Quy định về giờ lái xe: Nỗi niềm ngày Tết
Vấn đề giới hạn thời gian đối với tài xế ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ gây ra nhiều trăn trở mà trong số đó có một nỗi niềm cần có 'lời giải nóng' đúng dịp nghỉ Tết Ất Tỵ.
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (sau này là Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024), thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ không được quá 10 giờ/ngày và không lái xe liên tục quá 4 giờ.
Nghị định 168/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) bổ sung: Thời gian làm việc trong một tuần của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ không quá 48 giờ.
Những thay đổi trong quy định về thời gian lái xe là nhằm nâng cao mức độ an toàn giao thông đường bộ thông qua việc bảo vệ sức khỏe người lái xe, đảm bảo tính minh bạch trong quản lý vận tải. Mục đích cuối cùng là giảm thiểu tai nạn giao thông để đảm bảo tính mạng của cả người lái lẫn hành khách, người đi đường.
Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), sau 4 giờ liên tục ngồi sau vô lăng, những người lái xe sẽ rất mệt mỏi, buồn ngủ, thiếu tập trung và họ cần khoảng 15 phút nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Quãng thời gian ngắn ngủi nhưng quý báu này giúp hệ thần kinh của con người tỉnh táo hơn cả việc sử dụng chất kích thích.
Quy định về thời gian lái xe liên tục tối đa là 4 giờ có liên quan đến Bộ luật Lao động của Việt Nam, còn quy định lái xe không quá 48 giờ mỗi tuần phù hợp Công ước Vienna về giao thông đường bộ.
Việc giới hạn thời gian lái xe liên tục đã trở nên phổ biến trên thế giới, trong đó có Mỹ.
Theo Cục An toàn giao thông đường bộ quốc gia Mỹ (NHTSA) và Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA), phần lớn các vụ tai nạn giao thông là do lỗi của con người gây ra và hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Cụ thể hơn, theo thống kê của AAA, có tới 9,5% các vụ tai nạn giao thông là do người lái xe buồn ngủ. Lái xe khi ngủ không đủ giấc cũng bị coi là nguy hiểm tương tự như khi say rượu. AAA khuyến cáo: Hãy ngủ đủ giấc thay vì uống nước tăng lực hay cà phê và khi có dấu hiệu buồn ngủ thì hãy chợp mắt khoảng 20 phút.
Còn theo dữ liệu của Insure The Box (công ty bảo hiểm viễn thông hàng đầu của Anh), cứ sáu vụ va chạm giao thông dẫn đến thương vong thì có một vụ liên quan đến sự mệt mỏi của người lái xe.
Tại Việt Nam, theo Cục Cảnh sát giao thông, trong năm 2023 có tới 72 vụ tai nạn giao thông là do tài xế mệt mỏi, ngủ gật. Vào năm 2024, có thời điểm liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông do tình trạng sức khỏe của các tài xế "có vấn đề", trong đó có chuyện ngủ gật, ngất xỉu, đột quỵ…
Theo Nghị định 168/NĐ-CP, nếu tài xế ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ lái xe quá thời gian quy định hoặc không thực hiện đúng quy định về thời gian nghỉ giữa hai lần lái xe liên tục thì sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng với hình phạt bổ sung là trừ 2 điểm trong giấy phép lái xe.
Đồng thời, nếu chủ xe để cho tài xế lái ô tô liên tục quá thời gian quy định thì cũng sẽ bị xử phạt từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng (đối với một cá nhân) và từ 8 triệu đồng đến 12 triệu đồng (đối với một tổ chức).
Tuy nhiên, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) đưa ra nhiều lý do để kiến nghị về sự thay đổi các quy định nói trên. Theo đó, hiện nay các hệ thống đường bộ của nước ta chưa đồng bộ, trên một số đường bộ cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ, đặc biệt là ở trục cao tốc Bắc - Nam, xe phải chạy liên tục đến khi ra khỏi đường cao tốc mới có thể tìm được điểm dừng nghỉ.
