Quy định về dạy thêm, học thêm: Bảo đảm công bằng trong giáo dục

Các địa phương, nhà trường đang tích cực nghiên cứu để triển khai quy định về dạy thêm, học thêm từ 14/2/2025...

Giờ học tại Trường THCS Đống Đa (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh chỉ mang tính minh họa (NTCC)

Giờ học tại Trường THCS Đống Đa (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh chỉ mang tính minh họa (NTCC)

Thông tư 29/2024/TT-BGD&ĐT ngày 30/12/2024 của Bộ GD&ĐT thu hút sự chú ý của dư luận bởi tác động mạnh mẽ đến tổ chức dạy học ngoài giờ chính khóa. Các địa phương, nhà trường đang tích cực nghiên cứu để triển khai quy định này từ 14/2/2025.

Khắc phục tiêu cực

Ông Trần Sĩ Thành - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông cho rằng, xã hội phát triển, nhu cầu học tập của học sinh ngày càng cao. Vì vậy, ngoài học chính khóa, phụ huynh còn có nhu cầu cho con em được học thêm để ôn tập, củng cố, nâng cao kiến thức; đặc biệt là học sinh cuối cấp, chuẩn bị cho những kỳ thi tuyển sinh.

Nếu công tác dạy thêm, học thêm được tổ chức đúng theo quy định sẽ tạo nên hiệu ứng tích cực với cả người dạy, người học. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có hiện tượng vi phạm đạo đức về dạy thêm, trong đó có việc giáo viên gợi ý, hoặc ép buộc học sinh học thêm.

Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 29 giúp khắc phục những hạn chế trong quản lý dạy học thêm, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh, đồng thời nâng cao vai trò của nhà trường trong việc phát triển toàn diện học sinh. Thông tư được xây dựng chặt chẽ và được sự đóng góp ý kiến rộng rãi của cộng đồng xã hội trước khi ban hành.

Quy định mới không cấm dạy thêm, học thêm, mà chỉ nghiêm cấm các hành vi tiêu cực trong hoạt động này. Việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm lợi ích của học sinh, ngăn chặn tình trạng học sinh dù không có nguyện vọng nhưng vẫn đi học các lớp dạy thêm do nhà trường, giáo viên tổ chức.

“Thông tư 29 quy định rõ trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm từ UBND tỉnh đến sở GD&ĐT, UBND các huyện, phòng GD&ĐT, UBND cấp xã, hiệu trưởng các nhà trường nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của giáo viên, học sinh, gia đình học sinh theo các quy định hiện hành. Thông tư cũng tăng cường trách nhiệm của nhà trường trong thực hiện đầy đủ các yêu cầu cần đạt theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông”, ông Trần Sĩ Thành nhận định.

Còn theo cô Trần Thị Bích Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Hạ Hòa (Phú Thọ), Thông tư 29 sẽ khắc phục tình trạng dạy học thêm tràn lan, bảo đảm công bằng trong giáo dục. Học sinh sẽ cân bằng giữa chơi và học, đồng thời có thêm thời gian để quan tâm đến cuộc sống xung quanh và tự học hỏi các kỹ năng trong cuộc sống. Quy định mới giúp tạo môi trường học đường lành mạnh hơn; giáo viên cũng sẽ dạy dỗ học sinh bằng tất cả trách nhiệm, tình yêu thương trong thời gian chính khóa tại nhà trường.

Thầy Lê Văn Hòa - Giám đốc Trung tâm GDTX - Tin học, Ngoại ngữ tỉnh Quảng Trị nhận định, Thông tư 29 đã làm rõ quy định dạy học thêm trong nhà trường. Trong đó rõ đối tượng học sinh học thêm; nhà trường không được thu tiền học thêm và vai trò quản lý của hiệu trưởng về dạy thêm, học thêm.

Tuy nhiên, thầy Hòa băn khoăn, các trường có chất lượng tuyển sinh đầu vào thấp, cần hoạt động ôn tập tăng cường khó có thể tổ chức ôn tập đại trà cho học sinh. Việc ôn tập tăng cường theo quy mô đại trà cho học sinh cuối cấp, ngân sách chi trả khá lớn, khó đảm đương nổi.

 Ảnh minh họa INT.

