Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản 2021 – 2030
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1598/QĐ-TTg ngày 19/12/2024 phê duyệt Kế hoạch, chính sách và giải pháp thực hiện Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kế hoạch được ban hành nhằm định hướng cho các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện Quy hoạch.
Cùng với đó, xây dựng lộ trình, tổ chức thực hiện nhằm bảo đảm các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Quy hoạch theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030; xác định phương thức, nguồn lực, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong triển khai thực hiện.
Yêu cầu đặt ra là bảo đảm theo hướng tăng quy mô diện tích các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu cư trú nhân tạo cho loài thủy sản biển; kết hợp việc điều chỉnh số lượng tàu khai thác phù hợp với nguồn lợi thủy sản; giảm cường lực khai thác; kết hợp chuyển đổi nghề, ngư cụ khai thác thủy sản ảnh hưởng lớn đến môi trường, hệ sinh thái sang các nghề thân thiện với môi trường và nguồn lợi thủy sản...
Kế hoạch thực hiện
Đối với dự án đầu tư công, Kế hoạch nêu rõ, căn cứ mức vốn được giao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương, tổ chức thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030 của Quy hoạch.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục thực hiện đầu tư các dự án đã xác định nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; các dự án dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030 từ nguồn vốn đầu tư công, trong đó, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công; ưu tiên thực hiện các dự án giai đoạn trước còn dở dang, chưa đồng bộ để phát huy hiệu quả, cụ thể:
Đối với dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu bảo tồn biển, thứ tự ưu tiên đầu tư được xác định như sau: (1) đầu tư tại các khu bảo tồn biển được "chuyển tiếp" tại Quy hoạch; (2) đầu tư tại các khu bảo tồn biển cấp Quốc gia thành lập mới theo Quy hoạch; (3) đầu tư tại các khu bảo tồn biển cấp tỉnh thành lập mới theo Quy hoạch.
Đối với các dự án đầu tư hình thành khu cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản ở biển, thứ tự ưu tiên đầu tư được xác định như sau: (1) đầu tư tại khu vực ở vùng biển ven bờ nhằm ngăn chặn hoạt động của các tàu lưới kéo; (2) đầu tư tại các khu vực còn lại theo Quy hoạch.
Đối với các dự án đầu tư thực hiện nội dung quy hoạch về khai thác thủy sản thời kỳ 2021 - 2030: Thực hiện theo quy định đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương chịu trách nhiệm xem xét việc thực hiện các dự án, nhất là các dự án ưu tiên bảo đảm hiệu quả, khả thi theo đúng quy định và không để xảy ra thất thoát, lãng phí.
Một số dự án ưu tiên như: Dự án điều chỉnh ranh giới, diện tích khu bảo tồn biển Bạch Long Vỹ; dự án điều chỉnh ranh giới, diện tích khu bảo tồn biển Cồn Cỏ; dự án điều chỉnh ranh giới, diện tích khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm; dự án điều chỉnh ranh giới, diện tích khu bảo tồn biển Lý Sơn; dự án điều chỉnh ranh giới, diện tích khu bảo tồn biển Phú Quốc; dự án thành lập mới khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần; dự án thành lập mới khu bảo tồn biển Bái Tử Long...
Dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công
Theo Kế hoạch, đối với các dự án đầu tư hình thành khu cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản ở biển giai đoạn 2021 - 2025, đầu tư tại khu vực biển miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển năm 2016.
Các dự án thực hiện nội dung quy hoạch về khai thác thủy sản thời kỳ 2021 - 2030: Thực hiện theo quy định đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về kế hoạch sử dụng đất, mặt nước, Kế hoạch nêu rõ, nhu cầu sử dụng mặt nước đến năm 2030 đã được xác định tại khoản 3, mục III, Điều 1 và các Phụ lục I, II, III, IV, V, VI ban hành kèm theo Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với các bộ, ngành rà soát nhu cầu sử dụng đất phục vụ công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, phân kỳ đầu tư phù hợp với tiêu chí sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm việc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng quy định.
Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để thành lập, đầu tư và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển
Xác định các nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực để thực hiện quy hoạch, Kế hoạch nêu rõ, ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để thành lập, đầu tư và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển, khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản ở biển; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực; giải quyết các vấn đề cấp bách trong bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản.
Bố trí nguồn nhân lực bảo đảm thực hiện Quy hoạch và tổ chức quản lý, sử dụng hiệu quả sản phẩm đầu tư công theo Kế hoạch.
7 chính sách, giải pháp thực hiện quy hoạch
Quyết định cũng nêu rõ 7 chính sách, giải pháp thực hiện quy hoạch gồm: 1. Thu hút đầu tư phát triển theo quy hoạch đã được phê duyệt; 2. Phát triển nguồn nhân lực; 3. Phát triển khoa học và công nghệ; 4. Bảo đảm an sinh xã hội; 5. Bảo vệ môi trường; 6. Bảo đảm nguồn lực tài chính; 7. Bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trong đó, về phát triển khoa học và công nghệ, theo Kế hoạch, sẽ xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật cho việc đầu tư hình thành mới hoặc điều chỉnh diện tích khu bảo tồn biển; khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản ở biển; xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật về các nghề khai thác thủy sản làm cơ sở để chuyển đổi các nghề khai thác thủy sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản; nghiên cứu, bảo tồn và phát triển các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; loài thủy sản đặc hữu; loài thủy sản có giá trị kinh tế và các hệ sinh thái biển đặc thù; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong quản lý các hoạt động bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, tổ chức xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu số, bản đồ số các hoạt động bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản.
Để bảo vệ môi trường, Kế hoạch nêu rõ, sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu bảo tồn biển, đầu tư hình thành khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản ở biển; các dự án điều chỉnh ranh giới, diện tích và thành lập mới các khu bảo tồn biển, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; giám sát, dự báo môi trường sống của các loài thủy sản; kịp thời phát hiện, xử lý ô nhiễm, suy thoái môi trường trên các thủy vực vùng nội địa và vùng biển.
Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thủy sản phù hợp với thực tế phát triển của ngành
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức công bố, phổ biến rộng rãi thông tin về Quy hoạch, Kế hoạch đến các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương và người dân biết, thực hiện; xây dựng bộ chỉ số giám sát, đánh giá thực hiện Quy hoạch, Kế hoạch phục vụ công tác giám sát, đánh giá hiệu quả Quy hoạch; tổ chức hội nghị, hội thảo hướng dẫn, sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch, Kế hoạch.
Đồng thời thực hiện đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thủy sản phù hợp với thực tế phát triển của ngành; chương trình quan trắc môi trường sống của các loài thủy sản phục vụ mục đích khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí các nguốn vốn cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương thực hiện các dự án đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính căn cứ khả năng cân đối của ngân sách trung ương, trên cơ sở đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành và địa phương có liên quan, Bộ Tài chính chủ trì, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí nguồn vốn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu và nội dung của Quy hoạch.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương lập phương án, kế hoạch sử dụng đất, mặt nước, bảo tồn đa dạng sinh học, thực hiện có hiệu quả các nội dung quy hoạch; xây dựng các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải đối với các cơ sở nuôi trồng thủy sản phù hợp với tính đặc thù của ngành, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các chính sách, giải pháp thúc đẩy, phát triển, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại, giải quyết rào cản thương mại (nếu có) cho sản phẩm thủy sản khai thác.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung Quy hoạch, Kế hoạch; tổ chức hội nghị, hội thảo sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nội dung Quy hoạch, Kế hoạch trên địa bàn tỉnh; giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Các Hội, Hiệp hội ngành hàng trong ngành thủy sản phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng doanh nghiệp, ngư dân về nội dung và kế hoạch thực hiện Quy hoạch. Tham gia xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy sản, hoạt động xúc tiến thương mại, đào tạo nghề, tập huấn cho ngư dân phát triển sinh kế, chuyển đổi nghề phù hợp; tổ chức sản xuất thủy sản theo chuỗi giá trị, có trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả và bền vững.