Quy định một số nội dung cốt lõi trong quản lý nhà nước về tài sản số
Tiếp tục chương trình Kỳ họp, chiều 9/5, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số gồm 7 chương với 57 điều, quy định về công nghiệp công nghệ số. Luật này không quy định về hoạt động công nghiệp công nghệ số chỉ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, hoạt động cơ yếu để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước. Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia hoặc có liên quan đến công nghiệp công nghệ số tại Việt Nam.
Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, đối với quản lý trí tuệ nhân tạo, có ý kiến bổ sung nguyên tắc quản lý rủi ro, có biện pháp bảo đảm để thúc đẩy, phát triển, ứng dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) trong các ngành, lĩnh vực và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết; có quy định về sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm sử dụng AI.

Quốc hội nghe nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự thảo luật đã quy định về AI theo hướng thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng AI vào cuộc sống; quản lý rủi ro và lấy con người làm trung tâm; quy định quản lý đối với hệ thống AI rủi ro cao, hệ thống tác động lớn và không đặt yêu cầu quản lý đối với hệ thống trí tuệ nhân tạo không rủi ro cao và giao Chính phủ quy định chi tiết phù hợp thực tiễn quản lý ngành, lĩnh vực.
Nguyên tắc quản lý rủi ro này được xây dựng trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế và phù hợp thực tiễn Việt Nam. Đồng thời, dự thảo luật cũng bổ sung quy định về Chiến lược nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, nhằm thúc đẩy, phát triển và ứng dụng AI hiệu quả, bền vững và có trách nhiệm trong các ngành, lĩnh vực.

Các ĐBQH tại Kỷ họp 9, Quốc hội khóa XV.
Về ý kiến đề nghị cần có quy định về sở hữu trí tuệ đối với AI, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam quy định quyền sở hữu trí tuệ chỉ có thể thuộc về tổ chức, cá nhân (con người) sở hữu hoặc trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm, sáng chế,… chứ không áp dụng đối với AI.
Hiện nay, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và nhiều quốc gia vẫn đang tiếp tục nghiên cứu vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm do AI tạo ra, chưa chính thức luật hóa hoặc đưa vào các công ước quốc tế. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về vấn đề nêu trên trong Luật Sở hữu trí tuệ vào thời điểm phù hợp.
Theo ông Lê Quang Huy, có ý kiến cho rằng cần xây dựng một khung pháp lý tài sản số quy định chi tiết các vấn đề cốt lõi, xác định ngay các nội dung phải thực hiện (quyền tài sản, quyền sở hữu, giao dịch, bảo mật, trách nhiệm, giải quyết tranh chấp, quản lý rủi ro)..., vừa đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và thông lệ quốc tế. Đồng thời, thiết lập cơ chế quản lý, giám sát, phòng ngừa rủi ro; làm rõ tài sản số có thể sử dụng cho mục đích trao đổi hoặc đầu tư hay không; đề nghị làm rõ nội hàm, tiêu chí phân loại tài sản số.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu tại Kỳ họp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, theo dự thảo luật, tài sản số đã được xác định là tài sản theo pháp luật dân sự hiện hành. Quyền tài sản, quyền sở hữu, giao dịch, bảo mật, trách nhiệm, giải quyết tranh chấp, quản lý rủi ro… đã được điều chỉnh theo quy định của pháp luật hình sự, pháp luật về phòng chống tham nhũng, chống rửa tiền và pháp luật có liên quan.
Do vậy, nhằm bảo đảm tính khả thi, linh hoạt và ổn định của hệ thống pháp luật, dự thảo luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định cụ thể cho phù hợp với thực tiễn phát triển.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã quy định cụ thể hơn một số nội dung cốt lõi trong quản lý nhà nước về tài sản số và giao Chính phủ quy định chi tiết về thẩm quyền, quản lý đối với tài sản số trong lĩnh vực chuyên ngành phù hợp với điều kiện thực tiễn.