Quy định trách nhiệm của cơ sở giam giữ, trại giam trong việc phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý

BBK -

Hỏi: Pháp luật quy định trách nhiệm của cơ sở giam giữ, trại giam và người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ, trại giam việc phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng quy định trách nhiệm của cơ sở giam giữ, trại giam và người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ, trại giam trong việc phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng như sau:

Điều 10, Thông tư liên tịch số 10 quy định:

1. Cơ sở giam giữ có trách nhiệm:

a) Giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thuộc diện được trợ giúp pháp lý;

b) Thực hiện các hoạt động: Thực hiện việc thống kê vào Sổ theo dõi vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng; Niêm yết Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, đặt Hộp tin trợ giúp pháp lý; phát miễn phí tờ gấp pháp luật, đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý; Đề nghị Trung tâm, Chi nhánh phối hợp thực hiện các hoạt động truyền thông và hướng dẫn về trợ giúp pháp lý.

c) Niêm yết Tờ thông tin về trợ giúp pháp lý trong buồng tạm giữ, buồng tạm giam, tại nơi làm thủ tục tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phòng thăm gặp, phòng làm việc của người bào chữa và nơi sinh hoạt chung của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; phát qua các phương tiện truyền thanh của cơ sở giam giữ băng ghi âm, đĩa ghi âm, USB hoặc phương tiện khác có chứa nội dung thông tin về trợ giúp pháp lý dạng âm thanh tại nơi sinh hoạt chung của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

2. Trại giam có trách nhiệm:

a) Giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý cho phạm nhân thuộc diện được trợ giúp pháp lý đang chấp hành án tại trại giam là người bị buộc tội, bị hại hoặc đương sự trong vụ án khác do có hành vi phạm tội, xâm hại hoặc có liên quan đến vụ án trước khi chấp hành án;

b) Thực hiện việc thống kê vào Sổ theo dõi vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

* Trách nhiệm của người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ, trại giam

Điều 11, Thông tư liên tịch số 10 quy định:

1. Người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ có trách nhiệm:

a) Giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thuộc diện được trợ giúp pháp lý.

Khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam có yêu cầu trợ giúp pháp lý, người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ có trách nhiệm hướng dẫn họ viết đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và chuyển đến Trung tâm, Chi nhánh cùng với thông báo;

b) Tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện trợ giúp pháp lý gặp gỡ, tiếp xúc với người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật;

c) Xác nhận về thời gian người thực hiện trợ giúp pháp lý gặp gỡ, tiếp xúc với người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

2. Người có thẩm quyền của trại giam có trách nhiệm thực hiện giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý cho phạm nhân thuộc diện được trợ giúp pháp lý đang chấp hành án tại trại giam là người bị buộc tội, bị hại hoặc đương sự trong vụ án khác do có hành vi phạm tội, xâm hại hoặc có liên quan đến vụ án trước khi chấp hành án./.

TRUNG TÂM TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NHÀ NƯỚC BẮC KẠN

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/quy-dinh-trach-nhiem-cua-co-so-giam-giu-trai-giam-trong-viec-phoi-hop-thuc-hien-tro-giup-phap-ly-post67323.html
Zalo