Quy định mới về quan trắc và điều tra, khảo sát xâm nhập mặn

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông tư số 47/2024/TT-B-TNMT quy định kỹ thuật về quan trắc mặn và điều tra, khảo sát xâm nhập mặn, có hiệu lực thi hành từ ngày 14/2/2025.

Công tác kiểm tra độ mặn trước cống Mười Nén (huyện Cai Lậy). (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Công tác kiểm tra độ mặn trước cống Mười Nén (huyện Cai Lậy). (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông tư số 47/2024/TT-B-TNMT quy định kỹ thuật về quan trắc mặn và điều tra, khảo sát xâm nhập mặn. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 14/2/2025, thay thế Thông tư số 39/2016/TT-BTNMT ngày 19/12/2016.

Thông tư áp dụng đối với mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia có hoạt động quan trắc mặn và điều tra, khảo sát xâm nhập mặn. Trong đó quy định kỹ thuật về quan trắc mặn và điều tra, khảo sát xâm nhập mặn tại các vùng sông ven biển, bao gồm các sông, nhánh sông, kênh, rạch ở khu vực ven biển bị ảnh hưởng của thủy triều.

Thông tư nêu rõ các quy định kỹ thuật về yếu tố, trang thiết bị quan trắc mặn và điều tra, khảo sát xâm nhập mặn; cách thức quan trắc mặn thủ công và quan trắc mặn tự động.

Với quan trắc mặn thủ công, Thông tư quy định về vị trí quan trắc, chế độ quan trắc, các bước quan trắc mặn, quan trắc hoặc thu thập một số yếu tố khí tượng thủy văn, tính toán và chỉnh lý dữ liệu quan trắc. Thời gian quan trắc tiến hành trong 6 tháng mùa cạn. Cụ thể, đối với sông ở khu vực miền Bắc và miền Nam, bắt đầu từ tháng 12 năm trước và kết thúc vào tháng 5 năm sau. Đối với sông ở khu vực miền Trung, từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi bắt đầu từ tháng 3 và kết thúc vào tháng 8 của năm; từ Bình Định đến Bình Thuận bắt đầu từ tháng 2 và kết thúc vào tháng 7 của năm.

Đối với sông ở những khu vực có diễn biến xâm nhập mặn bất thường có thể tiến hành quan trắc hoặc điều tra, khảo sát ngoài khoảng thời gian nêu trên. Tại những khu vực thường có diễn biến xâm nhập mặn thấp, nếu trong quá trình quan trắc vào giai đoạn gần cuối mùa cạn mà xuất hiện 2 kỳ nước cường cao nhất liên tiếp có độ mặn dưới 0,1‰, xem xét, đánh giá ngừng công tác quan trắc mặn của mùa cạn đó.

Với quan trắc mặn tự động, Thông tư quy định về trạm quan trắc mặn tự động (vị trí, nguyên tắc đặt trạm, chế độ quan trắc, trang thiết bị), đặc tính kỹ thuật của thiết bị đo mặn tự động, cách thức vận hành và truyền, nhận, lưu trữ thông tin dữ liệu, tính toán lập biểu dữ liệu.

Về điều tra, khảo sát, nguyên tắc là trên đoạn sông điều tra, khảo sát phải bố trí tối thiểu 3 điểm quan trắc, phân bố từ cửa sông lên thượng lưu và đảm bảo khoảng cách giữa các điểm quan trắc. Cụ thể, khoảng cách đối với sông ở khu vực miền Bắc từ 5-7km; sông ở khu vực miền Trung từ 3-5km; sông ở khu vực miền Nam từ 10-15km.

Trong trường hợp sông có tình trạng xâm nhập mặn phức tạp, nguy cơ diễn biến bất thường có thể giảm khoảng cách giữa các điểm quan trắc để bảo đảm xác định được ranh giới xâm nhập mặn theo nhu cầu sử dụng của các đối tượng dùng nước.

Các điểm quan trắc được bố trí bảo đảm xác định được giá trị ranh giới xâm nhập mặn (giá trị ranh giới xâm nhập mặn tùy theo yêu cầu điều tra khảo sát thường được xác định là 1‰ hoặc 4‰).

Các điểm quan trắc trên đoạn sông điều tra, khảo sát đảm bảo các yêu cầu: Dòng chảy bị ảnh hưởng triều rõ rệt; không có hiện tượng nước tù, chảy quẩn; không có dòng nhập lưu; ít bị ảnh hưởng bởi tác động của con người.

Thông tư cũng quy định công tác báo cáo tình hình quan trắc mặn và điều tra, khảo sát xâm nhập mặn. Theo đó, báo cáo bao gồm: Báo cáo tình hình hoạt động theo tháng đối với từng trạm/điểm quan trắc (thủ công và tự động); tuyến điều tra, khảo sát và báo cáo tổng kết quan trắc theo đợt hoặc năm đối với các đơn vị quản lý công tác quan trắc và điều tra, khảo sát.

Các đơn vị thực hiện các chương trình quan trắc mặn và điều tra, khảo sát xâm nhập mặn có trách nhiệm báo cáo, cập nhật thông tin, số liệu về tình hình xâm nhập mặn gửi Tổng cục Khí tượng Thủy văn trước ngày 8 hàng tháng (đối với các báo cáo, số liệu hàng tháng) và sau 20 ngày kể từ ngày kết thúc đợt hoặc năm quan trắc (đối với báo cáo tổng kết, số liệu theo đợt hoặc cả năm).

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu, trong đó xâm nhập mặn là một trong rất nhiều hậu quả do biến đổi khí hậu gây nên. Biến đổi khí hậu làm gia tăng nhiệt độ của Trái đất, khiến dung tích nước của các đại dương tăng, băng từ các vùng cực tan chảy, mực nước biển dâng cao, mở rộng vùng xâm nhập mặn, thu hẹp diện tích nước ngọt.

Xâm nhập mặn là quá trình thay thế nước ngọt trong các tầng chứa nước ở ven biển bằng nước mặn do sự dịch chuyển của khối nước mặn vào tầng nước ngọt. Khác với các loại hình thiên tai như bão, lũ lụt, xâm nhập mặn diễn ra chậm và có thể gây ra thiệt hại trong thời gian dài.

Là quá trình tự nhiên nên nếu nắm bắt được nguyên nhân, diễn biến xâm nhập mặn có thể chủ động đưa ra những dự báo cũng như giải pháp phòng, chống hiệu quả rủi ro thiên tai này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/quy-dinh-moi-ve-quan-trac-va-dieu-tra-khao-sat-xam-nhap-man-post1006579.vnp
Zalo