Quy định về việc thành lập thư viện tư nhân
Hỏi: Tôi đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM, muốn thành lập một thư viện ở quê tôi. Xin cho biết điều kiện để thành lập thư viện tư nhân?
Trả lời:
Điều 3 Luật Thư viện năm 2019 quy định: Thư viện là thiết chế văn hóa, thông tin, giáo dục, khoa học thực hiện việc xây dựng, xử lý, lưu giữ, bảo quản, cung cấp tài nguyên thông tin phục vụ nhu cầu của người sử dụng.
Cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân được tạo điều kiện để đầu tư, tài trợ, viện trợ, tặng cho, đóng góp phát triển sự nghiệp thư viện, văn hóa đọc, xây dựng và phát huy không gian đọc, phòng đọc cơ sở.
Cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thư viện được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật. Cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho thư viện; tài trợ, viện trợ, tặng cho, đóng góp để phát triển sự nghiệp thư viện và phát triển văn hóa đọc được ghi nhận và vinh danh theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Điều 18 quy định, thư viện được thành lập khi có đủ các điều kiện sau đây: Mục tiêu, đối tượng phục vụ xác định; Tài nguyên thông tin phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ của thư viện; Cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm phục vụ hoạt động thư viện; Người làm công tác thư viện có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với hoạt động thư viện; Người đại diện theo pháp luật của thư viện có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Điều 16 Luật này quy định: Thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng là thư viện có tài nguyên thông tin tổng hợp hoặc chuyên ngành do tổ chức, cá nhân Việt Nam thành lập, tự bảo đảm kinh phí hoạt động.
Thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng thực hiện chức năng, nhiệm vụ quy định tại Điều 4 của Luật này và các chức năng, nhiệm vụ sau đây: Cung cấp tài nguyên thông tin cho nhân dân trên địa bàn; tiếp nhận tài nguyên thông tin luân chuyển từ thư viện công cộng các cấp để phục vụ Nhân dân; Tổ chức hoạt động thư viện theo nội dung đã thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Xây dựng và tham gia phát triển văn hóa đọc cho Nhân dân trên địa bàn.
Về điều kiện thành lập thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, Điều 19, Nghị định 93/2020/NĐ-CP ngày 18/8/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện: Có mục tiêu tổ chức, hoạt động thư viện phù hợp và đáp ứng các chức năng, nhiệm vụ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 16 của Luật Thư viện, không trái với quy định của pháp luật; có đối tượng phục vụ là người dân trong cộng đồng và các đối tượng khác phù hợp với mục tiêu hoạt động của thư viện. Có ít nhất 2.000 bản sách (bao gồm tài liệu số).
Thư viện có cơ sở vật chất và tiện ích bảo đảm các yêu cầu sau: Diện tích và hạ tầng bảo đảm bảo quản tài nguyên thông tin, tiện ích thư viện với không gian đọc ít nhất 25 m2 dành cho người sử dụng thư viện; Bảo đảm vệ sinh môi trường, cảnh quan, trang thiết bị an ninh, an toàn và phòng cháy, chữa cháy; không ảnh hưởng tới trật tự, an toàn giao thông trong khu vực.
Người làm công tác thư viện phải tốt nghiệp từ trung học phổ thông trở lên; có ít nhất 01 người có trình độ nghiệp vụ thư viện hoặc đã tham gia tập huấn hoặc được hướng dẫn nghiệp vụ về thư viện.
Điều 23 Luật Thư viện quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, chấm dứt hoạt động thư viện phải thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận hồ sơ thông báo đối với thư viện cấp xã; thư viện cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác; thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng có trụ sở trên địa bàn.