệ sinh thái hạ tầng kỹ thuật, trung tâm logistics, trung tâm nghiên cứu và phát triển, đào tạo nghề và kết nối quốc tế với các viện nghiên cứu, đại học Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)…”, ông Trần Thế Duy chia sẻ thêm.
Về phía chính quyền thành phố, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, với diện tích hơn 6.770 km2, dân số trên 14 triệu người, quy mô kinh tế, nguồn lực, tiềm năng vượt trội thì đây là cơ hội vàng để TP. Hồ Chí Minh sau sáp nhập phát huy tối đa lợi thế kinh tế - xã hội. Trước bối cảnh mới, TP. Hồ Chí Minh cũng có điều kiện thuận lợi cải thiện tỷ công nghiệp trong GRDP có xu hướng giảm; công nghiệp truyền thống còn thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp, sức cạnh tranh chưa tương xứng tiềm năng.
Ông Nguyễn Lộc Hà cũng cho biết, UBND Thành phố đã yêu cầu Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đề xuất những giải pháp phù hợp theo hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển cơ khí chế tạo, hóa chất, chip, điện tử, vi mạch bán dẫn; công nghiệp đường sắt cao tốc…
Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh tham mưu chính sách đẩy mạnh những chương trình nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, kết nối viện trường – doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào những ngành công nghiệp trọng điểm, công nghệ mới, đẩy mạnh hợp tác công - tư.