Ảnh minh họa INT.

Chủ thể quan trọng nhất là nhà trường

Để Thông tư 29 phát huy hiệu quả trong thực tiễn, theo thầy Lê Văn Hòa, chủ thể quan trọng nhất vẫn là nhà trường. Nhà trường chủ trì việc truyền thông làm cho học sinh và phụ huynh hiểu rõ về dạy thêm trong trường, ngoài trường để tuân thủ các quy định và lựa chọn tối ưu việc học thêm; đồng thời, phối hợp quản lý giáo viên tham gia dạy thêm ngoài trường, cá nhân nào được dạy, dạy ở đâu, dạy nhóm học sinh nào…

“Trung tâm GDTX - Tin học, Ngoại ngữ tỉnh Quảng Trị đã phổ biến, quán triệt Thông tư 29 đến giáo viên, học sinh và phụ huynh; xác định rõ phạm vi, đối tượng dạy thêm trong nhà trường.

Một số thông tin được lưu ý như: Học sinh, phụ huynh có con khi tham gia học thêm ngoài trường cần biết những gì? Giáo viên khi tham gia dạy thêm ngoài trường cần tuân thủ những quy định nào? Vấn đề tổ chức công tác kiểm tra, giám sát như thế nào để đảm bảo thực thi nghiêm túc các quy định tại Thông tư 29 cũng được đề cập”, thầy Lê Văn Hòa chia sẻ.

Tương tự, Trường Tiểu học thị trấn Hạ Hòa (Phú Thọ) đã quán triệt nội dung Thông tư để mỗi cán bộ, giáo viên hiểu, thực hiện nghiêm túc; đồng thời tổ chức cho 100% giáo viên ký cam kết với hiệu trưởng không tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường.

Nội dung Thông tư cũng được tuyên truyền tới toàn bộ phụ huynh để hiểu và thực hiện. Bên cạnh đó, nhà trường tập trung các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục thực chất; từ đó phụ huynh yên tâm, không cần nghĩ đến việc cho con em tham gia các lớp học thêm.

“Để triển khai Thông tư hiệu quả, vai trò của người đứng đầu nhà trường và giáo viên rất quan trọng. Hiệu trưởng là người chủ động nghiên cứu Thông tư để nắm nội dung, từ đó triển khai, quán triệt sâu sắc tới cán bộ, giáo viên; tổ chức cho cán bộ, giáo viên ký cam kết không tổ chức dạy thêm, học thêm và chịu trách nhiệm trước cấp trên về việc đảm bảo cán bộ, giáo viên trường mình thực hiện nghiêm túc quy định.

Với giáo viên, khi hiểu rõ ý nghĩa của việc triển khai Thông tư sẽ thực hiện nghiêm túc. Không lời nhắc nhở nào hiệu quả hơn là chính bản thân họ tự nhận thức và thực hiện”, Hiệu trưởng Trần Thị Bích Hạnh nêu quan điểm.

Tại Đắk Nông, cùng với tăng cường tuyên truyền sâu rộng Thông tư 29 đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và nhân dân, ông Trần Sĩ Thành cho biết, sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh; đồng thời, hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm cho các nhà trường, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý.

Căn cứ văn bản của cấp trên, sở GD&ĐT sẽ ban hành văn bản chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện, thành phố; cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc quy định dạy thêm, học thêm. Đồng thời, đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo phòng GD&ĐT, UBND xã, phường, thị trấn tổ chức quản lý, kiểm tra việc chấp hành các quy định này; phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi tiêu cực, vi phạm theo thẩm quyền, hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Trong thời gian tới, Sở GD&ĐT Đắk Nông tiếp tục tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện Chương trình GDPT theo định hướng phát triển năng lực học sinh; tiếp tục tinh giản nội dung dạy học, đảm bảo không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình; tăng cường hướng dẫn học sinh tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận, vận dụng kiến thức.

Cùng đó thực hiện nghiêm việc kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, không nặng về kiểm tra kiến thức. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm từng bước khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định. - Ông Trần Sĩ Thành

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/quy-dinh-ve-day-them-hoc-them-bao-dam-cong-bang-trong-giao-duc-post715231.html
Zalo