VATA kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn nghiên cứu, điều chỉnh quy định của pháp luật theo hướng giãn, nâng thời gian lái xe quy định. Cụ thể, nâng mức thời gian lái xe trong tuần tối đa từ 55 giờ đến 60 giờ, quy định thời gian lái xe liên tục và trong ngày trên 10% của thời gian lái xe theo quy định tại Khoản 1, Điều 64 của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
VATA cũng như nhiều đại diện doanh nghiệp kinh doanh vận tải đưa ra các trở ngại khi áp thời gian lái xe quá chặt như lái xe bỏ việc vì sợ phạt nặng, nếu chủ xe phải bố trí ba tài xế cho chặng đường dài thay vì hai tài xế như hiện nay thì không đủ người lái có bằng cấp phù hợp, tăng chi phí vận chuyển, hạn chế việc lưu thông hàng hóa dẫn tới tác động xấu tới nền kinh tế quốc dân…
Kiến nghị của VATA sẽ được các cơ quan có thẩm quyền xem xét trong thời gian tới dưới nhiều góc độ, có tính tới thực trạng giao thông ở Việt Nam.
Việc xem xét vấn đề thời gian lái xe trong tuần, trong ngày như thế nào là phù hợp với con người và hạ tầng giao thông của Việt Nam đòi hỏi có sự đóng góp ý kiến từ phía chuyên gia thuộc nhiều ngành, sự thống nhất quan điểm giữa các bộ có liên quan.
Song, bên cạnh đó có một nỗi trăn trở từ phía các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và đội ngũ lái xe đường dài cần được "tháo gỡ nóng".
Trong những ngày này cả nước đang bước vào đợt "đại dịch chuyển" thường niên với số lượng phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến.
Tại Hà Nội, vào ngày làm việc cuối cùng trước khi nghỉ Tết (ngày 24/1) lượng khách dồn về các bến xe, bến tàu tăng khoảng 300% so với bình thường, đồng nghĩa với việc dòng xe cộ vô cùng đông đúc. Nút giao thông Ngã Tư Sở có lưu lượng thiết kế tối đa 3.000 phương tiện một giờ, nhưng trong ngày 24/1 phải tiếp nhận khoảng 9.000 phương tiện/giờ.
Tại TP Hồ Chí Minh, từ ngày 25/1 đến ngày 7/2 mỗi ngày sẽ có khoảng 93.500 hành khách đến 5 bến xe liên tỉnh, tăng nhiều lần so với bình thường, được chuyên chở trên 4.803 xe khách đường dài và 17.618 xe hợp đồng từ 9 chỗ trở lên.
Trong điều kiện như vậy thì tình trạng kẹt xe ở cửa ngõ các thành phố lớn và cả trên các tuyến cao tốc diễn ra thường xuyên. Người điều hành vận tải và tài xế không làm chủ được số giờ lái xe trên đường, thời gian bị kéo dài, vượt quá quy định.
Nếu đường bị tắc cứng, lái xe có thể tắt máy chờ và thời gian đó có thể được tính là giờ nghỉ, đồng nghĩa là không có sự vi phạm về thời gian lái xe liên tục? Song, nếu đường chỉ bị dồn ứ, tài xế phải điều khiển phương tiện với tốc độ rất chậm trong một thời gian dài thì có khả năng vẫn bị coi là vi phạm số giờ lái xe liên tục mà không có quãng nghỉ. Đây là điều khiến cả chủ doanh nghiệp lẫn giới tài xế đường dài băn khoăn nhất vào thời điểm hiện tại.
Vấn đề mang tính thời điểm này nếu chưa thể được giải quyết bằng giải pháp dài hơi thì một trong số các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể đưa ra cách hướng dẫn tạm thời để những người lái xe đường dài yên tâm ngồi sau vô lăng trong dịp toàn dân vui Tết đoàn viên, không lo bị phạt về vi phạm số giờ lái xe liên tục vì lý do "bất khả kháng".
Nhưng trên hết cả, mục tiêu của pháp luật là để bảo vệ sức khỏe, sự an toàn cho nhân dân, mà trực tiếp là người tham gia giao thông và chính các tài xế. Bởi vậy, cần phân biệt rõ những trường hợp cá biệt và trường hợp mang tính phổ quát. Có như vậy việc thực thi pháp luật mới đạt được mục đích, được người dân đồng thuận.